Gian khổ trên đường dẫn độ

Thứ Ba, 20/01/2015, 15:30
Hội nhập quốc tế, họ luôn bươn chải trong những chuyến đi vòng quanh thế giới để dẫn độ những tên tội phạm bỏ trốn trở về quy án. Dọc hành trình ấy, bao chuyện buồn vui đã xảy ra. Đó không chỉ là kỷ niệm khó quên về nghề đã in sâu trong miền ký ức, mà còn là bài học kinh nghiệm tích lũy được qua những cuộc tầm nã xuyên quốc gia của những người lính nơi "đầu cầu" hợp tác giữa Cảnh sát Việt Nam với đồng nghiệp tại các nước tham gia Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol).
Hành trình Cảnh sát truy bắt tội phạm ở trong nước nghe cũng đã nhiều, nhưng chuyện "đưa chim về tổ" từ những phương trời xa lắc thì khó có điều kiện tiếp cận. Khó, bởi chuyện xảy ra ở nước ngoài. Người "sở hữu" những tình tiết "chuyện" lại chỉ gồm một nhóm nhỏ "chuyên nghề" dẫn độ tội phạm ở Văn phòng Interpol Việt Nam (nay thuộc Cục Đối ngoại - Bộ Công an). Với họ, những gian khổ đã nếm trải đơn thuần là những kỷ niệm khó quên về nghề, đồng thời là bài học kinh nghiệm quý cho những lần dẫn độ về sau. Nhưng theo chúng tôi, những trải nghiệm đó đã phần nào cho thấy bản lĩnh của lực lượng Cảnh sát Việt Nam, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Câu chuyện của Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn (Phó trưởng Phòng 6, Interpol Việt Nam) dẫn chúng tôi đến nước Cộng hòa Coote D'Ivoire (Bờ Biển Ngà) - một quốc gia ở Tây Phi cách xa chúng ta nửa vòng trái đất, khi anh đại diện cho  Interpol Việt Nam sang dẫn độ tên tội phạm Hoàng Minh Đức bị trở về "trả án".

Theo tài liệu điều tra của Công an tỉnh Quảng Bình thì Hoàng Minh Đức là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ du lịch Hàng không, có chi nhánh tại phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, Quảng Bình. Bằng thủ đoạn hứa hẹn mức lương hấp dẫn, Đức cùng đồng bọn đã lừa nhiều người lao động ở Quảng Bình nộp tiền cho chúng để được đưa sang làm việc tại Anh quốc. Nhưng khi nhận đủ tiền, chúng nhẫn tâm "đem con bỏ chợ", để mặc người lao động bơ vơ nơi "đất khách quê người", chứ không đưa đến đúng địa chỉ như đã cam kết.

Điển hình, vào tháng 7/2008, Đức đã lừa gia đình chị Nguyễn Thị Hiên (ở phường Đồng Phú, TP Đồng Hới) để làm thủ tục đưa cháu Nguyễn Quốc Toản (là con trai chị Hiên) xuất khẩu lao động sang Anh với giá 31 nghìn USD. Nhận được tiền đặt cọc, Đức cùng cháu Toản đáp máy bay sang Cộng hòa Tanzania (ở miền Đông châu Phi). Đến nơi, Đức gọi điện thúc giục chị Hiên phải chuyển nốt số tiền còn lại thì mới đưa Toản sang Anh. Bị "rơi vào thế bí", chị Hiên đành chuyển nốt cho Đức 23 nghìn USD và 130 triệu đồng.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn (thứ 2 từ trái qua) cùng Cảnh sát Bờ Biển Ngà áp giải Hoàng Minh Đức (áo hoa) ra sân bay quốc tế Felix Houphouet Boigny.

Nhưng khi đếm đủ tiền, Đức "dông thẳng", để lại cháu Toản ngơ ngác ở nơi đang xáo trộn, hiểm nguy vì bạo lực xung đột. Gia đình được phen hoảng hốt, phải tìm mọi cách để đưa Toản trở lại Việt Nam. Đơn tố cáo Đức được gửi đến cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình. Sau một thời gian truy lùng, biết y đã trốn ra nước ngoài, Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định truy nã và đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam (khi đó) làm các thủ tục cần thiết để truy nã quốc tế đối với tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.

Được biết, lệnh truy nã quốc tế viết bằng 4 thứ tiếng, do Ban Tổng thư ký của Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế - (Interpol) trụ sở tại Lyon (Pháp) ký ban hành, được gửi đến 190 quốc gia thành viên của tổ chức này. Theo đó, Interpol mỗi nước có nhiệm vụ chuyển giao thông tin truy nã tội phạm quốc tế đến các đơn vị nghiệp vụ trong nước để tổ chức xác minh, truy bắt khi đối tượng xuất hiện. Nếu bắt được, sẽ thông báo cho Cảnh sát nước có yêu cầu để tổ chức dẫn độ tội phạm trở về.

Văn phòng Interpol Việt Nam phối hợp bắt giữ bác sỹ người Pháp Larroque-Olivier phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn kể: "Căn cứ quyết định truy nã của Công an tỉnh Quảng Bình, Interpol Việt Nam đã có công hàm gửi Ban Tổng thư ký Interpol, đề nghị ban hành lệnh truy nã quốc tế để làm căn cứ bắt giữ Hoàng Minh Đức ở tất cả các nước tham gia Tổ chức. Ngày 6/5/2012, lệnh truy nã quốc tế đối với nghi can này được phát ra, đến ngày 8/11/2012 thì Cảnh sát Bờ Biển Ngà bắt được Đức tại một sân bay quốc tế, khi y đang làm thủ tục quá cảnh sang Thái Lan. Bạn đã báo ta sang làm các thủ tục để nhận "hàng". Tôi cùng anh Hường ở Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) nhận lệnh lên đường sang Coote D'Ivoire (Bờ biển Ngà) dẫn độ tên Đức về nước.

Ngày 13/12/2012, chúng tôi lên đường trên chuyến bay của Hãng hàng không Emirates thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Khó khăn đầu tiên là khi đó vẫn chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Bờ Biển Ngà. Chúng tôi phải theo một hành trình bay hơn 30 giờ đồng hồ, quá cảnh qua rất nhiều nước, vùng lãnh thổ khác nhau, như Thái Lan, Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ghana, Bernin, Ethiopia,... rồi mới đến được Bờ Biển Ngà.

Tiếp đến là việc Việt Nam chưa mở Đại sứ quán tại Cộng hòa Coote D'Ivoire, dù hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong khi đó, hoạt động của Interpol lại rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Lường trước khó khăn này, trước lúc xuất phát, chúng tôi đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Ma rốc (ở Bắc Phi) để đề nghị giúp đỡ. Vị Đại sứ đã nhiệt tình kết nối chúng tôi với một doanh nhân Việt Nam đang làm ăn ở Bờ Biển Ngà để giúp đỡ đi lại, nơi ăn chốn nghỉ khi đoàn đặt chân đến miền đất xa lạ này. Thời điểm chúng tôi đến Bờ Biển Ngà, đất nước này vẫn xảy ra xung đột vũ trang nên tình hình an ninh ở Thủ đô Yamoussoukro khá hỗn loạn. Theo tư vấn của người bạn Việt Nam, chúng tôi thuê một phòng trọ ở vùng ven, cách Thủ đô một cây cầu bắc ngang qua sông, tiện đường ra sân bay quốc tế. Sở dĩ phải chọn khách sạn này, vì nếu cầu bị khủng bố đánh sập cũng không bị kẹt lại trong nội đô. Sau một ngày cật lực làm các thủ tục nhận phạm với bạn, chúng tôi áp giải tên Đức ra sân bay quốc tế để về Việt Nam. Tình huống căng thẳng, phức tạp bắt đầu xảy ra khi tên Đức đột ngột "đốc chứng, giở quẻ" để cản trở hoạt động dẫn độ của chúng tôi".

Đối tượng Hoàng Minh Đức bị Interpol truy nã quốc tế.

Thiếu tá Tuấn nhớ như in diễn biến sự việc xảy ra tại sân bay quốc tế Felix Houphouet Boigny. Khi đưa tên Đức gửi hành lý để vào phòng chờ máy bay, bất ngờ có hai phụ nữ Việt Nam từ đâu xông đến, lăn xả kéo giữ Đức lại, rồi họ nằm lăn ra đất kêu gào thảm thiết, gây lộn xộn trong khu vực làm thủ tục. Thì ra họ là "bồ" và em gái của Đức, đã chầu chực sẵn ở sân bay để cản trở việc dẫn độ. Lập tức lực lượng an ninh và đại diện hãng hàng không Emirates ập đến.

Sau khi xem xét, họ tuyên bố từ chối chuyên chở phạm nhân, với lý do đối tượng có thể gây ra lộn xộn, nguy hiểm cho chuyến bay. Nếu muốn đưa Đức về Việt Nam trên máy bay của hãng, phải cho tổ an ninh hàng không cùng đi, với chi phí 20 nghìn USD. Bằng không, "mời" cả ba quay về, đồng nghĩa với số tiền đã "book" vé bị mất trắng. Chưa hết, hãng này đã thông báo cho toàn bộ hệ thống máy bay của mình không được chuyên chở tổ công tác của Công an Việt Nam.

Anh Tuấn kể: "Kinh phí đi lại được Bộ cấp không có khoản phát sinh này, chúng tôi không có đủ tiền để chi trả thêm theo yêu cầu của họ. Chúng tôi đành lủi thủi nhận lại hành lý đã ký gửi rồi quay về, gửi nhờ tên Đức vào đồn Cảnh sát của bạn. Sau đó, chúng tôi gọi về "nhà" báo cáo tình hình, xin thêm tiền mua vé về. Hôm sau, tiền chuyển sang. Chúng tôi mua 3 vé của hãng hàng không khác và nhờ Cảnh sát nước bạn giúp tháp tùng đối tượng ra tận cửa máy bay. Hành trình bay về cũng nan giải như chuyến đi. Chúng tôi bay một vòng quanh châu Phi rồi mới về Thái Lan.

Dọc đường, để tránh phiền toái vì quy định của hãng hàng không nên chúng tôi không khóa tay Đức. Đến gần Thái Lan, Đức giả vờ đi vệ sinh, bất ngờ y tiếp cận Cơ trưởng và tuyên bố rằng, y đang bị chúng tôi bắt cóc (Y nói tiếng Anh rất lưu loát). Lập tức sự cố được báo xuống mặt đất. Khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Thái Lan, lực lượng Cảnh sát Hoàng gia và An ninh hàng không của bạn đã bủa vây xung quanh cầu thang để... bắt giữ chúng tôi. Rất may trước đó, tình huống bị hiểu lầm đã được lường trước nên "nhà" đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi chiếc "túi gấm" phòng lúc nguy cấp, đó là bức "Thư ngỏ" gửi Cảnh sát các nước đề nghị hỗ trợ tổ công tác.

Lệnh truy nã quốc tế cùng bức thư đã nhanh chóng giúp bạn hiểu ra bản chất sự việc. Bị "bắt bài", Đức lại lăn quay ra đất, giả vờ động kinh giãy giụa, sùi bọt mép. Chiêu này cũng khá "độc", vì các hãng hàng không thường "ngại" chuyên chở người đau ốm. Hội ý rất nhanh, chúng tôi nhờ luôn những người vừa bắt giữ mình để "nói chuyện" với Trạm y tế sân bay. Bạn nhiệt tình giúp đỡ, nói rõ đây là "văn bẩn" của Đức nên bộ phận y tế "cộp" luôn dấu "đủ sức khỏe để bay" sau khi đã cầm 100 USD tiền phí "bắt bệnh".

Hết "võ", Đức lặng lẽ theo chúng tôi lên máy bay để trở về Việt Nam. Khi chiếc xe chở phạm đỗ vào chân cầu thang máy bay ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chúng tôi mới rũ ra vì hành trình bão táp vừa trải qua".

Đào Trung Hiếu
.
.
.