Thủ đoạn lừa đảo của giám đốc các công ty tư nhân

Thứ Ba, 28/04/2015, 12:10
Từ đầu tháng tư đến nay, TAND TP Hà Nội đã mở nhiều phiên tòa xét xử “sếp” các doanh nghiệp tư nhân chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng. Nhìn từ các vụ án này cho thấy, người thành lập các công ty này không có hoạt động kinh doanh gì mà họ chỉ sử dụng cái mác chủ tịch HĐQT hoặc giám đốc công ty để tìm cách vay vốn ngân hàng hoặc lừa người dân góp vốn với số tiền lớn sau đó chiếm đoạt.

Chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng dưới hình thức bán nhà trên giấy

Nguyễn Văn Sơn (55 tuổi) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Giấy Việt Hoa, Hà Nội. Trước khi phạm tội, Sơn thành lập 10 công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn có địa chỉ ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên và đứng danh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc nhờ người làm Giám đốc. Mọi việc từ làm thủ tục thành lập công ty, nguồn vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty đều do Sơn trực tiếp điều hành.

Để dễ thực hiện hành vi phạm tội, Sơn đã “bổ nhiệm” những người thân trong gia đình làm giám đốc các công ty ký hợp đồng với một công ty nước ngoài mua và nhập khẩu dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất khăn giấy ướt với giá khoảng 5,6 tỷ đồng, sau đó chuyển về lắp đặt tại các công ty của Sơn.

Với mục đích để các công ty vay được nhiều tiền ngân hàng, Sơn đã thuê người làm giả giấy tờ khai nhập khẩu của các công ty do Sơn thành lập, sau đó nhờ công ty nước ngoài ký khống hợp đồng thương mại cùng chứng từ kèm theo nâng giá trị dây chuyền sản xuất khăn giấy ướt lên hơn 66,2 tỷ đồng. Sau đó, Sơn chỉ đạo các công ty khác nhau do Sơn thành lập ký khống các tài liệu liên quan thể hiện công ty này bán dây chuyền sản xuất khăn giấy ướt cho công ty kia với giá hơn 73,7 tỷ đồng và sử dụng dây chuyền thiết bị nhập khẩu đã được nâng khống giá trị bằng các tài liệu giả làm tài sản thế chấp cho chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội để được vay 35 tỷ đồng.

Trước khi phiên tòa này diễn ra, Sơn mới khắc phục được một phần hậu quả, còn chiếm đoạt hơn 27,8 tỷ đồng.

Hiếu, Sơn và Long.

Kê khống tài sản để thế chấp và chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng

Nguyễn Hoàng Long (43 tuổi) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar và Lê Quỳnh Anh (40 tuổi, vợ Long) là Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí và Xây dựng Megastar cùng năm đồng phạm vừa phải hầu tòa vì đã câu kết với nhau thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, do cần tiền để sử dụng kinh doanh và trả nợ nên Long đã móc nối với Giám đốc các công ty thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar và thông đồng với giám đốc một ngân hàng - chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng một số cán bộ, nhân viên của chi nhánh này thực hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội là làm giả các hợp đồng mua bán sắt thép, hợp đồng thuê kho ba bên, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản… để ký bảy hợp đồng tín dụng vay của chi nhánh ngân hàng này gần 30 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt tiền vay của ngân hàng. Long đã có hành vi gian dối trực tiếp ký một hợp đồng tín dụng khống vay 6,5 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 690 tấn thép cuộn.

Ngoài ra, Long chỉ đạo các công ty thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar lập hồ sơ mua bán hàng hóa khống, không có tài sản thế chấp để vay của chi nhánh ngân hàng này với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng rồi chiếm đoạt, sử dụng và trả nợ cho các khoản vay từ trước của các công ty thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar. Lê Quỳnh Anh đã thực hiện hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng mua bán 407 tấn thép cuộn, tạo điều kiện cho các bị cáo khác lập hồ sơ tín dụng khống để chiếm đoạt 3,9 tỷ đồng của chi nhánh ngân hàng này.

Lê Quỳnh Anh còn có hành vi ký hợp đồng mua bán hóa đơn khống với số lượng là 737 tấn thép cuộn nhằm lập hồ sơ tín dụng khống chiếm đoạt 7 tỷ đồng của chi nhánh ngân hàng này.

Câu kết lập dự án nhà chia lô trên giấy để chiếm đoạt 29 tỷ đồng

Nguyễn Văn Hiếu (54 tuổi) là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nhật Minh và Nguyễn Thế Hùng (41 tuổi) là Giám đốc Công ty cổ phần Cầu Vàng đã câu kết để chiếm đoạt hơn 29 tỷ đồng từ việc góp vốn mua nhà.

Theo cáo trạng, do “kiếm” được một số văn bản của cơ quan chức năng của TP Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về lập dự án, Hiếu và Hùng đã tự lập dự án nhà chia lô tại khu vực xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội rồi rao bán cho khách hàng. Hùng tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án khu nhà ở tại thôn Hoàng Bốn nằm trên trục nối liền với Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm.

Để chứng minh Công ty cổ phần Cầu Vàng là chủ dự án này, Hùng đưa ra hai văn bản của cơ quan Nhà nước, thực chất đây chỉ là những văn bản có nội dung hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các trình tự, thủ tục về lập dự án, hướng dẫn theo quy định.

Văn bản nêu rõ: "Nghiêm cấm sử dụng văn bản này để huy động vốn không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức". Khi đưa những văn bản này cho khách hàng, Hùng giải thích rằng dự án nhà ở của Công ty cổ phần Cầu Vàng đã được cơ quan chức năng đồng ý, chỉ đợi văn bản chấp thuận chính thức. Những bản vẽ nhà chia lô do Hùng đưa ra rất hấp dẫn nên nhiều người tin tưởng đồng ý mua với hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư kinh doanh. Hùng cam kết với khách hàng sẽ bàn giao các lô đất cùng giấy chuyển quyền sử dụng đất cho khách hàng đúng kế hoạch.

Đến hạn, Hùng không thực hiện cam kết và có dấu hiệu trốn tránh trả lại tiền, một số khách hàng đi tìm hiểu mới biết Công ty cổ phần Cầu Vàng không phải là chủ đầu tư dự án khu nhà ở tại thôn Hoàng Bốn nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. HĐXX khẳng định, bằng thủ đoạn gian dối, Hiếu và Hùng đã thu để chiếm đoạt của 18 người với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Nguyễn Hưng
.
.
.