Thông tin thêm vụ Giám đốc tự phong, ghép ảnh với lãnh đạo để lừa đảo dự án

Thứ Tư, 16/09/2015, 09:01
Đến ngày 15/9, được biết cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình đã báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an về kết quả điều tra ban đầu vụ Nguyễn Văn Am, 50 tuổi, trú tại Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tự phong là Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Việt Nam - Cuba (Tập đoàn VIS) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, cơ quan An ninh điều tra tỉnh Quảng Bình đã bắt tạm giam, khám xét đối với Nguyễn Văn Am, đồng thời thực hiện lệnh khám xét đối 4 đối tượng liên quan là Kim Thị Minh Nhuận, 35 tuổi, trú tại Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội; Phạm Uông, 53 tuổi, trú tại Nhật Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; Lê Trung Cường, 47 tuổi, trú tại Đông Vệ, TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá và Nguyễn Văn Vinh, 57 tuổi, trú tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Lợi dụng chủ trương xây dựng nông thôn mới và tâm lý các địa phương muốn có nguồn vốn để triển khai, từ đầu năm 2013, Nguyễn Văn Am đã tự xưng là Chủ tịch Tập đoàn VIS, có trách nhiệm kiểm tra các trang trại chăn nuôi, các công trình xây dựng như đường liên thôn, trường mầm non, trạm y tế, kênh mương, nhà văn hoá... Không những vậy, đi đến đâu, Nguyễn Văn Am cũng khoe có quan hệ thân thiết với nhiều cán bộ cấp cao để lấy lòng tin của các địa phương và doanh nghiệp.

Theo đó, Nguyễn Văn Am và đồng phạm đã gợi ý các công ty, doanh nghiệp quảng bá, tuyên truyền trên truyền hình để được thi công các công trình ở các xã với chi phí 5 triệu đồng/hạng mục công trình. Sau đó, Am chỉ đạo nhóm đối tượng nêu trên tạo dựng các hợp đồng giả để đến nhiều địa phương tuyên truyền là Tập đoàn VIS được giao quản lý và phân bổ nguồn vốn phi Chính phủ để hỗ trợ cho việc xây dựng nông thôn mới.

Theo tài liệu cơ quan điều tra thu thập được, tính thời điểm bị phát hiện, Nguyễn Văn Am và đồng phạm đã đến 341 xã thuộc 32 tỉnh, thành phố để tiếp nhận hồ sơ xin Tập đoàn VIS hỗ trợ nguồn vốn cho đầu tư xây dựng nông thôn mới; có 90 công ty đã gửi hồ sơ năng lực xin thi công các công trình do Am vẽ ra. Bằng thủ đoạn nêu trên, Am đã chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của các bị hại. Riêng tại tỉnh Quảng Bình có 9 xã, 1 bệnh viện, 1 chùa đã nộp hồ sơ và 160 triệu đồng cho Am.

Kết quả khám xét, cơ quan Công an đã thu giữ nhiều tang vật của 5 đối tượng, trong đó thu của Am 56 bộ hồ sơ của 56 xã thuộc 41 huyện, 22 tỉnh thành phố xin hỗ trợ nguồn vốn; 67 hồ sơ năng lực của 67 công ty; 239 triệu đồng; 1 mũ kê-pi cảnh sát cấp uý, 1 roi điện, 1 thẻ phóng viên Ban Thời sự VTV... Đáng chú ý, cơ quan Công an còn thu giữ một số bức ảnh mà Am ghép ảnh mình với các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, cơ quan Công an còn thu giữ của 4 đối tượng còn lại 317 hồ sơ và đơn gửi đến Tập đoàn VIS thuộc 145 huyện ở 56 tỉnh, thành.

Đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đơn vị, địa phương, không những gây thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Nhà nước, gây dư luận xấu trong dư luận. Vì vậy, cơ quan tố tụng Trung ương chỉ đạo, phải điều tra triệt để, sớm đưa ra xử lý trước pháp luật.

Đào Minh Khoa
.
.
.