Thiệt đơn, thiệt kép khi sử dụng phần mềm lậu

Thứ Năm, 04/06/2015, 10:22
Chỉ trong vòng 1 tháng, từ ngày 31/3 đến hết tháng 4/2015, các lực lượng chức năng do Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đã triển khai 8 cuộc thanh tra đối với các doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm không bản quyền, phát hiện các phần mềm “lậu” trị giá hơn 13,5 tỷ đồng.

Đây cũng là đợt thanh tra phát hiện số lượng phần mềm “lậu” khủng nhất từ trước đến nay. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, mặc dù Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc đưa tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính từ 92% năm 2004 về mức 81% năm 2013. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một tỷ lệ cao so với mức trung bình của thế giới.

Theo kết quả điều tra của BSA thực hiện năm 2014 tại 81 quốc gia trên thế giới, mất an ninh mạng có mối liên hệ chặt chẽ với việc sử dụng phần mềm không có giấy phép. Việt Nam hiện vẫn là một trong những tâm điểm của tấn công mạng. Năm 2014, trong vòng 1 tuần từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, các cơ quan chức năng đã ghi nhận 745 vụ tấn công mạng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và tổ chức. Lý do chính khiến người sử dụng máy tính trên thế giới không sử dụng phần mềm không có giấy phép, là để tránh những nguy cơ đe dọa do mã độc...

“Sử dụng phần mềm không có giấy phép là một vấn đề trong quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc áp dụng những chương trình quản lý phần mềm đã được quốc tế công nhận bởi lẽ những chương trình quản lý phần mềm sẽ mang đến cho doanh nghiệp những giá trị đáng kể bằng cách đảm bảo sự kiểm soát đầy đủ những gì được cài đặt trên hệ thống.

Điều này sẽ giúp các tổ chức tránh được những rủi ro về an ninh và tác nghiệp” - ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình  tuân thủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Liên minh phần mềm BSA) cho biết.

Huyền Thanh
.
.
.