Kỷ niệm 128 năm ngày sinh chủ tịch hồ chí minh (19/5/1890 - 19/5/2018)

Ký ức của người nghệ sĩ một lần được ngâm thơ cho Bác Hồ

Thứ Bảy, 19/05/2018, 20:20

Ký ức đẹp nhất, tự hào nhất trong cuộc đời của NSND Trần Thị Tuyết là được gặp Bác Hồ, được ngâm thơ cho Người nghe.


Một thời, giọng ngâm của bà đã làm “tan chảy” biết bao tâm hồn người yêu thơ. Ở mặt trận, trong bom rơi đạn nổ, tiếng thơ ấy còn làm nức lòng người chiến sĩ. Nhưng ký ức đẹp nhất, tự hào nhất trong cuộc đời của NSND Trần Thị Tuyết là được gặp Bác Hồ, được ngâm thơ cho Người nghe.

Tiếng thơ trong lòng Bác

Ngoài 80 tuổi nhưng NSND Trần Thị Tuyết vẫn minh vẫn và dẻo dai, giọng ngâm của bà đã yếu đi nhiều, song còn ấm áp, “ngọt dịu”, chất chứa cả một bầu trời cảm xúc. 

Bà Tuyết sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, mẹ bà là đào nương nức tiếng Nguyễn Thị Phúc. Năm 1957, bà Phúc làm cộng tác viên cho Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), nổi tiếng hát ca trù và ngâm thơ. Thời ấy, những người làm nghệ thuật như bà Phúc không được xã hội đề cao trọng dụng, họ thường gán cho cụm từ “xướng ca vô loài”. 

Bà Phúc buồn lắm, không cho con gái Trần Thị Tuyết theo nghề và cũng không truyền dạy bất cứ điều gì cho con. Từ bé bà Tuyết đã nghe mẹ ngâm thơ, nghe riết thì quen và nhớ. Rồi thơ ngấm vào người bà tự bao giờ không biết. 

Với tài năng nghệ thuật thiên bẩm, bà đã tự học, tự luyện.  Những lúc rảnh rỗi hoặc cao hứng, bà lại ngâm nga cho thỏa niềm đam mê. Một hôm, đồng nghiệp của bà Phúc ở đài TNVN là thi sĩ Hoàng Tấn hỏi về gia đình con cái, xem có ai theo nghiệp ca hát không? Bà Phúc xua tay: “Mấy đứa nhà tôi làm ngoài cả. Chỉ có đứa con gái hay ngâm nga vớ vẩn mà, đâu có chuyên nghiệp”. 

Ông Hoàng Tấn nhất quyết yêu cầu người mẹ đưa con gái tới đài thử giọng. Ban tổ chức đưa cho bà Tuyết một đoạn thơ để bà ngâm thử. Khi ấy bà Tuyết đã 30 tuổi, gọi là có giọng ngâm thôi chứ nào biết gì về thơ ca, ý tứ, vần điệu. 

Bà ngâm bằng chính bản năng sẵn có của con nhà nòi với suy nghĩ: “Coi như đi chơi cho vui, không được thì cũng chẳng sao”. Khi nghe giọng ngâm của Trần Thị Tuyết, mọi người ở đài đều thốt lên: “Được quá đi chứ, thế này mà vớ vẩn gì”. Vậy là từ đó, Trần Thị Tuyết vào đài TNVN làm việc.

Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết trong một lần ngâm thơ cho Bác Hồ nghe.

Bà Tuyết cho rằng, cái duyên thơ ca gắn với mình như một định mệnh đã được sắp đặt sẵn. Trong suốt hai năm, Trần Thị Tuyết làm cộng tác viên thường xuyên của đài, chịu trách nhiệm ngâm thơ vào 10 giờ đêm hai ngày trong tuần. Đến năm 1962, bà chính thức vào làm ở Đài TNVN. Từ một người thợ may bình thường, Trần Thị Tuyết trở thành giọng ngâm thơ nức tiếng.

Tiếng thơ của Trần Thị Tuyết trên làn sóng Đài TNVN một ngày rồi cũng đến tai Bác Hồ. Khi nghe ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác thông báo bà là người được chọn vào Phủ Chủ tịch ngâm thơ cho Bác Hồ nghe, bà Tuyết như không tin vào tai mình, cảm giác lo sợ, hồi hộp choán lấy tâm trí. 

Bà không biết phải chuẩn bị những gì, ngâm như thế nào để Bác hài lòng nhất. Trong đầu bà Tuyết chỉ nghĩ đến những bài thơ của Bác Hồ sáng tác và suy nghĩ sẽ ngâm thơ của Bác thì mới có ý nghĩa trong hoàn cảnh này.

Bà Tuyết chia sẻ: “Trước khi gặp Bác Hồ tôi rất run và hồi hộp, nhưng khi gặp Bác, nhìn thấy Bác hiền từ quá. Rồi Bác ân cần hỏi chuyện gia đình, gần gũi và thân quen lắm. Lúc ấy tự nhiên tôi không còn cảm giác run sợ nữa”. 

Bà Tuyết có người con trai bị bại liệt, năm ấy mới 4 tuổi. Bác hỏi thăm rất lâu, rất kỹ. Rồi căn dặn phải cho con đi học, dù thế nào cũng phải học để sau này giúp ích cho xã hội. Riêng bà Tuyết, Bác hỏi luyện giọng làm sao? 

Giữ giọng làm sao? Bác khuyên không nên uống bia rượu để giữ cho giọng thật tốt phục vụ quần chúng. Bác dạy, là nghệ sĩ trước hết phải có đạo đức, phải không ngừng trau dồi học hỏi văn hóa và những tinh hoa của các nền nghệ thuật. Làm văn hóa cũng là làm cách mạng, mình phải làm sao cho tiếng thơ truyền tình cảm tới tâm hồn của khán giả, mang sức mạnh tinh thần đến với đồng bào cả nước. 

Lần đó bà Tuyết ngâm liền 3 bài thơ của Bác gồm: “Cảnh khuya”, “Trên đường đi”, “Đêm không ngủ”... Bà Tuyết say sưa ngâm, dồn tất cả cảm xúc và tấm lòng vào mỗi câu từ. Bà định ngâm tiếp bài thứ 4 thì Bác vẫy tay bảo: “Thôi, cháu nghỉ ngơi đi kẻo mệt”.  

Sau đó, Bác cho bà đi xem phim cùng các anh chị em trong Phủ Chủ tịch. Xem xong phim, Bác chia kẹo cho từng người. Đến lượt bà, Bác chia cho 5 cái vì nhà có 5 người: Một mẹ già, hai vợ chồng và 2 đứa con. Trước khi ra về, Bác còn tặng bà Tuyết mấy cuốn sách thơ cổ điển. Bà trân trọng, cẩn thận cất giữ món quà của Bác như một báu vật, lúc nào cũng mang theo bên mình.

Sau lần được gặp Bác Hồ, được ngâm thơ cho Người nghe, bà Tuyết cảm giác hạnh phúc và tự hào vô cùng. Tinh thần bà phấn chấn, giọng ngâm như được tiếp thêm lửa, mạnh mẽ, hùng hồn và sâu lắng. Từ đó, dịp Tết năm nào bà Tuyết cũng tham gia ngâm thơ của Bác trên đài TNVN và thỉnh thoảng bà lại được Bác gọi vào ngâm thơ.

NSND Trần Thị Tuyết trong một lần ngâm thơ.

"Lửa" trong thơ

Những năm tháng gắn bó với công việc ở Đài TNVN cùng thời điểm với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng ác liệt, bà Tuyết ra tận mặt trận ngâm thơ, từ mặt trận Hoàng Mai (Nghệ An) đến chiến trường Bình -Trị -Thiên, tiếng thơ át tiếng súng. 

Trên trời máy bay quần thảo, tiếng bom rơi, súng nổ chát chúa nhưng không thể át được giọng ngâm trầm ấm, da diết truyền lửa của người nghệ sĩ. Bà ngâm bất cứ lúc nào bộ đội rảnh, khi thì ở trong rừng già, giữa đêm khuya, khi ở ngay trên chiến tuyến, trước mặt là quân thù.

Bà Tuyết nhớ lại: “Mỗi đơn vị chỉ có khoảng 20 phút để thư giãn, nghe giọng ngâm của nghệ sĩ cho nên chúng tôi phát huy hết khả năng, dồn tất cả tình cảm của mình vào mỗi bài thơ. Bộ đội dành cho chúng tôi tình cảm chân tình, nồng ấm nhất. Mỗi lần chia tay đều lưu luyến bịn rịn đến khóc”.

Có đơn vị, khi đoàn nghệ sĩ vừa đi khỏi thì bị trúng bom hy sinh còn đúng một nữ chiến sĩ. Cô ấy viết thư cho bà Tuyết: “Vừa nghe tiếng thơ của cô được ít ngày, tâm hồn chúng cháu như được sống dậy, thấy yêu đời, yêu quê hương đất nước nhiều hơn. Nhưng cô ơi, giặc Mỹ ném bom khiến các đồng đội cháu hy sinh hết, chỉ còn một mình cháu may mắn sống sót”. 

Nhận lá thư đẫm máu và nước mắt của người lính trẻ, bà Tuyết thấy tim mình quặn đau. Bao yêu thương bà đưa cả vào thơ, ngấm trong từng hơi thở, giọng ngân.

Trong những bức thư, bà Tuyết ấn tượng nhất là câu chuyện của một người lính. Năm ấy, anh chàng vừa tròn 17 tuổi. Anh này mới vào chiến trường, chưa quen với hoàn cảnh chiến đấu, gặp B52 ném bom thì hoảng loạn. 

Ở trong hầm trú, anh nghe được giọng ngâm của bà Tuyết, tự nhiên như có một luồng khí ấm nóng len lỏi khắp cơ thể, tràn vào tâm hồn. Nghe đến đâu, anh ngấm đến đó. Mỗi câu từ của nghệ sĩ là tiếng lòng, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng hòa bình. Anh dần lấy lại niềm tin, không sợ sệt trước bom đạn nữa. 

Dưới ánh đèn mờ ảo của căn hầm, anh bèn sáng tác một bài thơ dự định sẽ gửi cho bà Tuyết. Sau ngày hòa bình, người lính năm nào tóc đã muối tiêu. 

Một hôm, anh tình cờ gặp bà Tuyết trong một buổi giao lưu văn nghệ, anh đã gửi tặng bà bài thơ do mình sáng tác năm đó. Bà Tuyết bất ngờ và hạnh phúc. Bà ngâm luôn bài thơ của người cựu binh trong tiếng vỗ tay  hân hoan và cả giọt nước mắt xúc động nghẹn ngào.

Năm 2012, NSND Trần Thị Tuyết đã tặng lại kỷ vật của Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đến Nha Trang, bà Tuyết được gặp người cựu chiến binh mà trước đó hai người chưa hề quen biết. Ông ấy vui mừng khôn xiết, nắm chặt tay bà nói: “Cảm ơn ân nhân cứu mạng”. 

Bà ngơ ngác chưa kịp hiểu gì thì ông mỉm cười: “Chính vì giọng ngâm của chị, chính nhờ chương trình thơ phát vào thời điểm đó mà tôi thoát chết. Tối hôm ấy, tôi đang ở hầm chỉ huy thì anh trợ lý từ hầm bên chạy sang gọi qua nghe chị ngâm thơ. Tôi vừa ra khỏi hầm thì một quả bom giội trúng nơi tôi vừa ở”.

Một đời ngâm thơ như thế, NSND Trần Thị Tuyết đã không có gì phải ân hận, nuối tiếc. Bà luôn sống đúng với lời Bác dạy. Sau bao năm lưu giữ kỷ vật của Bác, bà Tuyết đã quyết định đem tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bà tiếc lắm, nhưng không thể giữ mãi cho riêng mình được. Bây giờ, vào mỗi dịp sinh nhật của Bác Hồ, NSND Trần Thị Tuyết thường được mời đi kể chuyện và ngâm thơ. 

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn đi, với mong muốn chia sẻ kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời trong những lần được ngâm thơ cho Bác Hồ nghe. Với bà, nụ cười nhân từ, giọng nói điềm đạm của Bác lúc nào cũng ở trong trái tim, tiếp thêm lửa nghề, niềm đam mê và lẽ sống cho bà. 

Ngọc Hoa
.
.
.