Xét xử vụ “thổi giá” tàu lặn Tinro 100 triệu thành 130 tỉ đồng tại ALCII

Thứ Ba, 16/09/2014, 22:05
Sáng ngày 16/9, TAND TP HCM đã khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ thổi giá thiết bị lặn Tinro từ 100 triệu thành 130 tỉ đồng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII).

Liên quan đến vụ án, có 11 bị cáo bị truy tố và xét xử về tội “tham ô tài sản”, trong đó có bị cáo Vũ Quốc Hảo (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc ALCII). Đây là vụ án thứ ba nguyên TGĐ Vũ Quốc Hảo bị đưa ra xét xử do liên quan đến hàng loạt sai phạm xảy ra tại công ty ALCII.

Trong số 11 bị cáo bị đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Văn Tài (55 tuổi, nguyên Phó TGĐ) có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe yếu.

Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành công ty ALC II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam), với mục đích rút tiền của Nhà nước thông qua việc ký và thực hiện các hợp đồng cho thuê tài chính, Vũ Quốc Hảo đã chủ động bàn bạc với Khương Minh Hiệp - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại Phú Gia và một số đối tượng thành lập Công ty cổ phần Cát Long Hải.

Ban đầu, Công ty Cát Long Hải do Phạm Minh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Vũ Hùng Sơn (em họ Vũ Quốc Hảo) làm Giám đốc. Theo giấy đăng ký, Công ty Cát Long Hải có vốn điều lệ là 16 tỉ đồng nhưng thực chất toàn bộ số tiền trên do Vũ Quốc Hảo đi vay mượn của các cá nhân, đơn vị có quan hệ với mình.

Bị cáo Vũ Quốc Hảo cùng các đồng phạm sau phiên xử sáng nay.

Đến tháng 1/2007, Vũ Quốc Hảo nhờ Hoàng Xuân Tiến (cháu của Phạm Minh Tuấn) và em dâu là Lê Thị Minh Huệ làm giám đốc. Đến tháng 8/2007, Hảo tiếp tục nhờ em họ khác là Vũ Đức Hòa làm giám đốc và chuyển Lê Thị Minh Huệ sang làm Phó Giám đốc kiêm kế toán trưởng phụ trách tài chính.

Qua mối quan hệ làm ăn, Hảo quen với ông Kochi (người Nhật Bản). Biết ông Kochi có tàu lặn Tinro 2, sản xuất năm 1975 đang khai thác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Hảo nảy sinh ý định sử dụng tàu này làm tài sản bảo đảm để ký hợp đồng thuê tài chính với ALCII. Thực hiện ý định trên, Hảo đề nghị ông Kochi đưa tàu lặn làm tài sản góp vốn vào công ty Cát Long Hải.

Do tàu Tinro 2 không có hồ sơ pháp lý, Hảo nghĩ cách hợp thức hóa con tàu bằng cách chi tiền thuê tàu Hải Dương 9 chở tàu Tinro 2 ra tận địa phận cảng Cửa Cấm, Hải Phòng để cố ý tạo tình huống cho con tàu này bị bắt giữ rồi Tuấn làm thủ tục xin mua lại Tinro 2 với giá 100 triệu đồng.

Sau đó, Vũ Quốc Hảo đã bàn bạc với Phạm Minh Tuấn, Vũ Đức Hòa, Lê Thị Minh Huệ móc nối với Hoàng Lộc (giám định viên- TGĐ công ty cổ phần thẩm định giá VN - Vivaco) để giám định giá tàu Tinro lên tới 130 tỉ đồng.

Sau khi có được chứng thư thẩm định giá nêu trên, Hảo đã triệu tập cuộc họp và chỉ đạo hàng loạt cấp dưới là Nguyễn Văn Tài (Phó Tổng Giám đốc), Phạm Xuân Nghị (Trưởng phòng cho thuê), Đinh Nguyên Tí (Phó phòng cho thuê), Nguyễn Văn Thọ (cán bộ phòng cho thuê) và Phùng Văn Đồng (Phó phòng kinh doanh) thực hiện hợp đồng mua bán, cho thuê tài chính để giải ngân cho Công ty Cát Long Hải 130 tỉ đồng.

Ngay sau khi được giải ngân số tiền 130 tỉ đồng, Hảo đã chỉ đạo cho Vũ Đức Hòa sử dụng 79 tỉ đồng giải chấp các khoản nợ vay của ông Vĩnh đồng thời thanh toán mua đất.

Số tiền còn lại, Hải trích nộp tiền đặt cọc cho ALCII 40,3 tỉ, nộp tiền ký cược cho ALCII theo quy định 3,9 tỉ, mua bảo hiểm cho tàu Tinro hơn 688 triệu, chi sửa chữa tàu Tinro 400 triệu, trả nợ gốc và lãi cho ALCII theo hợp đồng cho thuê 897 triệu, chi mua dầu, lương thực cho Tinro 2: 1 tỷ đồng… chỉ còn hơn 14 triệu đồng.

Theo kế hoạch, phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 30/9 mới kết thúc

A.Huy
.
.
.