Triệt phá 3.047 băng nhóm, xử lý gần 14.000 đối tượng phạm tội có tổ chức

Thứ Ba, 11/11/2014, 21:09
Tội phạm có tổ chức luôn là mối đe dọa nguy hiểm cho trật tự an toàn xã hội, gây lo lắng và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trong 10 tháng của năm 2014, lực lượng Công an đã triệt phá 3.047 băng nhóm, xử lý gần 14.000 đối tượng. Kết quả trên cho thấy nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an nói chung cũng như đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm.

Các đối tượng cầm đầu có xu hướng “ẩn” dạng mới:

Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, nhìn chung, tình hình tội phạm có tổ chức từ đầu năm 2014 cơ bản được kiềm chế và không có đột biến lớn. Tuy nhiên, hoạt động của loại tội phạm này vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Các loại băng nhóm tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế có sự đan xen, chuyển hóa hoạt động.

Các đối tượng cầm đầu, nhất là “trùm” các băng, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm nguy hiểm đang có xu hướng “ẩn” dạng mới. Chúng núp bóng doanh nghiệp, hướng đến các hoạt động kinh tế nhằm tạo vỏ bọc, tạo mối quan hệ và thu lợi bất chính lớn qua các hình thức như: bảo kê “thu phế” đối với các hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT (vũ trường, quán bar, massage…); bảo kê khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản; bảo kê buôn lậu, kinh doanh xuất nhập khẩu ở các khu vực đường biên…

Cơ quan điều tra kiểm tra số vũ khí thu được trong vụ triệt phá một băng nhóm tội phạm.

Mà hai “ông trùm” tại đất Móng Cái là Dũng “mặt sắt” và Lương Quang Thắng, tức Thắng “Cành” là những ví dụ điển hình. Phương thức hoạt động là chúng thành lập các công ty, nhưng hoạt động chủ yếu là “bao biên”, thuê đám côn đồ để buôn lậu hàng hóa qua biên giới. Băng nhóm Minh “sâm”, Hưng “sóc” ở Bắc Ninh cũng đội lốt các doanh nghiệp gỗ để chỉ đạo đàn em gây ra hàng loạt hành vi phạm tội theo kiểu “xã hội đen”. Các đối tượng cầm đầu cũng rất hạn chế tham gia trực tiếp các hành vi phạm tội, chúng thường đứng phía sau chỉ đạo hoạt động của đàn em.

Ở các tỉnh phía Nam, nổi lên tình trạng các băng nhóm tội phạm gây án ở các địa bàn giáp ranh, tại các tỉnh có đường biên giới. Nhiều băng nhóm trộm cắp, tiêu thụ tài sản, như băng nhóm do Nguyễn Văn Kỳ, kẻ có đến 4 lệnh truy nã, cầm đầu hàng chục tên ở Bạc Liêu gây ra khoảng nghìn vụ trộm cắp xe máy ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, sau đó vận chuyển sang Campuchia tiêu thụ. Các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia thường móc nối với các đối tượng người Việt Nam hoặc nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện các hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản như: giả mạo cán bộ Nhà nước (Công an, Bưu chính, Ngân hàng…) gọi điện thông báo cho bị hại nợ khoản tiền cước để bị hại tin mà chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng; giả bắt cóc người thân ở nước ngoài để tống tiền…

Tại phía Bắc, theo Công an TP Hà Nội cho biết, xuất hiện tình trạng các đối tượng hình sự kết nối với cán bộ chính quyền cấp cơ sở biến chất (UBND, Công an xã, phường…) để lấn chiếm đất công ở các mảnh đất xen kẹt, đất canh tác, sau đó xây nhà cấp 4, móc nối làm sổ đỏ, hợp thức hóa. Đặc biệt phát sinh tình trạng một số đối tượng cộm cán tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lôi kéo con, em các gia đình có điều kiện kinh tế, chủ các doanh nghiệp lớn sang Singapore, Macau… đánh bạc tại các casino, sau đó cho vay nặng lãi và gây áp lực, đòi bố, mẹ trong nước trả nợ thay…

Nhiều giải pháp loại trừ các băng nhóm tội phạm có tổ chức:

Trước sự nguy hiểm của loại tội phạm có tổ chức, ngày 28/11/2013, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 6582/QĐ-BCA-C41 thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức do đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban. Sau đó, Công an nhiều tỉnh trong toàn quốc, đặc biệt là 17/18 tỉnh, thành thuộc địa bàn trọng điểm đã thành lập Ban chỉ đạo để giải quyết tình hình.

Nhiều địa phương đã coi trọng công tác xây dựng lực lượng, củng cố lực lượng trinh sát hình sự các cấp, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ: “Nơi nào, lực lượng nào, cá nhân nào để tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động lộng hành, kéo dài hoặc làm ngơ, tiêu cực, bảo kê cho tội phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm nghiêm khắc” cho thấy thái độ nghiêm túc, quyết liệt trong giải quyết tình trạng bảo kê tội phạm của lãnh đạo Công an các cấp.

Từ chủ trương đó, Công an các địa phương đã chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các băng, nhóm tội phạm có tổ chức ngay từ khi chúng manh nha thành lập. Các cục nghiệp vụ phối hợp với Công an các địa phương tập trung đấu tranh với các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tồn tại trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.

Khi băng nhóm do Trần Hoàng Nhật, tức Nhật “khùng” cầm đầu chuyên tổ chức cá độ bóng đá qua mạng, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tàng trữ vũ khí quân dụng, mua bán trái phép ma túy… bị Cục Cảnh sát hình sự triệt phá, theo đánh giá, đã gây “dư chấn trong giới côn đồ, từ đó tạo ra sự răn đe, trấn áp mạnh mẽ với các băng nhóm tội phạm khác.

Công an một số đơn vị, địa phương đã đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn mới của tội phạm có tổ chức như: Công an TP Hải Phòng đấu tranh thành công với thủ đoạn “giả điên, chạy sổ tâm thần” của một số đối tượng giang hồ cộm cán; Công an Thanh Hóa đấu tranh có hiệu quả với băng nhóm hoạt động tín dụng đen…

Với sự nỗ lực của các lực lượng Công an trong toàn quốc, trong 10 tháng của năm 2014, đã triệt phá 3.407 băng nhóm gồm 13.931 đối tượng. Trong đợt cao điểm tấn công tội phạm có tổ chức tại 18 địa bàn trọng điểm (từ 20/5 đến 20/9/2014), lực lượng Cảnh sát hình sự đã triệt phá được 455 băng nhóm với 2.497 đối tượng. Tại các địa phương, các băng nhóm tội phạm hình sự không còn hoạt động lộng hành, các vụ án sử dụng súng quân dụng, súng tự chế để thanh toán nhau không còn phức tạp so với giai đoạn trước…

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện Kế hoạch 03 về đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu, các đơn vị, địa phương phải quyết tâm cao, quyết liệt trong đấu tranh hơn, không được để “vùng cấm” trong đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức…

Tại hội nghị sơ kết đợt cao điểm tấn công tội phạm có tổ chức vừa qua, bên cạnh các phương hướng, kế hoạch do lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đề ra, đại diện Công an các đơn vị, địa phương cũng đã tham luận, “hiến kế” cho Ban chỉ đạo để cuộc đấu tranh cam go này hiệu quả hơn. Đại tá Nguyễn Văn Coỏng, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng đề nghị Cục Cảnh sát hình sự nghiên cứu, thảo luận, chỉ đạo Công an các địa phương giải quyết tình trạng đối tượng vi phạm pháp luật rồi dùng kế “bùa điên” trốn tránh pháp luật trên phạm vi cả nước, thống nhất một quan điểm, cách xử lý. Không để tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để “giả điên” nhằm trốn tránh pháp luật vẫn đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương khác.

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết kinh nghiệm của Công an Hà Nội là trong quá trình phá án, cần tập trung bắt giữ các đối tượng chính trong chuyên án, không để chúng bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu chứng cứ, đe dọa nhân chứng, bị hại, gây khó khăn cho công tác điều tra và nhen nhóm tổ chức hoạt động trở lại. Đồng thời phải ngăn chặn các hoạt động kinh tế bất hợp pháp của các ổ nhóm tội phạm, không để chúng biến sức mạnh kinh tế thành “rào cản” hoạt động điều tra.

Đại diện Công an TP Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh, từ thực tế điều tra các băng nhóm tội phạm có tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, phát hiện có nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự từ các tỉnh, thành phố phía Bắc, các tỉnh miền Trung vào TP Hồ Chí Minh ẩn náu, hoạt động. Vì thế, cần phải có sự phối hợp, trao đổi thông tin tội phạm với Công an 18 tỉnh, thành trọng điểm và một số tỉnh, thành phía Bắc có nhiều đối tượng hình sự vào TP Hồ Chí Minh hoạt động…

T. Hòa
.
.
.