Vụ tai nạn lao động làm chết 3 người ở công ty Hào Dương: Đề nghị truy tố Phó Giám đốc

Thứ Năm, 10/04/2014, 07:40

Ngày 9/4, cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh vừa kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Trịnh Thị Phương Mai (SN 1983, chỗ ở: phường Phú Mỹ, quận 7) - Phó Giám đốc phụ trách môi trường Công ty CP thuộc da Hào Dương về tội: “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động”, Điều 227 Bộ luật hình sự.

Công ty CP thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) có 1 khu xử lý nước thải gồm có các bể chứa nước thải, bể lắng và bể thu gom bùn. Các bể này được thông nhau qua hệ thống đường ống. Quá trình hoạt động, đường ống dẫn bùn từ bể lắng 1 sang bể thu gom bùn bị nghẹt, nên cần phải tiến hành xử lý làm thông đường ống dẫn bùn. Ngày 24/4/2013, kỹ sư Nguyễn Minh Tuân – Phó Phòng Môi trường báo cáo với bà Trịnh Thị Phương Mai về việc đường ống dẫn bùn bị nghẹt và đề xuất phương án xử lý bằng cách: Gắn đường ống nước sạch vào ống dẫn bùn nghẹt, sau đó dùng áp lực nước do máy bơm tạo ra để đẩy bùn ra khỏi đoạn ống bị nghẹt. Sau khi nghe kỹ sư Tuân trình bày, bà Mai đồng ý với phương án xử lý này và yêu cầu Tuân tiến hành kiểm tra lại để thực hiện.

Khoảng 9h ngày 24/4/2013, Tuân xuống hiện trường, phân công các công nhân Nguyễn Văn Dủ, Huỳnh Thanh Tài và Trần Quốc Trí thực hiện. Theo đó, Huỳnh Thanh Tài là công nhân trực tiếp xuống đáy bể để gắn đường ống nước thải vào ống dẫn bùn bị nghẹt thông qua máy bơm nước. Đến khoảng 10h15 cùng ngày thì ống dẫn bùn đã thông, nên Tài phải xuống bể thu gom bùn để tháo đường ống nước ra. Khi tháo được một số bulong thì khí đọng và nước thải từ phía hồ lắng 1 chảy qua đường ống dẫn bùn sang hố thu gom bùn khiến Tài bị ngạt thở nên vội vã leo lên. Tuy nhiên, khi leo đến giữa thang tre thì Tài bị ngã xuống bể. Tuân đứng trên miệng bể thấy vậy vội xuống đưa Tài lên nhưng Tuân cũng bị ngạt và ngã xuống bể. Dủ thấy vậy liền tri hô, công nhân Lê Phát Tài làm việc gần đó chạy lại, xuống bể để đưa 2 người lên nhưng Tài cũng tiếp tục bị ngạt. Cả 3 đều tử vong.

Sau vụ tai nạn, cơ quan CSĐT phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh, CA huyện Nhà Bè, Viện KSNDTP, Thanh tra Sở Lao động TB&XH tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thu mẫu vật để giám định. Kết quả giám định: Cả 3 chết ngạt do hít sặc bùn vào đường thở.

Ngày 12/6/2013, Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tại TP.Hồ Chí Minh kết luận: Các mẫu khí và mẫu nước đều chứa thành phần Methane cao (mẫu thấp nhất 2.050mg/m3, mẫu cao nhất 189.237mg/m3). Methane (CH4) là khí trơ, không màu, không mùi, sinh ra khi các chất hữu cơ lên men trong điều kiện hiếm khí. Khi nồng độ khí Methane cao gây ngạt, dẫn đến tử vong vì khí Methane chiếm mất phần của khí oxy trong không khí thở ở nơi làm việc; Ngày 23/9/2013, Đoàn điều tra tai nạn lao động TP kết luận có 3 nguyên nhân gây tai nạn lao động.

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Trương Hải - Giám đốc công ty và ông Lê Đức Phận - Phó Giám đốc phụ trách về An toàn lao động cho rằng, đã làm đúng chức năng nhiệm vụ được giao, đã trang bị cho người lao động các dụng cụ bảo hộ lao động, tổ chức huấn luyện an toàn lao động và mời cơ quan An toàn lao động TP đến giảng dạy, hướng dẫn biện pháp phòng tránh trong tai nạn lao động… Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của công ty có ngành nghề thuộc da đại gia súc, quá trình hoạt động có lượng chất thải ra hàng ngày rất lớn và độc hại. Do đó, toàn bộ khu vực xử lý nước thải và và các công nhân làm việc ở phòng môi trường đều phải thực hiện dưới sự chỉ đạo của trực tiếp của Trịnh Thị Phương Mai và người quản lý trực tiếp là kỹ sư Nguyễn Minh Tuân.

Theo cơ quan CSĐT, Trịnh Thị Phương Mai đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động: Cụ thể, phân công công nhân làm việc tại nơi nguy hiểm (hố sâu và có phát sinh khí hơi độc) nhưng không xây dựng biện pháp an toàn và trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, phương tiện cấp cứu cho NLĐ trước khi tiến hành công việc; Phân công công nhân chưa được huấn luyện và cấp thẻ an toàn làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nên đã dẫn đến tai nạn cho CN khi xử lý tình huống cấp cứu; Không xây dựng các phương án thi công, sửa chữa và kèm theo các biện pháp thi công an toàn. Từ các sai phạm trên đã vi phạm Điều 100, Điều 101, Điều 102 Bộ luật lao động (năm 1994); Vi phạm điều 13 Nghị định 06/CP ngày 20/1/1995 của Chính Phủ; Vi phạm quy định tại Quyết định 3733/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế và Vi phạm Điều 1.3, 1.18 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5308-91

Thúy Hà
.
.
.