Vì đâu "tắc" hàng loạt vụ án liên quan động vật hoang dã

Thứ Ba, 11/10/2016, 09:01
Việc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (TP Hồ Chí Minh) phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện vụ buôn lậu tinh vi hơn 2 tấn ngà voi châu Phi được cất giấu trong 12 khúc gỗ bị đục rỗng và hàn kín 2 đầu bằng đinh vít được xem là vụ buôn lậu ngà voi lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện.

Không chỉ vụ việc trên, thời gian gần đây tình trạng tiêu thụ, mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã diễn biến khá phức tạp.

Thế nhưng, báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự về động vật hoang dã không hề dễ dàng, nhiều vụ án, vụ việc Cơ quan điều tra (CQĐT) không xử lý được đành phải tạm đình chỉ điều tra do đối tượng vận chuyển thuê và hàng phạm pháp không định giá được.

Các đối tượng mua bán động vật hoang dã bị TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử mới đây.

Vụ Vũ Trùng Dương vận chuyển 2 kiện hành lý chứa 35 khoanh ngà voi cắt khúc, trọng lượng 22,9kg nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay từ Milan - Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 17-3-2015, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án "Vận chuyển hàng cấm", sau đó ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vào ngày 29-9-2015. Hay như vụ Đinh Văn Sơn vận chuyển 6 khúc sừng tê giác châu Phi có trọng lượng gần 5kg nhập cảnh từ Paris về Việt Nam. Ngày 24-5-2015, CQĐT đã khởi tố vụ án "Vận chuyển hàng cấm" nhưng sau đó cũng đình chỉ điều tra.

Ngoài vụ việc trên, hàng loạt vụ việc trước đó bị bắt giữ nhưng CQĐT không thể khởi tố vụ án để chờ kết quả định giá hàng phạm pháp.

Số ngà voi hơn 2 tấn bị hải quan phát hiện bắt giữ.

Điển hình như vụ Nguyễn Thế Hùng vận chuyển trên 1,1kg sừng tê giác; vụ Nguyễn Văn Hiền có hành vi vận chuyển 24,3kg ngà voi châu Phi vào Việt Nam; vụ Nguyễn Đức Minh vận chuyển trái phép hơn 23kg ngà voi và Trương Việt Cường vận chuyển 14,5kg ngà voi được chế tác thành sản phẩm vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo VKSND, để xử lý tội "Buôn lậu" hoặc "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới", Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định hàng hóa phải có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự được; hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý hành chính về hành vi quy định tại các điều khoản này hoặc một trong các Điều 155, 161 của BLHS. Do đó, kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự sẽ là căn cứ để xử lý đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Ngoài các lý do trên, một số vụ CQĐT chỉ khởi tố được vụ án mà không khởi tố được bị can, vì sau khi vụ việc bị phát hiện không một đơn vị, cá nhân nào đứng ra nhận là chủ hàng hoặc có mở tờ khai nhưng cũng viện lý do từ chối nhận lô hàng.

Giải thích lý do dẫn đến hàng loạt vụ án liên quan đến động vật hoang dã phải đình chỉ hoặc tạm đình chỉ trong thời gian vừa qua, VKS cho rằng nguyên nhân là do hành lang pháp lý về quản lý cũng như xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã chưa đồng bộ, thống nhất.

Cụ thể, như Điều 190 BLHS quy định về việc cấm các hành vi buôn bán, vận chuyển, săn, bắt, nuôi, nhốt, giết mổ trái phép động vật hoang dã quý, hiếm; hoặc vận chuyển buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó nhưng lại không quy định xử lý hành vi tàng trữ các bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó nên nhiều trường hợp tàng trữ CQĐT không xử lý được.

Hiện tại, một số văn bản cho phép gây nuôi các loại động vật hoang dã quý, hiếm nhưng biện pháp quản lý kinh doanh thương mại các loại động vật này lại không cụ thể, rõ ràng.

 Tại khoản 2 Điều 7, Nghị định 157/2013/NĐ-CP có quy định những hành vi vi phạm (trừ hành vi nuôi động vật rừng nhóm IB) được xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự... tạo sơ hở để các đối tượng lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc các loài động vật hoang dã mà có đối tượng thu, mua gom trái phép để kinh doanh trái phép.

Điển hình là vụ Nguyễn Thế Hùng vận chuyển ngà voi đã chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, sừng tê giác loại tê giác 2 sừng mới cắt khúc chưa rõ mục đích sử dụng như đã nêu trên.

Theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì tại Danh mục động vật, không có quy định về loài tê giác 2 sừng châu Phi và voi châu Phi. Theo hướng dẫn của Công văn 3762 ngày 23-9-2015 của VKSND Tối cao, nếu có tên trong danh mục loài thuộc Nhóm IB tại Nghị định trên thì bị xử lý theo Điều 190 BLHS chỉ áp dụng được đối với hàng hóa thu trong nước.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 đang bị cho là sẽ gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng khi thực hiện, xử lý trường hợp động vật thuộc nhóm IB khi quy định: động vật quý hiếm nhóm IIB có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng thì bị xử phạt. Cạnh đó, công tác định giá hàng hóa là sản phẩm đã được chế tác từ các loài động vật này gặp rất nhiều khó khăn do đây là hàng hóa cấm kinh doanh, mua bán trên thị trường nên không có giá tham khảo, không trưng cầu giám định được.

Với những khó khăn, vướng mắc vừa nêu, được biết mới đây VKSND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị VKSND TC cần có những văn bản hướng dẫn tạo sự thống nhất trong việc xử lý vi phạm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan hữu quan.

Không nên định giá trị tiền đối với các loài động vật hoang dã cũng như sản phẩm của chúng mà chỉ quy định theo hình thức cá thể, vì nhiều loài có giá trị rất lớn đối với bảo tồn nhưng lại có giá rất rẻ trong buôn bán.

Cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các Điều 7, 12, Nghị định 26/2005 của Chính phủ và mục 1, mục 2 phần II Thông tư 55/2006 của Bộ tài chính cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng định giá tài sản khi có yêu cầu trưng cầu định giá trong các vụ án hình sự...

A. Huy
.
.
.