Việc truy tố ông Đinh La Thăng và đồng phạm về tội cố ý làm trái và tham ô là đúng

Thứ Hai, 15/01/2018, 11:37
Ngày 15-1, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cùng đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản xảy ra tại PVC.

Buổi sáng, HĐXX dành thời gian để đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại tòa đối đáp với phần bào chữa của các luật sư và các bị cáo trong vụ án.

Về vấn đề chỉ định thầu, theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, ông Đinh La Thăng khai việc PVN chỉ định thầu với PVC thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương (theo Kết luận số 41 của Bộ Chính trị khóa X) đưa ra chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 gồm một số lĩnh vực như: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến.... để xây dựng Tập đoàn Dầu khí vững mạnh, kinh doanh cả trong nước và quốc tế. 

Nhưng Kết luận số 41 không đưa ra các quy định cụ thể, không đề cập đến Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và không đề cập đến việc chỉ định thầu cụ thể.

Thời điểm đó, ông Đinh La Thăng có ký văn bản của PVN gửi Chính phủ đề xuất cho PVC làm tổng thầu Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Tại Công văn số 906 của Văn phòng Chính phủ trả lời văn bản của PVN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án và đảm bảo tiến độ.

Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp với luật sư và bị cáo.

“Điều đó thể hiện rõ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không có văn bản nào đồng ý cho PVN lựa chọn PVC làm tổng thầu như một số luật sư bào chữa đề cập mà Chính phủ yêu cầu PVN phải chọn nhà thầu có đủ kinh nghiệm, năng lực”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.

Về vấn đề “Có lợi ích nhóm trong việc thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 không?”. Theo quan điểm của đại diện Viểm sát, bị cáo Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC và bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PVC có mối quan hệ gần gũi với ông Đinh La Thăng qua đó được tạo điều kiện tiếp nhận về PVN và được cất nhắc vào các chức vụ.

Từ mối quan hệ đã có trước đó, ông Thăng đã ưu ái, bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo các bị cáo làm việc tại PVN và những người liên quan tại PVPower ký hợp đồng EPC số 33 và tạm ứng tiền cho PVC trái quy định của pháp luật. Qua đó để bị cáo Thanh và đồng phạm tại PVC sử dụng số tiền trên trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng. Điều đó thể hiện rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án này.

Về quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra là “không đồng tình với phần luận tội là các bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co, chối tội”, theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, khi xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo thấy rằng, mặc dù Viện kiểm sát đủ cơ sở buộc tội các bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gayhauaj quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản, nhưng trong quá trình điều tra và khai báo tại phiên tòa, các bị cáo đều không thừa nhận sai phạm của mình mà chỉ nhận chỉ nhận “chịu trách nhiệm thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến việc xảy ra hậu quả là thiệt hại lớn về kinh tế của Nhà nước”.

Đinh La Thăng tại toà.

Đây cũng là quan điểm Viện kiểm sát đưa ra khi đánh giá về mức độ tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo về hành vi đã gây ra. Do các bị cáo không thành khẩn nên Viện kiểm sát không đề nghị cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Về hợp đồng EPC số 33, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm “Đây thực chất là là sự phù phép cho việc PVC rút tiền từ PVN mà thôi”. Đại diện Viện kiểm sát đưa ra các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để khẳng định, số tiền thiệt hại trong vụ án là gần 120 tỷ đồng là đúng sự thật chứ không phải cơ quan giám định thiếu căn cứ pháp lý. “Quan điểm của các luật sư bào chữa và các bị cáo cho rằng, việc tạm ứng tiền không gây thiệt hại, hoặc thiệt hại không đáng kể là không có sở”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định. 

Về ý kiến của luật sư bào chữa đề nghị làm rõ cơ sở pháp luật nào xác định ông Đinh La Thăng phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, PVN là Tập đoàn kinh tế của Nhà nước. 

Chính phủ giao cho PVN phải kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn và hoàn thành các nhiệm vụ khác. Nhà nước là chủ sở hữu của PVN, còn ông Đinh La Thăng được cử giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, là người đứng đầu của PVN nên phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản của PVN. Vì thế ông Thăng phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc điều hành, chỉ đạo và giám sát mọi hoạt động của PVN. 

Nhưng trong vụ án này, ông Thăng đã bỏ qua các quy định của pháp luật, chỉ đạo lựa chọn PVC làm tổng thầu Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định của pháp luật, qua đó gây thiệt hại số tiền gần 120 tỷ đồng như cáo trạng đã xác định.

Trịnh Xuân Thanh tại toà.

Trước đó trong phần tự bào chữa, ông Đinh La Thăng trả lòng về hoàn cảnh gia đình và bệnh tật của bản thân. 

Ông Thăng cho biết, ông rất nhiều bệnh, không phải đến khi ra tòa mới nói mà ngay từ năm 2006, ông đã phải dùng thuốc điều trị hàng ngày. Bố ông mắc bệnh hiểm nghèo, ông có 2 con gái thì cháu thứ 2 năm nay 22 tuổi nhưng hoàn cảnh không bình thường nên rất cần sự chăm sóc của bố. Ông bị chịu trách nhiệm ở 2 vụ án khác nhau nên mong muốn HĐXX xem xét, tạo điều kiện cho ông vừa chấp hành quyết định của Tòa, vừa có thời gian để gần cha ông và con ông. Ông Thăng mong muốn được chấp hành án theo tinh thần Hiến pháp mới.

Nguyễn Hưng
.
.
.