Vụ vỡ nợ tại huyện Chơn Thành (Bình Phước):

Trả hồ sơ để làm rõ vai trò của người thân là cán bộ kiểm sát

Thứ Hai, 21/10/2013, 09:37
Qua gần 3 ngày xét xử sơ thẩm, trưa 18/10, TAND tỉnh Bình Phước tuyên trả hồ sơ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Thị Sạnh (53 tuổi, ngụ khu phố 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", để điều tra bổ sung, xác định nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Trước đó phiên tòa bị hoãn hai lần (lần nhất 24/9 và lần hai 8/10), lý do vắng ông Trần Hoàng Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Chơn Thành, nguyên Viện trưởng Viện KSND huyện Hớn Quán, hiện là kiểm tra viên Văn phòng Viện KSND tỉnh Bình Phước là chồng bà Sạnh.

Sau phần nghị án, Hội đồng xét xử cho rằng, xét thấy còn nhiều vấn đề liên quan đến vụ án mà trong quá trình điều tra, xét xử chưa xác định được. Do đó, Hội đồng xét xử tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xác định những vấn đề như: xác định việc sử dụng số tiền 12 tỉ đồng nhưng chưa phân tích rõ số lãi vay và số trả, số tiền 18 tỉ đồng chưa được điều tra làm rõ xem bị cáo dùng vào mục đích gì.

Xác định sự liên quan của ông Trần Hoàng Sơn và bà Trần Thị Thắm là chồng và con gái của bị cáo Sạnh. Nguồn gốc số tài sản hiện có gồm 5 thửa đất và tài sản cùng với chiếc ôtô có liên quan đến hành vi lừa đảo của bị cáo hay không cần phải xác định rõ. Ngoài ra cần thu thập chứng cứ để xác định số tiền mua và bán chiếc xe của ông  Sơn. Khoản tiền ông Sơn và bị cáo dùng để vay và đáo hạn ngân hàng có liên quan đến khoản tiền 1,5 tỉ đồng mà bị cáo chiếm đoạt của một bị hại hay không?

Bị cáo Nguyễn Thị Sạnh tại tòa.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Sạnh thừa nhận số tiền và các đối tượng (chủ nợ) mà bị cáo Sạnh vay mượn cũng như lãi suất 2-9% nêu trong cáo trạng. Bị cáo Sạnh cũng cho rằng chuyện vay mượn do mình bị cáo thực hiện chứ không liên quan đến chồng là ông Sơn và con gái Trần Thị Hồng Thắm như các bị hại quy kết. Hội đồng xét xử hỏi tại sao biết số tiền vay mượn lớn, không có khả năng trả nhưng lại không cho chồng con biết? Bị cáo Sạnh trả lời hồn nhiên, được nhiều người cả tin cho vay vì bị cáo có nhiều tài sản (vườn cao su, cây xăng, đất đai, nhà cửa…).

Khi vay mượn bị cáo nói với người thân và người dân trong huyện (huyện Chơn Thành) là bị cáo cần vốn để làm ăn như: kinh doanh xăng dầu, đáo hạn ngân hàng, cho vay lại… và huy động vốn vay với lãi suất cao từ 2-9% nên nhiều người đồng ý. Những lần vay mượn tiền bị cáo đều có thỏa thuận miệng với người cho vay về lãi suất và thời gian vay từ vài ngày hoặc khi nào muốn lấy lại gốc thì báo trước vài ngày để trả lại. Khi nhận tiền thì bị cáo viết giấy nhận tiền giao cho chủ nợ, có những trường hợp do tin tưởng thì chỉ nói miệng mà không ghi giấy nợ. Khi nào trả tiền thì bị cáo lấy lại giấy biên nhận tiền rồi xé bỏ.

Nhiều bị hại cũng rất bức xúc trước hành vi lừa đảo trắng trợn của bị cáo Sạnh và khẳng định, việc vay mượn của bà Sạnh có sự tiếp sức đắc lực của chồng vì nhiều lần mang tiền đến cho bà Sạnh vay mượn có sự chứng kiến của ông Sơn. Bà Nguyễn Thị Liên, ngụ cách nhà bà Sạnh khoảng 800m, một trong những bị hại cuối cùng bị "sập bẫy" của bà Sạnh nói, việc cho bà Sạnh vay 4,1 tỉ đồng để bà Sạnh kinh doanh cũng vì chỗ thân quen, tình xóm giềng, vả lại được bà Sạnh cam kết trả gốc, lãi đúng hẹn. Hơn nữa thấy bà Sạnh có nhiều tài sản và luôn miệng khoe chồng làm lớn (thời điểm cho vay ông Sơn đương chức Viện trưởng Viện KSND huyện Hớn Quản - PV) thì với số tiền 4,1 tỉ đồng có lẽ không thể bị quỵt. Do thấy an toàn nên cứ thế cho vay.         

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2009 đến ngày 31/3/2010, bị cáo Sạnh đưa ra lãi suất cao và những thông tin không có thật để kinh doanh xăng dầu và thông qua nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt của 23 người với tổng số tiền trên 21,1 tỉ đồng. Ngoài ra bị cáo còn vay hơn 4 tỉ đồng của 11 người khác và 1,3 tỉ đồng của 2 ngân hàng (Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Chơn Thành 800 triệu đồng và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Bình Phước - Phòng giao dịch Chơn Thành 500 triệu đồng).

Tuy nhiên việc vay và trả nợ do các bên tự thỏa thuận, tự nguyện trả lãi nên không đề nghị xử lý và không đề nghị truy thu đối với khoản tiền lãi vay đã trả vượt quá 1,5 lần so với lãi suất do Ngân hàng Nhà nước qui định. 

Sau khi tuyên bố vỡ nợ (4/4/2010), các bị hại đã làm đơn tố cáo và ngày 29/9/2011, Nguyễn Thị Sạnh bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước khởi tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 24/9/2012, bị cáo Sạnh bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước thay đổi tội danh sang tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Long Điền
.
.
.