Đồng loạt tấn công tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao

Thứ Tư, 17/06/2015, 08:10
Trong thời gian qua, hàng loạt các băng nhóm tội phạm chuyên sử dụng công nghệ cao để lừa đảo qua mạng khiến hàng trăm nạn nhân ở các tỉnh, thành rơi vào bẫy và đem về cho chúng số tiền khổng lồ.

Trước tình hình bùng phát loại tội phạm công nghệ cao này, Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm - Bộ Công an đã yêu cầu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về TTXH - Bộ Công an (C45) thiết lập các chuyên án triệt phá.

Trong gần 2 năm theo dõi, nắm tình hình, xác định các đối tượng chủ chốt  và phát hiện đa phần các đối tượng lừa đảo công nghệ cao này đặt “đại bản doanh” tại TP Hồ Chí Minh nên rạng sáng 16/6, hàng chục cán bộ chiến sĩ  thuộc C50 phối hợp với C45 chia làm 6 mũi tấn công đồng loạt các điểm mà các đối tượng lưu trú.

4h sáng, các tổ trinh sát ập vào phòng 405 của căn nhà dùng để cho thuê trên đường Phan Văn Sửu, phường 14, quận Tân Bình. Tại đây, các tổ trinh sát bắt quả tang Nguyễn Văn Đô (21 tuổi, quê quán Quảng Ngãi, ngụ Vũng Tàu) đang cùng bạn gái giao dịch với khách hàng trên mạng.

Các tổ trinh sát lập tức đọc biên bản bắt khẩn cấp Đô và tiến hành khám xét căn phòng 405, thu giữ gần 10 ĐTDĐ, một số CMND mang nhiều tên khác nhau và nhiều thẻ ATM của các ngân hàng. Đô khai vừa gia nhập nhóm tội phạm này và số tiền lừa đảo được từ các nạn nhân khoảng 100 triệu đồng. Giúp sức cho Đô còn có cô người yêu. Người phụ nữ này cũng được mời về trụ sở làm rõ mối quan hệ và những hành vi liên quan.

Cảnh sát khám xét căn phòng thuê của Nguyễn Văn Đô (x) ở quận Tân Bình.

 Cũng vào thời điểm này, một số tổ trinh sát khác đã đồng thời ập vào 5 điểm còn lại bắt giữ thêm 4 đối tượng gồm: Nguyễn Ngọc Tây (21 tuổi), Nguyễn Thành Nhơn (26 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi), Đinh Phong Phú (37 tuổi, quê quán Nghệ An, đối tượng bị Công an quận Tân Bình truy nã về hành vi “cướp giật tài sản”), Trương Ngọc Duẫn (23 tuổi, quê quán Thanh Hóa, sống tại Bình Phước).

Tại CQĐT, tất cả các đối tượng khai đều chung một đường dây sử dụng công nghệ cao để lừa đảo những nạn nhân qua mạng. Chúng đánh vào tâm lý hám lợi, thích đồ điện tử chính hãng giá rẻ hoặc làm một số giấy tờ như giấy tờ nhà đất, bằng cấp của các nạn nhân nên tạo các trang web mua bán sau đó đưa thông tin lên mạng. Giá cả các mặt hàng mà các đối tượng này rao bán đều rẻ hơn so với thị trường nhiều lần, ngoài ra các đối tượng này còn tung tin làm được các loại giấy tờ như giấy tờ đất, bằng cấp với giá cực mềm.

 Khi các nạn nhân rơi vào “bẫy”, chúng yêu cầu trả trước 50% số tiền hàng qua thẻ ATM. Để nạn nhân tin tưởng, các đối tượng làm giả các chứng từ gửi về cho các nạn nhân và yêu cầu nạn nhân gửi tiếp số tiền còn lại vào số tài khoản của chúng rồi được giao hàng. Tuy nhiên, khi rút được tiền mà khách hàng gửi vào tài khoản, các đối tượng bỏ sim điện thoại vừa giao dịch  với nạn nhân và biến mất…

Để tạo được những tài khoản trong các ngân hàng, các đối tượng mua CMND của những người bị thất lạc trôi nổi trên thị trường sau đó tạo tài khoản trong ngân hàng và gửi cho nạn nhân để nạn nhân chuyển tiền. Theo một cán bộ C45, đường dây lừa đảo tinh vi qua mạng được liên kết với nhau qua nhiều đầu mối, mỗi đầu mối nằm ở một điểm không cố định, có thể là khách sạn hoặc phòng trọ. Các đối tượng này đa phần có trình độ tin học cao, là con nhà khá giả nhưng đua đòi ăn chơi lêu lổng.

Ngoài ra một số đối tượng trong đường dây từng có tiền án, tiền sự về các tội danh khác như trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản… Một số đầu mối khác trong đường dây lừa đảo công nghệ cao này đang được C50 phối hợp với C45 tiếp tục triệt phá, tuy nhiên qua kiểm tra tài khoản ban đầu của các đối tượng, bên trong tài khoản đã có số tiền lên đến vài tỷ đồng. Như vậy đã có hàng trăm nạn nhân bị chúng lừa đảo bằng công nghệ cao.

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tình hình các đối tượng sử dụng công nghệ cao trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt “đại bản doanh” của các đối tượng này thường là khu vực phía Nam. Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi khiến hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân trên cả nước rơi vào bẫy của chúng.

Từ năm 2014 đến nay, Cục C50 đã phối hợp với C45 xử lý 7 chuyên án lớn, 20 vụ án và triệt phá hàng trăm đầu mối liên quan. Có những chuyên án số tiền mà các nạn nhân bị lừa đảo lên đến cả trăm tỷ đồng (trộm cước viễn thông quốc tế), lừa đảo đánh bạc qua mạng, lừa trúng giải thưởng của các chương trình khuyến mại có giá trị lớn…

Đánh giá chung về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục C50 cho biết, trong thời gian tới tình hình tội phạm công nghệ cao sẽ còn diễn biến phức tạp, lan rộng.

Phương thức hoạt động, thủ đoạn ngày càng tinh vi và không chỉ hoạt động trên địa phận Việt Nam mà còn lan ra cả quốc tế. Các đối tượng phạm tội công nghệ cao chuyên nhắm vào lừa đảo lĩnh vực tài chính ngân hàng, thanh toán điện tử, viễn thông và đánh vào lòng tham của các nạn nhân ham giá rẻ khi mua hàng qua mạng.

Với tốc độ phát triển chóng mặt của các trang mạng xã hội trên internet cộng thêm các thiết bị công nghệ cao (điện thoại smartphone) như hiện nay, thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao thật khó lường. Đây sẽ là một cuộc chiến cam go đối với dạng tội phạm này.

M.Đức
.
.
.