Đủ chiêu trò lừa đảo từ thủ đoạn xin việc

Chủ Nhật, 28/12/2014, 14:28
Thời gian qua, tại các tỉnh, thành ĐBSCL xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo xin việc làm để chiếm đoạt tài sản. Nhiều người nhẹ dạ, bị một số đối tượng tự quảng cáo có quan hệ rộng lừa lấy hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, có trường hợp nhận bừa có khả năng lo vào… ngành Công an để lừa đảo.

Thời gian qua, tại các tỉnh, thành ĐBSCL xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo xin việc làm để chiếm đoạt tài sản. Nhiều người nhẹ dạ, bị một số đối tượng tự quảng cáo có quan hệ rộng lừa lấy hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, có trường hợp nhận bừa có khả năng lo vào… ngành Công an để lừa đảo.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Tam Nông vừa chuyển hồ sơ vụ án và bị can Nguyễn Văn Đường Em (46 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) sang cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thụ lý theo thẩm quyền về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Có tiền án 6 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chấp hành án xong, Nguyễn Văn Đường Em (46 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) không chí thú làm ăn, tiếp tục phạm tội. Mỗi lần ra ngoài, Đường Em diện những “bộ cánh” bóng bẩy nổ mình có quan hệ rộng, lo được việc làm hoặc giải quyết đền bù, tranh chấp đất đai…

Biết anh Nguyễn Hoàng D. (52 tuổi, ngụ huyện Tam Nông) có nhu cầu xin việc cho con, Đường Em nổ có thể lo cho con anh D. vào công tác trong ngành Công an. Để tạo lòng tin, Đường Em giả danh người khác gọi điện thoại trực tiếp cho anh D. bàn bạc, sắp xếp công việc nên gia đình rất tin tưởng. Nhiều lần hứa hẹn, anh D. chờ việc cho con suốt 2 năm và đã đưa cho Đường Em hơn 500 triệu đồng. Liên tục bị vòi tiền, anh D. sinh nghi trình báo Công an huyện Tam Nông. Khi Đường Em đang tiếp tục nhận số tiền 2 triệu đồng thì bị các trinh sát bắt quả tang.

Nguyễn Văn Đường Em tại CQĐT.

Tại cơ quan điều tra, Đường Em thừa nhận đã lừa 7 nạn nhân ở Tam Nông chiếm đoạt 617 triệu đồng, 4 nạn nhân ở Tháp Mười chiếm đoạt 189 triệu đồng để lo vào ngành Công an; thi đậu trường ĐH CSND; làm thủ tục đền bù đất; mua nền nhà tái định cư; giải quyết vụ tranh chấp đất…

Tượng tự, nghe Đường Em có mối quen biết rộng, chị Lương Thị L. (47 tuổi, hàng xóm với anh D.) nhờ giúp làm thủ tục nhận tiền bồi thường đất giải tỏa. Công việc chưa thấy đâu, Đường Em đã nhận của chị L. 48 triệu đồng. “Anh ta điện thoại, nói quen với cán bộ của tỉnh và hứa để giải quyết cho. Anh kêu tôi nộp hồ sơ với 5 triệu đồng, cho thêm 1 triệu đồng tiền xe nữa là 6 triệu đồng. Sau đó, người này lại kêu tôi lo tiếp 4 triệu đồng, cứ đưa hoài rồi mới biết bị lừa”, chị L. nói.

Với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2013 đến nay, Đường Em có hành vi lừa đảo hơn 10 bị hại với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng. Các nạn nhân đa phần có hoàn cảnh khó khăn, đi vay mượn tiền nhờ Đường Em “giúp đỡ” và lâm vào cảnh nợ nần.

Thất nghiệp, không có việc làm, Bùi Trọng Luật lên mạng tìm hiểu cơ cấu hoạt động của các cơ quan chức năng. Sau đó, gã đăng tin trên mạng: “Ai cần việc làm liên hệ qua điện thoại” và nhận hồ sơ của nhiều nạn nhân. Lang thang trên mạng, Trần Chí Niệm (cùng 28 tuổi, cũng ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thấy dòng thông tin của Luật nên điện thoại nhờ xin việc giúp. Nghe Luật ba hoa, Niệm nói sẽ “dắt mối” và nổ với nhiều người nói Luật xin được việc vào ngành Công an.

Tin tưởng, anh Nguyễn Trường G. (27 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nhờ Niệm nói Luật xin cho mình vào ngành. Luật đồng ý “giúp đỡ” với giá 50 triệu đồng và nhận trước 30 triệu đồng. Khi nhận tiền, Luật nổ như bắp rang: “1 tháng sẽ nữa, chú sẽ có quyết định công tác trong ngành Công an”. Tuy nhiên, khi cầm tiền của nạn nhân xong, Luật gom quần áo bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Biết bị lừa, anh G. làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Quá trình điều tra xác định, Luật đã lừa đảo chiếm đoạt của 5 nạn nhân tổng số tiền trên 340 triệu đồng. Trong đó, Niệm giúp Luật lừa đảo chiếm đoạt 125 triệu đồng. Ngoài ra, Luật còn làm giấy tờ giả để “chạy” giúp những người có nhu cầu xin học liên thông vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ; xin việc làm tại một số cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố.

Thượng tá Nguyễn Phi Vân, Phó Trưởng Công an huyện Tam Nông cho biết: Các bị hại quá mất cảnh giác, nhiều lần đưa tiền cho đối tượng mà không tìm hiểu, tạo điều kiện cho đối tượng dễ dàng phạm tội. Ông cảnh báo: Người dân có nhu cầu giải quyết việc làm hoặc những vấn đề liên quan đến nguyện vọng của mình cần đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để được hướng dẫn và giải quyết. Không nên tin vào lời những kẻ ba hoa, dẫn đến việc “tiền mất tật mang”.

Văn Vĩnh
.
.
.