Trước thềm vòng chung kết Euro 2016: Vén “bức màn” cá độ bóng đá

Thứ Tư, 08/06/2016, 10:02
Vòng chung kết Euro 2016 đang đến gần, thiết nghĩ, người hâm mộ cần nhận thức rõ hệ lụy khôn lường do cá cược bóng đá biến tướng gây ra. Bởi trên thực tế, cá độ bóng đá không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là con đường ngắn nhất dẫn đến… “tán gia bại sản”, phá vỡ hạnh phúc gia đình.

Tuy Vòng chung kết Euro 2016 chưa chính thức khởi tranh, thế nhưng hiện, trong giới cá độ bóng đá đã và đang sục sôi từng giờ. Ngồi nhâm nhi ly cà phê tại một quán giải khát ven hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình – Hà Nội), Đ “trâu” – một dân chơi nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) không giấu được mong muốn Vòng chung kết Euro 2016 sớm được diễn ra. 

Đ “trâu” là một trong những “master” (“nhà cái” tổ chức cá độ - PV) tầm trung ở Hà Nội, việc giải đấu bóng đá Euro 2016 diễn ra cũng đồng nghĩa với việc dân chơi tìm đến đường dây cung cấp “mạng” cá cược sẽ tăng về số lượng. Đ “trâu” cho biết thêm, thời gian qua, tuy có nhiều hình thức đánh bạc trực tuyến như xóc đĩa, đá ga... Thế nhưng, những trận đấu bóng đá vẫn luôn thu hút giới cá độ hơn cả. Khi nhiều người tham gia cá độ, thì khoản tiền thu lợi bất chính của những “nhà cái” như Đ “trâu” theo đó cũng tăng lên.

Khác với thời gian trước đây, khi mạng internet chưa phát triển, “nhà cái” thường tổ chức ra “kèo” cá độ bóng đá bằng các phương thức giản đơn như: Thông báo trực tiếp tỷ lệ đặt cược, ghi số tiền cá độ vào tờ phơi – cáp cá độ, gặp trực tiếp dân chơi để thống nhất kèo độ... Thì nay, dựa vào sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet, các “nhà cái” như Đ “trâu” đã giao dịch, tổ chức cá độ hết sức tinh vi và chớp nhoáng.

Tang vật trong một vụ cá độ bóng đá bị lực lượng Công an thu giữ.

Theo lý giải của một số “nhà cái”, việc giao dịch bằng điện thoại, mạng internet sẽ hạn chế sự phát hiện của cơ quan chức năng. Thêm vào đó, thông qua hình thức chia nhỏ “mạng” (trang web cá cược), “mạng lưới” cá độ sẽ được mở rộng một cách thuận tiện hơn. Đây cũng chính là lý do lý giải vì sao, hiện vấn nạn cá độ bóng đá không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh… mà còn vươn “vòi bạch tuộc” ra một số tỉnh, thành lân cận. 

Tiếp xúc với Đ “trâu” cũng như một số “nhà cái”, chúng tôi thấy rằng, nhằm hút dân chơi, các “nhà cái” đã rút gọn các thủ tục giao “mạng”. Chỉ cần có người bảo lãnh, dân chơi cung cấp đúng địa chỉ, nơi làm việc của mình cũng như sau khi xác định: “dân chơi có tiền, có tài sản”, “nhà cái” sẽ cung cấp ngay cho dân chơi đó một đường link - trang “mạng” chuyên phục vụ cá độ, địa chỉ “ID”, “Password” cùng một khoản tiền “ảo” nhất định. Số tiền “ảo” (hay còn gọi là “đô ảo”) này thường được “nhà cái” quy định cụ thể cho từng dân chơi, theo từng cấp độ phân phối. 

Thông thường ở cấp độ 1, “nhà cái” thường quy ước 1 “đô ảo” tương ứng với 10 ngàn đồng. “Cấp độ” này nếu muốn đặt cược trực tiếp cũng được, còn nếu muốn “thầu” để ăn tiền chênh lệch, thì  sẽ giao lại cho “cấp độ” sau hoặc trực tiếp cho dân chơi với số tiền tương ứng 1 “đô ảo” có thể tương đương với 50 ngàn đồng hoặc 100 ngàn đồng.

Sau khi kết thúc các trận đấu bóng, căn cứ vào sự ra vào, ăn thua “đô ảo” trên trang “mạng” cá cược, “nhà cái” và các “cấp độ”, dân chơi sẽ thanh toán với nhau bằng khoản tiền tương ứng với “đô ảo”. Thời gian, địa điểm thanh toán là do “nhà cái” thống nhất với dân chơi. 5-7 ngày là khoảng thời gian sẽ tiến hành giao dịch giữa “nhà cái” quy mô với các “mạng con”, còn giữa “mạng con” với từng dân chơi thường chỉ sau một ngày khi trận đấu kết thúc. 

Và để tạo thuận lợi cho quá trình giao dịch, hạn chế “tai nạn” (dân chơi không trả tiền cá độ), “nhà cái” thường “sắm” bên mình đám “ong ve” - những đối tượng ngổ ngáo chuyên làm nhiệm vụ đi thu – thanh toán tiền. Nếu dân chơi cố tình hoặc chây ỳ không trả tiền, số “ong ve” này sẽ có trách nhiệm rằn mặt, buộc dân chơi phải trả tiền đã cược trước đó. Còn sự xuất hiện trực tiếp của “nhà cái” là rất hy hữu.

Bên cạnh đó, nhằm mở rộng “mạng lưới” cá độ bóng đá của mình, các “nhà cái” thường trả công cho các “cấp độ” khi tiếp tay cho đường dây mình bằng việc hưởng chế độ tiền “com” – hay còn gọi là tiền “hoa hồng” nhất định. Khi số lần dân chơi ra vào, đặt cược càng nhiều thì số tiền “com” được quy ước theo “đô ảo” có trên mạng cá cược sẽ lại được tăng lên. Còn đối với việc quản lý tỷ lệ cá độ cũng như số tiền giao dịch cá độ trên mạng, Đ “trâu” cho biết, “nhà cái” thường thông qua bảng “bet list” trên các trang mạng cá độ do bản thân mình điều tiết.

Đề cập đến vấn đề trên, Thượng tá Lê Huy, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (CATP Hà Nội) cho rằng, các đối tượng hoạt động cá độ bóng đá thời gian qua thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó lại cơ quan chức năng như: giao dịch qua điện thoại, mạng internet, “nhà cái” chia nhỏ các trang “mạng” cá độ; thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm giao dịch, điều khiển các “mắt xích” cá độ từ xa... Tuy nhiên, với quyết tâm của lực lượng chức năng, nhiều đường dây cá độ bóng đá đã lần lượt bị bóc gỡ.

Vòng chung kết Euro 2016 đang đến gần, thiết nghĩ, người hâm mộ cần nhận thức rõ hệ lụy khôn lường do cá cược bóng đá biến tướng gây ra. Bởi trên thực tế, cá độ bóng đá không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là con đường ngắn nhất dẫn đến… “tán gia bại sản”, phá vỡ hạnh phúc gia đình.

“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

         (Trích Điều 249, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009)

“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

                        (Trích Điều 249, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Trần Huy
.
.
.