Tranh luận nảy lửa “bút phê” của Tổ giám sát ngân hàng Nhà nước trong vụ án ngân hàng Đại Tín
Trong khi đại diện Tổ giám sát ngân hàng Nhà nước cho rằng bút phê trong hồ sơ đề nghị giải ngân cho vay của ngân hàng Đại Tín là “không cho phép” nhưng các bị cáo đều hiểu ngược lại là “được phép” cho vay.
- Xét xử nguyên dàn lãnh đạo ngân hàng Đại Tín gây thiệt hại 471 tỷ đồng
- Lời khai của nguyên chủ tịch ngân hàng Đại Tín Hoàng Văn Toàn
Chiều 2-5, phiên toà xét xử vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đại Tín “gay cấn” khi toà mời ông Hà Tấn Phước, nguyên Phó giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nháng tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng Tổ giám sát ngân hàng Đại Tín (là bị can trong vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng Đại Tín) lên xét hỏi.
Các bị cáo tại toà |
Bốn bị án được triệu tập đến toà với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng |
Trước đó, tại toà bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) khai, khi ký quyết định cho hai công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay 650 tỷ đồng, bị cáo có trình lên Tổ giám sát của ngân hàng Nhà nước đề nghị cho giải ngân. Trên cơ sở được tổ giám sát đồng ý thì chi nhánh Sài Gòn mới cho hai công ty vay vốn. Hồ sơ họp HĐTD cũng được thông qua tổ giám sát vào ngày 28-12-2012. Xác nhận lời khai của ông Nam, ông Toàn cũng có lời khai, có trình hồ sơ cho vay cho Tổ giám sát ngân hàng Nhà nước.
Tương tự như lời khai của ông Nam và Toàn, các bị cáo còn lại cũng khai, vào thời điểm trên, ngân hàng Đại Tín đang trong tình trạng bị giám sát đặc biệt nên khi cho vay trên 5 tỷ đồng phải có chữ ký của Tổ giám sát ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, trước toà ông Phước khẳng định hoàn toàn không đúng như vậy.
Toà cho ông Phước xem bút lục có “bút phê” của ông Phước trong khoản vay 650 tỷ đồng, ông Phước thừa nhận chữ viết trong hồ sơ này đúng là của mình.
Nội dung bút phê này cho rằng: ngân hàng Đại Tín muốn cho vay thì phải đẩy dư nợ xuống bằng với dư nợ cuối ngày 31-12-2011. Nội dung này đồng nghĩa với việc không đồng ý cho vay.
Ngược lại, các bị cáo đồng loạt nói rằng trong bút phê không có nội dung không đồng ý cho vay nên các bị cáo hiểu rằng cho vay cũng được, không cho vay cũng được. Nhưng dư nợ tại thời điểm này là bao nhiêu thì các bị cáo không thể trình bày vì không biết. Tổ giám sát bút phê rất chung chung làm cho các bị cáo hiểu là cho vay nhưng số tiền cho vay khi cộng lại thì không được vượt quá dư nợ ngày 31-12-2011.
Tranh cãi xung quanh câu chữ khó hiểu trong “bút phê”này, HĐXX “kết luận”, bút phê này chỉ những người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng mới hiểu.