Trọng án từ những mâu thuẫn trong gia đình

Thứ Năm, 20/02/2020, 08:07
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra một số vụ trọng án trong gia đình khiến nhiều người bị tước đoạt mạng sống oan uổng, nhiều gia đình rơi vào tột cùng của sự đau thương, người dân bàng hoàng, lo lắng. Nguyên nhân là do những mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời, triệt để, nó cứ âm ỉ, kéo dài.


Theo đánh giá của cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn, có khoảng 20% số vụ giết người là do nguyên nhân từ người thân trong gia đình, căn nguyên của những hành vi tội ác là do sự lệch lạc về nhận thức, lối sống và quan điểm sống sai lầm dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật; áp lực cuộc sống, tranh chấp tài sản cũng chi phối, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ và vô cảm.

Mới đây nhất, ngày 27-1, tức ngày 3 Tết, tại thôn Khau Chủ, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn xảy ra vụ án nghiêm trọng. Khoảng 19h, bà Hà Thị Duyên, 44 tuổi, trú tại địa chỉ trên, được người nhà phát hiện trong tư thế nằm ngủ, nhưng lại đắp chăn kín từ đầu đến chân.

Với hành vi giết người, Hà Duy Tuyết phải trả giá bằng bản án tù chung thân.

Trên người bà Duyên có nhiều vết thương, trong nhà có nhiều vết máu. Bà Duyên được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết. Người bị nghi ngờ gây ra cái chết cho bà Duyên là ông Nguyễn Đình Oong, 45 tuổi (là chồng bà Duyên). Sau đó, ông Oong đã bỏ trốn.  Sáng 15-2, Nguyễn Đình Oong đã ra đầu thú.

Tại cơ quan Công an, Oong khai nhận: Từ ngày 29 Tết đã cãi nhau với vợ, đến chiều mùng 3 Tết, sau khi đi chơi bóng về, vợ chồng lại tiếp tục cãi vã nhau. Do bực tức và không kiềm chế được bản thân, Oong đã hành hung vợ đến chết.

Tháng 9-2019, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Hà Duy Tuyết, SN 1960, trú tại thôn Cao Thanh, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn mức án tù chung thân về tội Giết người. Điều đáng nói, nạn nhân lại chính là em rể của bị cáo.

Nguyên nhân của vụ án khiến nhiều người ngỡ  ngàng bởi nó xuất phát từ việc tranh chấp đất đai đã có mâu thuẫn từ trước. Khoảng 21h ngày 21-2-2019, do bực tức với Vũ Đình Bẩy, SN 1972, là hàng xóm của Tuyết,  trong lúc đánh bài tại xưởng gỗ bóc của ông Đặng Văn Hoan tại thôn Cao Thanh, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, Tuyết đi về nhà cách đó khoảng 20m lấy một khẩu súng tự chế, lắp đạn và quay lại xưởng gỗ, bắn 1 phát vào người Vũ Đình Bẩy làm anh Bẩy bị thương tích với tỷ lệ 28%.

Biết anh Bẩy đã trúng đạn, Tuyết nghĩ dù sao cũng đã bắn người, cần phải bắn Hà Văn Thọ, SN 1973, ở cùng thôn và là em rể của Tuyết để trả thù. Đến nhà Thọ, Tuyết đã bắn 1 phát vào vùng ngực bên trái làm anh Thọ tử vong. Sau đó Hà Duy Tuyết ra đầu thú.

Không khó để nhận thấy, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử đang bị một phần phai mờ bởi sự thay đổi của cuộc sống hiện đại. Những xung đột bị tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.

Bên cạnh đó, do mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân, dẫn đến tiêu cực, tệ nạn xã hội gia tăng. Trong khi đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục tư tưởng, đạo đức xã hội và nhận thức của một số người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế…

Theo bà Hoàng Thu Chung, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bắc Kạn, cần phải có một số giải pháp mang tính đột phá, đặc biệt là từ giáo dục, cần phải giáo dục về tình yêu thương, sự sẻ chia các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, trước hết, những người thân trong gia đình luôn yêu thương, đùm bọc, tôn trọng nhau sẽ không xảy ra những hiềm tị và xung đột.

Trung tâm đã tăng cường tuyên truyền các quy định của Bộ luật Hình sự, pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với người dân tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn xảy ra vụ án giết người.

Để hạn chế những vụ án đau lòng, thương tâm xảy ra, công tác phòng ngừa xã hội liên quan đến mâu thuẫn gia đình, không chỉ là trách nhiệm của Công an mà cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, và đặc biệt là các cấp ngành, chính quyền, tổ hòa giải địa phương, giải quyết những nguyên nhân ban đầu mới phát sinh, không để nảy sinh tội phạm giết người…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân một cách sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến cơ sở, xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, phát huy hiệu quả các tổ chức đoàn thể, xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở. Sớm nắm bắt được những mâu thuẫn để hóa giải một cách thấu đáo, khi đó sẽ góp phần ngăn chặn được cái ác.

Ngọc Anh
.
.
.