Xét xử vụ lừa đảo hơn 136 tỷ đồng từ dự án giãn dân phố cổ ở Hà Nội

Thứ Hai, 09/06/2014, 21:23
Chiều 9/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án giãn dân phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng làm chủ tọa phiên tòa. Các bị cáo gồm: Nguyễn Đức Thắng, 64 tuổi, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Trần Ứng Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà. Nguyễn Quốc Xương, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà. Nguyễn Đức Lợi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển kinh tế Hà Nội.

Kết quả điều tra thể hiện, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng được UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện. Theo hình thức xã hội hóa, UBND quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm có công văn chấp thuận đề nghị của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà (gọi tắt là Công ty Hồng Hà) được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện ăn ở cho cán bộ, công nhân viên công ty và chấp thuận về mặt nguyên tắc cho công ty được sử dụng kinh doanh với tỷ lệ 15% căn hộ trên tổng dự án mà công ty bỏ vốn xây dựng.

Lợi dụng điều này, Công ty Hồng Hà đã sử dụng hai văn bản của UBND quận Hoàn Kiếm làm cho khách hàng tưởng rằng công ty là Chủ đầu tư dự án nên được phép huy động vốn. Sau đó Công ty Hồng Hà đã ký hợp đồng mua bán, góp vốn và nhận đặt cọc.

Các bị cáo tại phiên xử ngày 9/6.

Từ ngày 1/9/2010 đến 22/4/2011, Nguyễn Quốc Xương đã ký hợp đồng góp vốn đầu tư và thu hơn 70 tỷ đồng của 40 khách hàng. Nguyễn Đức Lợi đã ký hợp đồng với hai khách hàng thu 8,5 tỷ đồng. 

Phát hiện sự việc này, UBND quận Hoàn Kiếm đã mời lãnh đạo công ty Hồng Hà lên làm việc, yêu cầu giải trình về sự việc trên và nêu rõ “Công ty phải chấm dứt ngay việc rao bán các căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ”. Nhưng Công ty Hồng Hà vẫn không thực hiện yêu cầu của UBND quận Hoàn Kiếm, khi tiếp tục có hành vi rao bán các căn hộ nằm trong dự án.

Ngày 18/3/2011, UBND quận Hoàn Kiếm lại mời Công ty Hồng Hà đến làm việc và thông báo chấm dứt việc nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ. UBND quận Hoàn Kiếm cũng ban hành văn bản hủy bỏ công văn về việc giao cho Công ty Hồng Hà bỏ vốn xây dựng và được thi công dự án, yêu cầu công ty chấm dứt hành vi rao bán căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ.

Nhưng Công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng nhận tiền đặt cọc với 104 lượt người, thu 90,9 tỷ đồng của các khách hàng.

Từ ngày 1/9/2010 đến ngày 28/5/2012, đã có 146 người ký hợp đồng góp vốn vào dự án này và nộp cho các bị cáo của vụ án số tiền 169,5 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, đến nay Công ty cổ phần Phát triển kinh tế Hà Nội và Công ty Hồng Hà chưa thực hiện được công việc gì của dự án. Khi khách hàng đòi tiền, công ty mới trả được 32,6 tỷ đồng, số tiền còn lại 136,9 tỷ đồng, Thanh, Lợi, Xương và Thắng đã chiếm đoạt. Phiên tòa xét xử vụ án này dự kiến diễn ra trong ba ngày.

Khu phố cổ Hà Nội với diện tích khoảng 81ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân điều tra năm 2010 là 66.600 người. Khu phố cổ có 121 di tích, trong đó có 11 di tích được xếp hạng, 1.623 hộ sống trong các số nhà xuống cấp nguy hiểm, nhà có đông hộ sinh sống và hơn 200 ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần bảo tồn. Đối với dự án giãn dân phố cổ, ngày 1/8/2013 UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho phép UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, dự kiến khởi công cuối năm 2014.

Nguyễn Hưng
.
.
.