Xử lý tội phạm móc túi như “bắt cóc bỏ đĩa”
Mặc dù hàng năm, lực lượng CA TP.HCM triệt phá hàng chục băng móc túi nhưng do việc xử lý còn nhiều bất cập, nhẹ tay nên loại tội phạm này ngày một gia tăng và tồn tại như một thách thức…
Mới đây, trong đêm Noel, Phòng PC45 và Công an quận 1 (TP.HCM) bắt ngăn chặn 40 đối tượng móc túi của nhiều băng nhóm khác nhau. Điều đáng nói là khi bị bắt, những đối tượng này chẳng chút mảy may sợ sệt mà thậm chí còn nói cười vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Bởi chúng hiểu, khi bị bắt quả tang còn chưa bị xử lý hình sự, huống hồ chi là bắt ngăn chặn, cùng lắm là bị lập hồ sơ, răn đe rồi…cho về.
Băng móc túi này có hai trẻ em và 1 phụ nữ mang bầu. |
Qua nhiều băng móc túi bị cơ quan Công an phát hiện và bắt giữ cho thấy, có khá nhiều đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính do không đủ tuổi, kẻ phạm tội là người câm điếc, tài sản có giá trị nhỏ, đang có bầu hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nạn nhân không khai báo... Như băng móc túi do Trần Mỹ Phượng (SN 1977, ngụ phường 6, quận 4) cầm đầu bị bắt đêm Noel, trong đó có 1 phụ nữ mang bầu và 2 đứa trẻ mới hơn 10 tuổi. Ba đối tượng này luôn là những kẻ “đứng mũi chịu sào”, nhận tội hết về mình khi bị cơ quan Công an bắt giữ, mà theo quy định của pháp luật đành phải thả chúng ra. Nói như vậy để thấy được rằng, các chiêu thức của bọn móc túi đã “đánh thẳng” vào những kẻ hở, chưa rõ ràng của luật và lợi dụng sự nhân đạo, khoan hồng của pháp luật.
Theo quy định trước đây, việc xử lý người vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội ở tuổi vị thành niên được quy định cụ thể tại Nghị định 163/NĐ-CP về biện pháp giáo dục tại phưòng, xã, thị trấn; Nghị định 76/NĐ-CP về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục và Nghị định 142/NĐ-CP về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.
Qua hơn 10 năm thực hiện các Nghị định trên đã mang đến hiệu quả khá lớn trong công tác đưa người “có tì vết” trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình, xã hội. Song, quá trình thực hiện này cũng để lại không ít khó khăn. Chẳng hạn, theo một trong những quy định tại Nghị định 76/CP thì “đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục là người có hành vi vi phạm pháp luật có tính chất thường xuyên (2 lần vi phạm trở lên trong 1 năm) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng nhưng không có nơi cư trú nhất định”. Quy định rõ là vậy, song thời gian tạm giữ hình sự đối tượng phạm tội không đủ để cơ quan Công an xác minh (xem đã có bị xử lý hành chính trước đây chưa), định giá tài sản…nên đối tượng có thể bỏ trốn đi nơi khác và tiếp tục hành trình phạm tội. Mặt khác, theo quy định mới được thể hiện trong Luật xử lý vi phạm hành chính thì kể từ ngày 1/1/2014, việc áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục đối với các đối tượng nói trên là do TAND cấp huyện quyết định. Trong khi đó, hiện tại chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết thi hành Luật nói trên nên đã gây tồn đọng hồ sơ và tạo điều kiện cho trộm cắp vặt tiếp tục hoành hành.
Còn về quy định, theo Nghị quyết 33/2009/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đối với tội trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng (thay vì 500 ngàn theo Bộ luật hình sự trước đây) mới bị xử lý hình sự. Nhiều đơn vị Công an cho rằng, từ khi ban hành quy định này đã “cởi trói” cho những tên trộm vặt, trong đó có móc túi. Bởi lẽ những đối tượng móc túi thường nhắm đến tài sản là điện thoại di động có giá trị thấp để “né” định lượng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, ở đây, ngoài yếu tố định lượng thì luật cũng đã quy định các yếu tố định tội khác. Đó là trong trường hợp trộm cắp dưới 2 triệu đồng mà người phạm tội gây hậu qủa nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính về hình vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ quan chức năng ở TP.HCM rất ít khi áp dụng triệt để yếu tố này mà thường đối tượng tái phạm 4-5 lần mới lập hồ sơ xử lý.
Từ những phân tích trên cho thấy rằng, hiện tại đã có đủ hành lang pháp lý để xử lý hành vi trộm cắp tài sản dưới hai triệu đồng, người phạm tội chưa đủ tuổi…nhưng do các cơ quan chức năng áp dụng chưa triệt để và còn nhẹ tay nên việc xử lý tội phạm móc túi cũng giống như “bắt cóc bỏ dĩa”…