Phúc thẩm 'vụ Huyền Như': Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm

Thứ Hai, 29/12/2014, 23:55
Ngày 29/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận. Tại tòa, bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên PGĐ Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng trong phần bào chữa, bị cáo và luật sư Phan Trung Hoài lại cho rằng chứng cứ buộc tội bị cáo lừa đảo các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên còn mờ nhạt, bị cáo không biết việc Như làm giả con dấu, tài liệu đứng tên bị cáo và Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động vốn.
>> Triệu tập mẹ ‘siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như’ đến tòa phúc thẩm

Theo VKS, lời bào chữa trên là không có cơ sở. Tháng 5/2011, bị cáo đã cùng với Huyền Như ra Hà Nội gặp Nguyễn Thị Vy Anh để tiếp xúc với khách hàng. Trong suốt quá trình điều tra, bị cáo và Như đều có lời khai phù hợp với nhau, biết rõ Như lấy danh nghĩa Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè để huy động vốn. Vì vậy, có căn cứ để xác định Tuấn là đồng phạm giúp sức Như chiếm đoạt tài sản liên quan đến các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên. Đối với hành vi chiếm đoạt tiền của công ty Thái Bình Dương, đủ cơ sở kết luận bị cáo Võ Anh Tuấn giúp sức Như chiếm đoạt 80 tỷ đồng của công ty này. Về khoản tiền hơn 58,6 tỷ đồng lãi bị cáo Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Bình Dương) đã nộp về  công ty, theo VKS chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ với bị cáo Phạm Anh Tuấn chứ không phải là căn cứ giảm nhẹ cho bị cáo Võ Anh Tuấn như lời trình bày của luật sư.

Đối với yêu cầu của luật sư của bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (Giám đốc Công ty Dung Vân do Huyền Như thành lập, bị tuyên 12 năm tù về tội “lừa đảo” và “cho vay nặng lãi”), xin được cấn trừ 150 tỷ đồng mà bị cáo Như còn vay và cấn trừ vào khoản tiền thu lợi bất chính 174,7 tỷ đồng (tiền cho vay nặng lãi)… theo VKS là không có cơ sở chấp nhận. Đối với kháng cáo của Nguyễn Thiên Lý (Giám đốc Công ty Diva; sơ thẩm 2 năm tù về tội “cho vay nặng lãi”), luật sư đề nghị xem xét lại khoản tiền bị cáo thu lợi bất chính theo hướng có lợi cho bị cáo, theo VKS, án sơ thẩm tuyên bị cáo chỉ thu lợi trên 414 tỷ đồng (trong khi kết luận cáo trạng là 715 tỷ đồng) là không có căn cứ nên cần tiếp tục làm rõ.

Đại diện VKS tranh luận lại với các luật sư tại tòa. 

Đối với bị cáo Phạm Anh Tuấn (tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn…”), tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, trong phần bào chữa, luật sư lại cho rằng bị cáo không làm trái công vụ vì quy chế tài chính và điều lệ của công ty cho phép, hợp đồng bị cáo ký là hợp đồng ủy thác đầu tư nhưng thực chất là gửi tiền vào ngân hàng không phải hoạt động kinh doanh… Theo VKS, những lời bào chữa trên là không thể chấp nhận, hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ, vì mục đích vụ lợi và động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã đem tiền đóng tàu ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Vietinbank là hoàn toàn sai với chức năng, nhiệm vụ của công ty…Về khoản tiền thu lợi bất chính, theo VKS đủ căn cứ chứng minh bị cáo đã thu lợi bất chính 72 tỷ đồng nên cần tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền này.

Đối với kháng cáo của nhóm các bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng bị xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các luật sư chỉ đưa ra các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị xem xét nên VKS không tranh luận. Riêng nhóm 10 bị cáo “vi phạm quy định cho vay…”, trong phần bào chữa nhiều luật sư cho rằng Vietinbank không thiệt hại nên không đủ cơ sở kết tội các bị cáo. Tuy nhiên theo VKS, căn cứ vào các quy định pháp luật và hành vi vi phạm của các bị cáo thì đủ cơ sở xác định các bị cáo đã vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 179 BLHS. Tuy nhiên, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc, đánh giá vai trò, hoàn cảnh của từng bị cáo, một số bị cáo mới ra trường chưa có kinh nghiệm để giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với kháng cáo của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan như bà Giã Thị Mai Hiên, Vũ Thị Kim Thịnh, Lê Thị Ngọc Nga, trong phần bào chữa, các luật sư không đưa ra được tình tiết nào mới nên VKS giữ nguyên quan điểm đã kết luận.

Về phần trách nhiệm dân sự, đối với hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty (gồm Công ty bảo hiểm Toàn Cầu, SBBS, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty An Lộc, Công ty Hưng Yên), VKS thống nhất quan điểm với các luật sư bảo vệ cho 5 công ty trên khi cho rằng Huyền Như có dấu hiệu “tham ô tài sản”. Vì vậy, chấp nhận một phần kháng cáo 5 công ty trên, tuyên hủy một phần bản án liên quan đến hành vi trên để điều tra, xét xử lại.

Tuy nhiên, đối với yêu cầu của SBBS đề nghị buộc Vietinbank phải hoàn trả ngay 210 tỷ đồng và lãi phát sinh theo quy định của pháp luật, theo VKS chưa có cơ sở xem xét. Vấn đề quyền lợi của SBBS về số tiền này chỉ được xem xét, giải quyết trên cơ sở điều tra lại, xác định đúng bản chất hành vi phạm tội của Như thì mới có thể giải quyết được.

Đối với hành vi chiếm đoạt tiền của ACB và Navibank, VKS tiếp tục bác lại quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hai đơn vị này. VKS đồng ý với luật sư cho rằng các tiền đứng tên của các nhân viên ACB và Navibank đã được theo dõi, hạch toán trong hệ thống sổ sách kế toán của Vietinbank. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa hai trường hợp hai đơn vị này với 5 đơn vị khác cùng có kháng cáo là sự khác nhau về bản chất của giao dịch gửi tiền. “Sự khác biệt và lằn ranh pháp lý ở đây giống như hành vi của người chưa thành niên và hành vi của người đã thành niên. Một người không biết pháp luật hoặc không bắt buộc phải biết và một người biết pháp luật nhưng vẫn cố tình phạm pháp”, VKS đưa ra ví dụ so sánh.

Hôm nay phiên tòa vẫn tiếp tục với phần tranh luận.

A.Huy
.
.
.