Tiếp tục điều tra vụ phá rừng phòng hộ Phú Ninh, Quảng Nam

Thứ Bảy, 22/08/2015, 10:26
Báo CAND đã có bài phản ánh về vụ phá rừng phòng hộ Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi tiếp tục điều tra thực tế tại những cánh rừng đang bị tàn phá này để tiếp tục thông tin sự việc này…


Những ngày cuối tháng 8/2015, chạy dọc theo tuyến đường mới mở kiên cố vào cánh rừng thông caribe, thuộc Tiểu khu 592, thuộc xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam, ngay tại bìa rừng, chúng tôi đã ghi nhận có hàng chục gốc thông, đường kính từ 40-50cm, có cây to cả một người ôm, đã bị “lâm tặc” chặt phá chỉ còn trơ lại gốc, bên cạnh là những cây keo con đang được trồng thay thế.

Không chỉ “lâm tặc”, Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân (gọi tắt Công ty Tiến Thiên Tân, đóng tại xã Tam Xuân 2), là đơn vị đấu thầu trúng để khai thác mủ thông với số lượng hơn 6.500 cây, tại 28 lô, thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 592, nhưng đơn vị này đã khai thác vượt mức hàng ngàn cây thông sai thiết kế, kể cả những cây thông chưa đến độ tuổi khai thác vẫn bị cạo vạch lấy mủ, nguy cơ cây chết là rất cao.

Ông Trần Tiến, Giám đốc Công ty Tiến Thiên Tân thừa nhận, có việc khai thác mủ thông vượt quy định đến 2.000 cây thông dưới đường kính (theo quy định là 25cm). Nhưng, ông Tiến đổ lỗi, việc khai thác này là do công nhân của Công ty làm sai, một phần theo thiết kế lúc đấu thầu không rõ ràng, chỉ giao rừng… trên giấy; chứ không đếm từng cây, không đo đạc trước (?!).

Lực lượng chức năng xử lý gỗ lậu được phát hiện.

“Sau khi lực lượng chức năng phát hiện lập biên bản, tôi đã cho công nhân tháo bỏ hết tất cả các máng hứng nhựa thông từ các cây khai thác sai quy định rồi. Nhưng sai ở đây cũng có một phần trách nhiệm của lực lượng chức năng từ thiết kế ban đầu lúc đấu thầu chưa quy định rõ ràng…”, ông Tiến phân bua.

Thời gian gần đây, nhiều cánh rừng già trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng bị “lâm tặc” tàn phá vô tội vạ. Vào cuối tháng 7/2015, lực lượng chức năng đã phát hiện dưới dòng sông, thuộc khu vực Hòn Kẽm, huyện Nông Sơn và bến Én, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, có 2 điểm tập kết gỗ lậu. Tại đây, cơ quan chức năng đã trục vớt hơn 7,3m3 gỗ quý hiếm như chò, ví, chua…

Qua điều tra cho thấy, nguồn gốc của số gỗ lậu này chủ yếu xuất phát từ phía thượng nguồn thủy điện Đắc My, huyện Phước Sơn. “Lâm tặc” sau khi khai thác, tập kết, cất giấu gỗ trong rừng, chờ thủy điện xả lũ đã dùng thuyền máy hoặc các phao là săm ôtô để lôi các bè gỗ theo đường thủy về xuôi. Các đầu nậu thường trao đổi, giao dịch mua bán gỗ trên sông. Cũng tại địa điểm này, vào tháng 9/2014, Kiểm lâm huyện Nông Sơn cũng phát hiện 257 phách gỗ lớn tập kết ở các khe suối thượng nguồn sông Thu Bồn (địa phận xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn)…

Trao đổi với ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, về rừng thông caribe ở Tiểu khu 592 bị chặt phá và khai thác mủ vượt quy định, ông Tuấn cho biết: Chi cục hiện đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và Hạt Kiểm lâm huyện Núi Thành (hai đơn vị quản lý khu vực trên) kiểm tra sự việc, đồng thời khẩn trương tiến hành các biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng. Chi cục cũng yêu cầu cơ quan chức năng điều tra sự việc, xử lý nghiêm theo pháp luật.

An Khang
.
.
.