Hiệp sĩ miệt sông

Thứ Hai, 12/10/2020, 07:24
Chiều tháng 10, sóng lẫn trong ánh hoàng hôn loang loáng đuổi theo nhau, xa xa, in hằn bóng dáng người chài lưới... Họ nương nhờ trên sóng nước mưu sinh, nhưng bao nhiêu năm qua là khắc tinh dũng mãnh của thủy thần trên dòng Cửu Long giang. 


"Không phải trả ơn "

Chưa năm nào bà con An Phú (An Giang) nơi đầu nguồn sông Hậu lại ngóng lũ về mòn mỏi đến thế. Năm nay con nước cứ lững lờ, bàng bạc, dự báo là nước về ít, cá tôm cũng chẳng có nhiều.

Gương mặt đen sạm vì nắng gió của lão ngư Lê Văn Năm (68 tuổi) càng trở nên gân guốc, lo âu. Có cảm giác một điều gì đó đang rời xa ông. Thoáng chút muộn phiền vì miếng cơm manh áo. Trong câu chuyện sông nước sau đó, ông Năm lại bảo: "Nước về ít, lũ không dữ, có khi ít tai nạn. Tụi tao lại khỏe".  

Ông Ba dù đã 62 tuổi nhưng vẫn lặn ngụp dưới sông cứu người gặp nạn.

Giữa sóng nước dòng Hậu giang đỏ đục, ông Năm vẫn còn nhớ rõ vụ lật ghe của đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con gái 7 tuổi cách nay chừng hơn một tháng. Hôm ấy, trời âm u, mây đen cuồn cuộn từng dải chuẩn bị kéo mưa về. Ông Năm vội vã đi kéo lọp, đặng kiếm vài con trạch về kho tộ. Ông vừa chèo xuồng ra tới bãi lọp thì nghe tiếng máy nổ đì đùng, tiếng kéo ga re ré vội vã của một chiếc tắc ráng từ hướng bờ Tây.

Vài phút sau, ông nghe tiếng thét thật to, tiếng máy nổ cũng im bặt. Biết chuyện chẳng lành, ông bỏ ngang mấy con trạch to, nhanh chóng nổ máy chạy tới. Còn cách vài mét, ông đã thấy 2 chiếc đầu lô nhô giữa dòng sóng nước nhấp nhô . Bên cạnh đầu của người chồng lại có đầu nhỏ của đứa con đang ngớp từng ngụm nước. Bên kia, chị vợ đã có dấu hiệu đuối nước.

Bây giờ phải làm sao? Thoáng vài giây trong đầu, ông Năm lao tới chỗ người chồng, vừa giằng lấy đứa bé trong lòng cha, ông vừa hô thật lớn: "Bơi ra kia cứu vợ". Rồi ông nhanh chóng sơ cứu cho bé gái, lúc này đã bất tỉnh, người trắng bệch. Khoảng 10 phút sau, anh chồng tiếp cận được vợ nhưng đã kiệt sức, có nguy cơ chìm cả hai.

Thấy vậy, ông Năm lao xuống nước, bơi thật nhanh tới tóm cả hai người. Tất cả lên được xuồng, thì cơn mưa xối xả mù trời ập tới, ông Năm nổ máy về bờ. Sau khi ủ ấm, uống nước gừng, hai mẹ con đã tỉnh. Riêng anh chồng chỉ bị kiệt sức, nghỉ ngơi một chút là khỏe. Để trả ơn cứu mạng, anh Nguyễn Văn Bé tháo chiếc đồng hồ trên tay, đó cũng là tài sản còn lại duy nhất và giá trị sau tai nạn tặng ông Năm. Ông Năm cười, bảo: "Tao nhận cho tụi bay vui chứ tao không đeo nó đâu. Đời tao cần chi đồng hồ, cứ ra sông, nhìn con nước là biết giờ".

Sau đận đó, cả gia đình anh Bé phục lạy ông Năm, họ nhận ông làm cha và ông nội. Ông Năm xua tay: "Thôi cha mẹ gì đâu, nhận vậy thì đời này tao có mấy chục đứa con rồi. Không phải trả ơn tao". Thật vậy, hơn 40 năm ở bến sông này, ông Năm đã cứu giúp nhiều người. Ông xem đó là chuyện bình thường của một người sống trên sông, là lẽ đương nhiên phải làm giữa con người với con người.

Đời ông, từ ngày vợ ôm con ra đi rồi không quay trở về, ông sống một mình, gắn với con xuồng nhỏ. Ông khoái nhất là mùa nước nổi, sản vật nhiều, ông được thỏa sức vẫy vùng, tiền bán cá tôm cũng rủng rỉnh. Nhưng mùa nước nổi cũng là khi tai nạn sông nước nhiều nhất. Đâu phải lúc nào cũng cứu được người, có khi nhìn thấy đó, mà tới nơi đã không kịp. Ông đắng cay vớt lấy cái xác, đau nhất là trẻ em đuối nước, nó luôn ám ảnh ông.

Thành viên đội cứu hộ thực hiện cứu vớt người đuối nước trên sông.

Ông Năm vẫn còn nhớ như in vụ lật ghe làm 3 đứa trẻ rớt xuống sông 2 năm về trước. Hôm ấy, cũng vào mùa nước nổi, nước sông lên cao. Một mình ông Năm vật lộn với dòng nước chảy mạnh. Ông cố gắng cứu được 2 đứa đưa vào bờ, còn một bé không kịp. Cả ngày hôm ấy ông day dứt mãi, đêm ông không tài nào chợp mắt nổi. Hình ảnh của đứa trẻ, ngây thơ khờ dại như con của ông đã bị "hà bá" ngoạm lấy thân thể.

Nặng nợ với dòng sông

Trẻ con vùng sông nước thường được cha mẹ dạy bơi từ nhỏ và đứa nào cũng biết bơi, thậm chí là bơi rất giỏi. Nhưng với con sông mùa nước nổi, thì người lớn bơi giỏi còn bị khuất phục huống hồ trẻ em. Chính sự chủ quan của cha mẹ đã vô tình đẩy những đứa bé bên bờ vực của tử thần. Nhiều khi ông muốn lên bờ, sắm một cái bơm, chiếc bạt, lọ keo dán, ngồi dưới gốc đa sửa xe, nhưng ông vẫn chưa làm được điều tưởng như quá giản đơn ấy. Bởi, ông còn nặng nợ với dòng sông, còn đau đáu với những chuyến đò đứt gãy, còn thương cho sấp nhỏ làng chài.

Bao nhiêu đứa được ông cứu, thì bấy nhiêu cuộc đời, tương lai phía trước. Cứ nghĩ đến điều đó, đôi chân tật nguyền của ông chững lại. Rồi ông cười hiền từ, thanh thản, khẽ ngân nga câu hát của người nhạc sĩ già Hình Quốc Minh: "Dòng Hậu giang êm đềm xuôi chảy/ in bóng tre già bao mái lá đơn sơ..."

Tài sản duy nhất của ông Năm là chiếc ghe gỗ đã rêu mục qua những năm tháng chòng chành trên nhánh sông Hậu. Ở khúc sông này, ông Năm được bà con gọi là "hiệp sĩ", là chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống sông nước bồng bềnh. Ông ở đó, mỗi khi nghe tiếng gọi hoặc tiếng kêu la thất thanh của ai thì lập tức ông chống nạng lao ra. Đôi tay nhanh thoăn thoắt, tháo dây, nổ máy lao đi.

Ưu tiên số một của ông là cứu vớt người, sau nữa là tài sản. Những pha cứu vớt như thế, đa phần là không công, vì người gặp nạn đều nghèo khó. Nhiều lần, vì vội đi giúp người mà ông không kịp đổ xăng vào máy, khi làm xong việc thì phát hiện hết nhiên liệu. Vậy là ông phải gồng mình đạp mái chèo về bến. Ông tâm niệm, mình khổ thì chỉ một mình, còn người ta khổ nguyên gia đình.

Khúc sông Hậu sâu khoảng 10m, khi xuống đáy, nước sông rất lạnh và sức nước ép rất mạnh khiến tim của ông nghẹn lại. Kinh nghiệm sông nước, mỗi khi nhịp tim bất thường ông Năm sẽ uống một ngụm nước rồi từ từ ngoi lên.

Thông thường, khi người ta đuối nước sẽ rất sợ hãi, hoảng loạn, họ sẽ bấu chặt vào bất cứ chỗ nào của người cứu vớt họ. Ông Năm thân hình bé xíu nên bị người đuối nước đạp xuống để họ ngoi lên thở. Dìu được người đuối nước lên bờ, khắp cơ thể ông là vết bầm tím, cấu xé xây xước, tóe máu. Nhưng lúc nào ông cũng cười, một người được sống thì bản thân ông có bị đau hơn nữa vẫn hoan hỷ chấp nhận.

Chỉ vào bàn chân trái cụt mất một nửa, ông Năm cho biết, đó là dấu tích của một vụ tai nạn đáng tiếc trong đời sông nước của ông. 8 năm về trước, một vụ chìm xà lan chở vật liệu ngay cửa sông Hậu. Ông Năm được người ta thuê lặn trục vớt tài sản gồm sắt thép và tôn. Thời đó người ta trả công bằng hiện vật, nghĩa là vớt được hai thanh sắt thì thợ lặn được một thanh.

Giữa sông nước mênh mông, lão ngư già trở thành khắc tinh của "hà bá".

Vừa xuống tới đáy, chưa kịp vớt miếng nào thì bàn chân của ông Năm đạp trúng đầu nhọn miếng tôn sắc lạnh. Nó cứa một đường ngang bàn chân, sâu vào tận gân, máu hòa vào dòng nước sông Tiền. Ông Năm choáng váng ngoi lên, mặt tím tái vì mất nhiều máu. Ông tới bệnh viện, vết thương không thể khâu vá đành phải cưa. Bị mất nửa bàn chân khiến sức đạp nước của ông Năm bị suy giảm, chưa kể trái gió trở trời vết thương đau như dao cứa.

Đội cứu hộ "U70"

Trên nhánh sông Hậu chảy về Vàm Nao, hơn 30 năm nay có một đội cứu hộ "U70" nổi tiếng, họ được mệnh danh hiệp sĩ "cướp cơm" của thủy thần. Ngần ấy thời gian, dù không ai có một đồng lương nhưng những lão ngư cứu hộ vẫn vui vẻ, nhiệt huyết với nghề "bao đồng". Đội có tổng cộng 17 thành viên, họ đều là nông dân miệt vườn, người làm thuê, người bốc xếp, người làm công nhân lò gạch...xung phong vào đội bởi tính trượng nghĩa, hào hiệp từ bao đời nay của người dân xứ sông Hậu.

Buổi sơ khai, đội hiệp sĩ cứu người chủ yếu bằng bản năng cùng kinh nghiệm sông nước. Sau đó, họ lên mạng học thêm. Thời gian rảnh rỗi, những mái đầu bạc chụp vào một chiếc điện thoại để học cách sơ cứu, hô hấp. Trẻ em phải như thế nào, người già thì ra sao. Đến nay, các công đoạn và thao tác cứu người của đội trở nên thuần thục và chuyên nghiệp.

 Ông Dương Văn Tạo, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn là một đội viên năng nổ, xung kích cứu người. Ông bảo mình già rồi, chân yếu, tay run, sức ngụp lặn có hạn nên chủ yếu đứng trên xuồng hò hét, động viên anh em làm việc. Ông Tạo kể, thời điểm vào tháng 8, tháng 9, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, đẩy mực nước trên các nhánh sông lên cao. Đó chính là thời điểm các phương tiện qua sông Hậu và Vàm Nao rất dễ gặp nạn. Lúc này, các thành viên trong đội thay phiên nhau túc trực 24/24 tại trạm để kịp thời phát hiện sự cố.

Trên chiếc xuồng lá giữa Vàm Nao, ông Ba (62 tuổi) chỉ cho chúng tôi chỗ vòng xoáy mà mới đây, ông đã thực hiện thành công việc cứu hộ. Hôm ấy gió to, nước lớn, chiếc ghe của Hợp tác xã chở xăng dầu bị chìm. Khi nó sắp lật úp thì ông Ba nhìn thấy một đứa bé đang vùng vẫy. Vì sóng quá mạnh, phải 10 phút sau ông Ba mới tiếp cận chiếc ghe. Ông cứu sống được em bé và tài công. Gia đình họ mang ơn ông, nặng nợ với ông. Còn ông thì chẳng để bụng, sau mỗi chuyến cứu hộ, ông nhẹ nhàng thanh thản như lão ngư vừa kéo xong mẻ cá. 

Bên tách trà nóng trên con thuyền cứu hộ, ông Dương Tích (72 tuổi) thảnh thơi nhìn ra dòng nước trắng đục, rồi ông buông lời nhẹ tênh: "Ngồi đây, vui sướng nhất là những lúc không có việc làm. Như thế, sẽ không có ai gặp nguy khó trên con sông này".

Ngọc Hoa - Cát Tường
.
.
.