Trở lại vụ án “Viện Kiểm sát truy tố tội giết người, Tòa tuyên tội cố ý gây thương tích”:

Dư luận chờ một quyết định nghiêm minh từ phiên tòa phúc thẩm

Thứ Tư, 20/04/2016, 08:16
Mâu thuẫn trong việc bật điều hòa taxi mà Tường đánh tài xế taxi dẫn đến tử vong. Trong khi cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và Viện KSND TP Hà Nội khởi tố và truy tố Tường về tội giết người thì TAND TP Hà Nội lại tuyên phạt Tường về tội cố ý gây thương tích. 

Bùi Mạnh Tường (34 tuổi, trú tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) không có nghề nghiệp và đã có một tiền án về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên sau thời gian thi hành án, Tường không lấy đó làm bài học để tu tỉnh mà lại tiếp tục gây ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác, dẫn đến hậu quả chết người. 

Trong khi cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và Viện KSND TP Hà Nội khởi tố và truy tố Tường về tội giết người thì TAND TP Hà Nội lại tuyên phạt Tường về tội cố ý gây thương tích. Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị hại đã làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt bị cáo Tường về tội giết người để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. 

Ngày 19-4, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này nhưng do vắng mặt hai nhân chứng của vụ án nên gia đình bị hại và đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để tiếp tục triệu tập nhân chứng nhằm đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử. Cách đây khoảng tháng, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này cũng đã phải hoãn vì bị cáo đề nghị mời luật sư bào chữa.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, khoảng 20h ngày 30-6-2013, hai anh em Bùi Mạnh Tường và Bùi Mạnh Tú sau khi đi hát karaoke đã gọi taxi, BKS 29Z-9381 do anh Lê Văn Lương (37 tuổi, ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) điều khiển chở về nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Trong lúc xe chạy, do mâu thuẫn trong việc bật điều hòa taxi nên Tường đã lôi anh Lương từ trong xe ra ngoài và cùng Tú dùng tay chân đấm đá anh Lương khiến anh bị thương nặng. Dù sau đó, anh Lương đã được người trong gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng nên hai ngày sau đã tử vong. 

Gần một tháng sau, Tường đã đến cơ quan Công an đầu thú, còn Tú vẫn bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã quyết định tách hồ sơ vụ án và bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. 

Ngày 6-5-2015, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Tại phiên xử, bị cáo Tường thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên. Trong phần luận tội, vị đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố nêu quan điểm, hành vi phạm tội của bị cáo Tường đã gây ra đối với anh Lương là đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả là trực tiếp gây ra cái chết cho anh Lương. Hành vi ấy không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật mà còn xâm hại đến tính mạng của anh Lương. Tuy nhiên, vị đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo với lý do, gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 210 triệu đồng và đại diện gia đình bị hại đã có đơn đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. 

Với đánh giá và phân tích trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tường mức án cao nhất là 14 năm tù về tội giết người và bồi thường dân sự cho gia đình bị hại theo luật định.

Trong phần tranh luận, chị Trần Thị Thu (vợ bị hại) trình bày, lý do chị viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là do bị ép buộc. “Gia đình bị cáo bảo tôi, nếu muốn nhận tiền bồi thường thì phải viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì gia cảnh lúc đó quá khó khăn nên tôi buộc phải viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để nhận tiền từ gia đình bị cáo lo trang trải tiền viện phí, tiền lo lễ tang cho chồng, tiền nuôi hai con nhỏ dại và phụng dưỡng mẹ chồng đã 74 tuổi”, chị Thu cho biết. 

Vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo cũng đồng quan điểm với đại diện Viện Kiểm sát về tội danh và mức hình phạt dành cho bị cáo. “Mức hình phạt mà đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo đã được giảm nhẹ nên tôi không có ý kiến gì.

Dù là luật sư bảo vệ cho bị cáo, tuy nhiên tôi cũng đồng tình với ý kiến của vợ bị hại khi chị đề nghị bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại theo luật định”. Khi HĐXX cho nói lời sau cùng, bị cáo đồng ý bồi thường các khoản tiền mà vợ bị hại yêu cầu.

HĐXX khẳng định, hành vi mà bị cáo đã gây ra đối với anh Lương là rất nguy hiểm cho xã hội. Hành vi ấy không chỉ trực tiếp tước đoạt quyền được sống của anh Lương mà còn kéo theo bao hệ lụy đối với gia đình anh Lương nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Vậy nhưng thật bất ngờ là vị Chủ tọa phiên tòa lại quyết định thay đổi tội danh đối với bị cáo Tường từ “giết người” sang “cố ý gây thương tích” và tuyên phạt bị cáo 12 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. 

Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình bị hại số tiền 510 triệu đồng (gia đình bị cáo đã đưa 210 triệu đồng cho gia đình bị hại trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra). Ngoài ra, HĐXX còn buộc bị cáo chu cấp cho mẹ đẻ của bị hại 300.000đ/tháng cho đến khi bà qua đời.

Hai phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này đã diễn ra nhưng đều phải dừng lại vì những lý do như: chưa có luật sư bào chữa cho bị cáo và hai nhân chứng không đến theo triệu tập. Mong rằng trong quá trình xét xử phúc thẩm lần thứ ba, với trọng trách của những người cầm cán cân công lý, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ ra một bản án thấu tình, đạt lý. 

Trong quá trình TAND cấp cao tại Hà Nội nghiên cứu hồ sơ vụ án này để xét xử phúc thẩm, mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án này (phần liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng Bùi Mạnh Tú) và chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP Hà Nội đề nghị truy tố bị can Tú về tội cố ý gây thương tích.

Nguyễn Hưng
.
.
.