Ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng

Cuộc chiến không tiếng súng - Bài cuối

Chủ Nhật, 26/09/2021, 07:28

Không gian mạng là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm Internet, các mạng viễn thông, các hệ thống máy tính, các hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, là nơi con người có thể thực hiện hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Cũng bởi đặc tính này, việc đấu tranh với hoạt động chống phá trên không gian mạng rất đặc thù, có thể ví như cuộc chiến không có tiếng súng.

Chiến sỹ “thật” trên “mặt trận ảo”

Luật An ninh mạng (ANM) quy định: “ANM là đảm bảo hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia (ANQG), trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

hoat dong chong pha tren khong gian mang bai 5 (ảnh 1) (1).jpg -0
Cơ quan Công an đấu tranh với Lương Văn Mỹ, thành viên tổ chức khủng bố "Việt Tân" tại Mỹ.

ANM là vấn đề an ninh phi truyền thống, bởi: Mang tính toàn cầu, một quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết được; mang tính phi chính phủ, bởi nhiều nguy cơ đe dọa ANM không xuất phát từ đường lối, chính sách của quốc gia mà do một nhóm người, một tổ chức nào đó gây ra; mang tính tương đối (không phải hành vi tấn công mạng nào cũng có mục đích xâm phạm ANQG); có tính chuyển hóa, có thể từ vấn đề an ninh phi truyền thống trở thành vấn đề an ninh truyền thống khi vũ khí mạng được sử dụng vào các hoạt động vũ trang; mang tính vận động (các mối đe dọa gây ra từ ANM không cố định mà luôn thay đổi cả nội dung và hình thức); mang tính vô hình và khó xác định (không ai dự đoán được các mối đe dọa ANM sẽ xảy ra ở đâu, khi nào).

Tìm hiểu về công việc mà những cán bộ, chiến sỹ Công an làm công tác đảm bảo ANM, chúng tôi phần nào hiểu hơn về nhiệm vụ của họ trên “mặt trận ảo”, nhưng thành tích của họ đều là những chiến công hiện hữu.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cán bộ của Cục ANM, Bộ Công an, nay là Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM & PCTP SDCNC) tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật, trong đó có Luật ANM ngày 28/6/2018. Tôi và các đồng nghiệp nghe đồng chí Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng trình bày những nội dung cơ bản của Luật ANM.

Luật ANM lúc này đang rất “nóng”, bởi những “tin đồn” cho rằng, khi Luật có hiệu lực (1/1/2019), sẽ không được lướt Facebook, xem YouTube mỗi ngày; không được bán hàng online; bị kiểm soát thông tin cá nhân…nên các phóng viên đặt ra nhiều câu hỏi. Tôi ngồi kế bên Trung tá Nguyễn Bá Sơn, Trưởng phòng Tham mưu, thành viên của Cục ANM & PCTP SDCNC đến dự buổi công bố Lệnh nên đặt thêm nhiều câu hỏi khiến anh không thể trả lời hết ngay nên cho số điện thoại và hẹn gặp sau.

Ít hôm sau, tôi đến trụ sở của Cục ở phố Hàng Bài và có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những cán bộ, chiến sỹ là những người đã trực tiếp tham gia soạn thảo Luật ANM; trực tiếp tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân sau khi Dự thảo Luật đưa lên cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Với tư cách một người dùng dịch vụ Internet từ rất sớm, “nghiện” Facebook và là một nhà báo đã lặng lẽ thu thập rất nhiều ý kiến phản đối Luật ANM từ “lề trái”, tôi đã “vặn” các anh để trả lời cho bằng được câu hỏi, Luật ANM ra đời có cần thiết, có hữu dụng và có đúng Hiến pháp cũng như quy ước quốc tế không? Với cách làm chuyên nghiệp, bài bản, thuyết phục, các anh đã giúp tôi hiểu và hoàn thành nhiều bài viết về vấn đề này.

Đầu năm 2020, tại Hà Nội xảy ra vụ Đồng Tâm, trên không gian mạng tràn ngập thông tin về vụ việc, lẫn lộn thật giả, đúng sai khiến người dân hoang mang. Các đối tượng chống phá đã lợi dụng tính năng lan tỏa nhanh của mạng xã hội để viết bài, livestream… xuyên tạc bản chất việc thu hồi đất sân bay Miếu Môn, kích động người dân chống lại chính quyền, phỉ báng sự hy sinh của ba chiến sỹ Cảnh sát.

Theo thống kê, chỉ tính từ sáng 10/1/2020 đến 18h ngày 11/1/2020, có khoảng 1.000 bài đăng trên các trang điện tử, blog; gần 20.000 tin, bài, video clip đăng trên Facebook; 200 video clip trên YouTube…liên quan đến vụ việc, trong đó có nhiều thông tin sai lệch. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục ANM&PCTP SDCNC đã đấu tranh, làm rõ một số đối tượng tung tin xấu, độc, sai lệch; phối hợp với nhà mạng gỡ bỏ những thông tin giả…

Sau khi lực lượng ANM lật tẩy những chiêu trò dối trá của các đối tượng chống phá cầm đầu, đối tượng khởi tạo thông tin bịa, người sử dụng mạng hiểu rõ về bản chất thật của chúng, để không tin vào những luận điệu tuyên truyền phá hoại.

Bên cạnh đó, qua công tác nghiệp vụ, phối hợp với cơ quan chức năng, với các “ông lớn” công nghệ như: Facebook, Google, YouTube…, lực lượng ANM đã “quét rác” trên không gian mạng, giúp người dùng hạn chế phải tiếp cận với thông tin độc hại.

Khi dịch COVID-19 hoành hành, ngay từ đầu năm 2000, lực lượng ANM từ cấp Bộ đến Công an các tỉnh, thành đã không ngừng nỗ lực đấu tranh với tình trạng tin giả. Cục ANM & PCTP SDCNC đã quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an để kịp thời tuyên truyền, chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp và tổ chức triển khai quyết liệt công tác đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để tuyên truyền, xuyên tạc sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước; giúp người dân sớm nhận ra âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu, cán bộ, chiến sỹ của Cục đã làm việc 24/24h, tập trung rà soát, phân tích, xử lý hàng trăm nghìn tin, bài liên quan đến dịch bệnh trên không gian mạng; từ đó tổ chức truy tìm các nguồn tin sai sự thật.

Chỉ trong thời gian ngắn khi bùng phát dịch bệnh (tính đến 12/4/2020), đơn vị đã trực tiếp đấu tranh với 13 đối tượng, phối hợp với Công an các địa phương triệu tập, đấu tranh với 1.045 đối tượng…

Qua đấu tranh, 100% đối tượng thừa nhận hành vi sai phạm, gỡ bỏ thông tin xấu độc… Rồi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3, lần thứ 4 bùng phát, những đối tượng cơ hội chính trị lại tiếp tục lợi dụng dịch bệnh để chống phá với chiêu trò ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Lực lượng ANM tiếp tục làm công việc thầm lặng trên không gian mạng, ngăn chặn “virus” tin độc phá hoại nỗ lực phòng, chống dịch mà cả nước đang chung tay; chống Đảng và Nhà nước.

Những câu chuyện về chiến sỹ ANM ôm máy tính cả ngày lẫn đêm, “quên” vợ mới cưới hay vừa bế con vừa làm báo cáo công tác không hề lạ lẫm với những người tham gia lực lượng ANM trong cuộc chiến thầm lặng trên thế giới ảo.

Bảo đảm an ninh không gian mạng Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam cũng đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 như xu thế của các quốc gia trên thế giới và cũng hưởng lợi mà những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước những tác động không mong muốn, trong đó có hoạt động xâm phạm ANQG trên không gian mạng.

Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, nội bộ được các thế lực chống phá đẩy mạnh trên không gian mạng. Bằng chứng là chúng thiết lập hệ thống hàng nghìn trang web, blog, tài khoản mạng xã hội để phát hành thông tin. Nhiều trang được đầu tư lớn về tài chính, kỹ thuật. Bên cạnh việc đăng thông tin, các thế lực thù địch còn tận dụng tính năng “comment”, bấm “like” để tạo dư luận trái chiều, pha trộn thông tin thật giả, gây lầm tưởng.

Chúng sử dụng tính năng khảo sát xã hội của dịch vụ web, blog tổ chức lấy ý kiến cư dân mạng với nội dung xuyên tạc chế độ XHCN, đòi đa nguyên đa đảng, tạo dư luận, gây áp lực đối với chính quyền. Các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “Khối 8406”… thường phát tán đồng loạt tài liệu phản động qua các địa chỉ thư điện tử nhằm tạo hiệu ứng tổng hợp đối với một bộ phận quần chúng.

“Việt Tân” thành lập đội quân phát tán nội dung phá hoại tư tưởng vào trong nước thông qua email (massmail). Có thời điểm, các đối tượng kết hợp giữa tin nhắn điện thoại và giả mạo địa chỉ thư điện tử nội bộ của một số cơ quan Nhà nước để tán phát nội dung bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các đài phát thanh của Mỹ và phương Tây như VOA, BBC, RFA… chuyển hẳn hoạt động phát thanh lên Internet; một số tổ chức phản động lưu vong đầu tư tài chính, kỹ thuật thành lập các đài phát thanh trên Internet như đài: “Đáp lời sông núi”, “Radio chân trời mới”…

Hoạt động kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố cũng được các đối tượng chống phá ráo riết thực hiện. Chúng triệt để lợi dụng các sự kiện có thể thu hút, lôi kéo, tập hợp được nhiều người hưởng ứng, tham gia làm nguyên cớ kích động, kêu gọi biểu tình. Sử dụng nhiều thủ đoạn tuyên truyền tinh vi và triệt để khai thác ưu thế của Internet để lôi kéo, tập hợp lực lượng biểu tình, tạo ra các cuộc “biểu tình ảo”…

Sử dụng Internet để tìm chọn, phát hiện đầu mối dự tuyển là cách mà một số tổ chức phản động lưu vong thực hiện, trong đó “Việt Tân” là điển hình khi coi Facebook là “môi trường hoạt động mới”. Tổ chức này thành lập “Facebookers Việt Tân”, lập Facebook “Bạn của Việt Tân… Còn tổ chức “Việt Nam quốc dân đảng” thì xây dựng diễn đàn trên Paltalk núp dưới vỏ bọc là diễn đàn hướng dẫn kỹ thuật lập web, từ đó chấm chọn, móc nối một số đối tượng trong nước thành lập nhóm “Tuổi trẻ yêu nước”.

Cũng trên môi trường Internet, hoạt động gián điệp mạng đã có hoạt động tấn công thu thập thông tin tình báo thông qua việc dùng hacker, thiết bị phần cứng sản xuất tại nước ngoài bị cài mã độc…

Trước thực trạng trên, công tác bảo vệ ANM của lực lượng CAND  được đặc biệt coi trọng. Đó là việc triển khai công tác phòng ngừa; phát hiện, đấu tranh; ngăn chặn truy cập, vô hiệu hóa các trang mạng có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, phản bác thông tin xấu, độc; phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tấn công mạng gián điệp mạng…

Hiệu quả của công tác bảo vệ ANM nhìn thấy rõ qua hai sự kiện chính trị lớn năm 2021 là Đại hội Đảng khóa XIII; bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, khi hàng loạt hoạt động chống phá trên không gian mạng được ngăn chặn, góp phần tạo nên thành công của Đại hội Đảng và bầu cử.

Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đang xảy ra hiện nay, các thế lực phản động đã lợi dụng triệt để phá hoại công tác phòng, chống dịch; chống phá Đảng, Nhà nước. Đây cũng là biểu hiện rõ nhất cho thấy, hoạt động chống phá trên không gian mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, các đối tượng không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào.

Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng bảo đảm ANM cần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm. Công việc thầm lặng của những chiến sỹ trên “thế giới ảo” là những chiến công thực, các anh đã góp phần không nhỏ trong đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ANQG của lực lượng CAND.

Cao Hồng – Xuân Mai
.
.
.