Xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như
Theo bản án sơ thẩm, khoảng đầu năm 2010, biết Công ty Thái Bình Dương có nguồn tiền muốn gửi để lấy lãi, Như đã gặp gỡ và đàm phán với Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương để huy động tiền về Vietinbank, Chi nhánh TP HCM. Sau khi được Phạm Anh Tuấn đồng ý, Như soạn thảo hợp đồng, ký giả chữ ký của Nguyễn Thị Minh Hương, Phó giám đốc, đóng dấu thật của Vietinbank Chi nhánh TP HCM để ký với Công ty Thái Bình Dương hợp đồng gửi 118 tỷ đồng, lãi suất theo hợp đồng là 10,49%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 1%/năm.
Theo thỏa thuận, sau khi ký hợp đồng, Công ty Thái Bình Dương đã chuyển 118 tỷ từ tài khoản của công ty này vào tài khoản của Công ty CP ĐT&PT Hoàng Khải (là công ty do Như thành lập). Đến đầu tháng 6/2010, Như đã vay của các đơn vị khác chuyển trả vào tài khoản của Công ty Thái Bình Dương số tiền gốc 118 tỷ đồng và tiền lãi trên 3,4 tỷ đồng (hiện hợp đồng này đã tất toán nên xác định không có thiệt hại).
“Siêu lừa” Huyền Như và trợ thủ đắc lực Võ Anh Tuấn. |
Theo đó, từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2011, Như đã làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn và đóng dấu Chi nhánh Nhà Bè và dùng chữ ký thật của Võ Anh Tuấn ở các hợp đồng Tuấn đã ký nhưng chưa sử dụng để ghép vào hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do Như làm giả với Công ty Thái Bình Dương để huy động 1.493,6 tỷ đồng với lãi suất từ 10,49% - 14%/năm và lãi ngoài từ 1- 4% năm.
Để tránh bị phát hiện và cũng do đã sử dụng chữ ký thật của Tuấn, Như đã soạn sẵn giấy xác nhận và nhờ Tuấn ký với nội dung “Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã nhận tiền của Công ty Thái Bình Dương” trên 10 giấy xác nhận. Bằng cách xác nhận nguồn tiền của Công ty Thái Bình Dương đã được chuyển vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, mặc dù trên thực tế nguồn tiền trên đã chuyển vào Công ty Hoàng Khải (công ty do Như thành lập), Tuấn đã giúp sức cho Như chiếm đoạt 80 tỷ đồng của Công ty Thái Bình Dương qua hình thức hợp đồng đầu tư vốn.
Ngoài giúp sức cho Như chiếm đoạt số tiền trên, trong phi vụ lừa chiếm đoạt hơn 1.598 tỷ đồng của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên của Như, Võ Anh Tuấn cũng là người giữ vai trò “quyết định”.
Theo đó, khoảng tháng 5/2011, thông qua một số người, trong đó có bà Nguyễn Thị Nga, nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải, Như biết có một số công ty sân sau của ngân hàng này có nguồn vốn muốn gửi để kiếm tiền lời và cần gặp trực tiếp để đàm phán. Vì vậy, Như đã bàn bạc và trao đổi và rủ Võ Anh Tuấn cùng ra Hà Nội để gặp bà Nguyễn Thị Vi Anh, Trưởng phòng Nguồn vốn của Ngân hàng Hàng hải.
Tại buổi gặp này, Như giới thiệu với đối tác Tuấn là Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và lấy tên giả của mình là Quyên, nhân viên của Vietinbank đang có nhu cầu huy động vốn cho Vietinbank. Vì tin tưởng Tuấn nên sau buổi gặp gỡ này, phía Ngân hàng Hàng hải đã cung cấp thông tin 3 công ty cần gửi tiền với lãi suất cao (từ 18-22%) là Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên. Để phía 3 công ty tin tưởng, Như đã đề nghị bà Nguyễn Thị Nga soạn thảo hợp đồng sau đó gửi mail cho Như, Như in ra và đưa cho Tuấn xem và đồng ý, sau đó đưa để Như thực hiện.
Tuy nhiên, sau khi nhận lại hợp đồng từ Tuấn, Như đã sửa hợp đồng lại cho phù hợp rồi chuyển cho Nga. Tại các bảng hợp đồng này, Như đã ký giả chữ ký của Tuấn, đóng dấu giả của Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè rồi fax cho Nga để 3 công ty trên chuyển tiền theo hợp đồng. Sau khi số tiền 2.496 tỷ đồng của 3 công ty trên chuyển vào tài khoản của 3 công ty mở tại Vietinbank Chi nhánh TP HCM, Như đã làm giả lệnh chi, chữ ký giám đốc, đóng dấu giả của 3 công ty trên, chiếm đoạt hơn 1.598 tỷ đồng. Từ việc làm sai trái này, Tuấn đã được Như chuyển cho 10 tỷ đồng qua Công ty Hoàng Khải để Tuấn đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang.
Với hành vi phạm tội như trên, xử sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Võ Anh Tuấn mức án 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm sắp xử tới đây, Tuấn còn đang đối diện với kháng nghị yêu cầu tăng án của VKS. Ngoài hình phạt tù, Tuấn còn có nghĩa vụ cùng Huyền Như liên đới bồi thường cho Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên với tổng số tiền hơn 1.678 tỷ đồng. Đây là cái giá mà Tuấn phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật của mình.