Xử điểm vụ vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên
Kết quả điều tra xác định: Năm 2012, các cơ quan quản lý địa phương phát hiện tại bãi sông Hồng thuộc địa phận xã Thống Nhất và xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín hình thành tự phát hai bãi tập kết vật liệu xây dựng có tên là “Bãi Hải Yến” và “Bãi Huyền Hậu”. Bãi Hải Yến do Nguyễn Thị Hải Yến quản lý, sử dụng có chiều dài 120 mét, chiều rộng tính từ bờ sông vào đến chân đê. Bãi Huyền Hậu do Nguyễn Thị Thanh Huyền quản lý, sử dụng có diện tích khoảng 9.600 mét vuông.
Trong thời gian từ năm 2012 đến tháng 1/2014, mặc dù không có giấy phép khai thác cát và biết rõ việc khai thác cát trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng với mục đích kiếm tiền bất hợp pháp, Hồ Văn Toán, Nguyễn Thị Huệ, ở Hà Nội; Lê Văn Hưng, ở Hải Phòng; Cao Thị Quỳnh, Đoàn Thị Tuyên, Đoàn Thị Quyên, Đào Thị Huế, Vũ Xuân Khanh, Vũ Xuân Sinh và Đào Thị Khuể, ở Hải Dương đã sử dụng tàu thủy hút cát dưới lòng sông để bán cho Yến và Huyền. Mặc dù Yến và Huyền không được cấp phép khai thác cát dưới lòng sông và cả hai cũng biết rõ Toán và đồng bọn không có giấy phép khai thác cát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng vì lợi nhuận nên Yến và Huyền đã thỏa thuận việc khai thác và mua bán cát với các đối tượng trên.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Yến và Huyền đã tạm ứng tiền dầu mỡ, tiền sửa chữa máy móc cho các chủ tàu để họ thực hiện việc khai thác cát dưới lòng sông Hồng. Số cát khai thác được, các chủ tàu không được bán cho ai khác ngoài Yến và Huyền. Hàng tháng, các chủ tàu phải nộp cho Yến và Huyền tiền “luật” bao gồm các chi phí: tiền điện, tiền thuê bảo vệ. Cuối tháng, Yến và Huyền sẽ thanh toán cho các chủ tàu sau khi trừ “tiền luật” và các khoản chi phí mà Yến và Huyền đã tạm ứng.
Tại phiên xử, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội khẳng định, việc khai thác cát trái phép tại khu vực này gây sạt lở mạnh bờ sông, nếu xảy ra lũ lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê điều, hủy hoại tài sản của Nhà nước, tính mạng người dân bị đe dọa. Hành vi khai thác cát trái phép với số lượng lớn của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại lớn đến nguồn thu thuế tài nguyên của Nhà nước mà còn làm biến đổi dòng chảy. Sau một ngày xét xử công khai, HĐXX xác định, hành vi của bị cáo Yến, bị cáo Huyền và đồng bọn đã gây hậu quả nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên, có nguy cơ đe dọa hệ thống đê điều dẫn đến khả năng gây lũ lụt, gây thất thoát cho Nhà nước trên 100.000m3 cát đen có giá trị trên hai tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã làm sạt lở đất bờ sông, gây tác động xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự địa phương, cản trở các cơ quan chức năng địa phương và cơ quan quản lý thực thi nhiệm vụ. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Ngày đầu xét xử, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên. Trong phần luận tội, vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến từ 20-24 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị Thanh Huyền từ 16-18 tháng tù về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên theo Điều 172 Bộ luật Hình sự. Ngoài đề nghị hình phạt tù, Viện Kiểm sát còn đề nghị HĐXX buộc bị cáo Yến và bị cáo Huyền nộp phạt từ 50 đến 100 triệu đồng. Các bị cáo khác tùy theo hành vi phạm tội mà bị Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 6 tháng tù đến 15 tháng tù cùng tội danh trên. Ngày 22/10, phiên tòa tiếp tục.
Theo Nghị quyết số 17/2009 của HĐND TP Hà Nội về việc phê duyệt chi tiết quy hoạch phòng chống lũ từng tuyến sông trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và Quyết định số 959/2011 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt chi tiết chỉ giới thoát lũ trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống thì địa bàn huyện Thường Tín là khu vực cấm khai thác cát. |