Thi hành án dân sự các vụ “đại án": Tránh vết xe đổ của Vinashin

Thứ Bảy, 12/04/2014, 14:44
"Đại án" bầu Kiên tại Ngân hàng ACB ngày 17/4 sẽ ra trước công đường, vụ Vinalines sắp xét xử phúc thẩm… đang khiến dư luận chú ý đến số tiền hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mà các bị cáo làm thất thoát sẽ được thu hồi như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà người dân, báo giới lại quan tâm đặc biệt đến phần dân sự trong các vụ “đại án" này. Bởi bài học từ việc hầu như không thu hồi được 1.200 tỷ đồng thất thoát trong vụ Vinashin đang còn nóng hổi.

Trong buổi họp báo ngày 7/4, ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng - Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, trong quý I/2014, đã thụ lý 466.234 vụ thi hành án dân sự (THADS). Kết quả phân loại cho thấy, số vụ có điều kiện để giải quyết là 338.656 vụ, chiếm 72,62% trong tổng số vụ thụ lý. Cũng trong thời gian này, tổng số tiền thụ lý trong lĩnh vực THADS là 68.420 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ các vụ THADS được giải quyết đều tăng.

Tại buổi họp này, vấn đề chưa thể thu hồi số tiền 1.200 tỷ đồng THADS trong vụ Vinashin lại được báo giới nêu ra. Ông Lê Xuân Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS cho biết, số tiền THADS trong vụ này rất lớn, liên quan đến nhiều doanh nghiệp song người phải thi hành án lại được xác định không có tài sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp được bồi thường lại chưa yêu cầu thi hành án. Để thúc đẩy quá trình thi hành án, Bộ Tư pháp đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải - cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp này đề nghị các doanh nghiệp viết đơn yêu cầu thi hành án.

Không phải ngẫu nhiên trong cuộc họp báo vừa qua, phóng viên các cơ quan thông tấn lại quan tâm đến việc THADS trong vụ Vinashin. Theo thông báo của TAND TP Hà Nội, ngày 17/4 sẽ xét xử vụ án bầu Kiên tại Ngân hàng ACB và sắp tới là xử phúc thẩm vụ Vinalines. Nhìn lại quá trình THADS số tiền 1.200 tỷ đồng mà Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin cùng đồng bọn làm thất thoát của Nhà nước đã được Toà án yêu cầu phải bồi hoàn cho 6 doanh nghiệp (5/6 là doanh nghiệp Nhà nước), dư luận lo ngại nếu không có biện pháp căn cơ, việc bồi thường trách nhiệm dân sự trong các vụ “đại án" khác cũng dễ rơi vào tình trạng này. Khi đó, số tiền thất thoát của Nhà nước dẫu được các cơ quan tố tụng xác định hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lại không thể thu hồi. Kẻ phạm tội sau khi thi hành hình phạt giam giữ (trách nhiệm hình sự) coi như… hoà cả làng.

Dương Chí Dũng và đồng bọn trong phiên xử sơ thẩm.

Tìm hiểu từ Tổng cục THADS, chúng tôi được biết, một trong những lý do số tiền 1.200 tỷ đồng mà Phạm Thanh Bình và đồng bọn phải đền bù cho Nhà nước chưa thể thu hồi được là, cơ quan thi hành án đã xác định, các đối tượng này không có đủ tiền để đền bù. Ví như Phạm Thanh Bình, người bị Toà án tuyên phạt 20 năm tù giam và phải bồi thường dân sự 500 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp được cơ quan thi hành án xác định, ông này chỉ có tài sản là căn nhà chung cư đứng tên cùng vợ ở Khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính (Hà Nội). Giá trị căn hộ chung cư này nếu so với số tiền ông ta phải bồi thường 500 tỷ đồng là quá ít ỏi. Ngoài ra, một số doanh nghiệp được Phạm Thanh Bình phải bồi thường số tiền thiệt hại lại không có "nhu cầu" yêu cầu thi hành án (theo Luật THADS, cá nhân, tổ chức được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan chức năng mới có căn cứ để thực hiện việc thi hành án). Như vậy, trong vụ “đại án" Vinashin, số tiền thất thoát là 1.200 tỷ đồng đã được xác định nhưng việc để các cá nhân gây nên tội phải đền bù lại chưa thể thực hiện. Những con số thiệt hại chỉ có giá trị trên giấy là vì thế.

Một cán bộ thi hành án cho chúng tôi biết, giá như trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành phong tỏa tài sản của các đối tượng liên quan thì việc THADS sẽ khả quan hơn. Ở vụ Vinalines, khi tiến hành điều tra, tài sản của Dương Chí Dũng là 1 căn nhà ở phố Nguyên Hồng và 2 căn hộ đã bị phong toả. Trong phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng bị tuyên phạt mức tử hình về hai tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Về trách nhiệm dân sự, toà tuyên bị cáo này ngoài việc trả lại số tiền 10 tỷ đồng tham ô còn bồi thường thiệt hại 100 tỷ đồng cho Vinalines; Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines ngoài hình phạt 22 năm tù giam phải bồi thường cho Vinalines 46 tỷ đồng; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines bị phạt 19 năm tù giam và bồi thường cho Vinalines 39 tỷ đồng… Tới đây, vụ án sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm và không lâu sau có hiệu lực thi hành, không biết rồi việc thu hồi số tiền mấy trăm tỷ đồng thiệt hại mà các bị cáo phải trả cho Nhà nước sẽ ra sao đây? Liệu rồi, việc THADS trong vụ “đại án" này có giẫm vào vết xe đổ của vụ Vinashin hay không? Tuy nhiên, việc cơ quan tố tụng phong toả tài sản các bị cáo phần nào giúp việc bồi thường trách nhiệm dân sự của họ có cơ sở để thực hiện.

Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên xét xử sơ thẩm.

Trong vụ “đại án" Huỳnh Thị Huyền Như, Toà án cũng xác định bị cáo này gây thiệt hại cho 15 đơn vị là ngân hàng, cá nhân số tiền 4.000 tỷ đồng. Để thu hồi được số tiền mà bị cáo này gây thất thoát là cả vấn đề. Còn trong vụ bầu Kiên tại Ngân hàng ACB dự kiến sẽ đưa ra xét xử ngày 17/4 tới đây, cơ quan điều tra đã xác định ông này và những người liên quan đã làm thất thoát 1.695,5 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi làm gì để việc THADS trong vụ bầu Kiên không rơi vào tình trạng giống Vinashin, ông Lê Xuân Hồng cho rằng, cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm tạo điều kiện để các đối tượng thực hiện trách nhiệm dân sự. Còn về lâu dài, khi sửa đổi Luật THADS phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Một trong những việc làm tích cực mà toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện là chống tham nhũng. Việc điều tra, xét xử hàng loạt vụ “đại án" với số tiền hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian qua là một minh chứng. Khi ra trước vành móng ngựa, các bị cáo không chỉ nhận hình phạt giam giữ mà còn phải chịu trách nhiệm bồi hoàn dân sự về số tiền thất thoát mà mình gây ra. Vấn đề đặt ra là, bên cạnh việc để kẻ có tội phải chịu tội như quy định trong Bộ luật Hình sự, việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ cũng phải được thực hiện nghiêm túc. Để thu hồi được số tiền nhiều tỷ đồng mà các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện việc phong toả tài sản, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời… Có như vậy, cơ quan THADS mới có điều kiện để thi hành án.

- Dự thảo Luật THADS bổ sung quy định theo hướng, ngoài các khoản tiền phải thi hành theo bản án, quyết định của Toà án, cứ mỗi ngày chậm thi hành, người phải thi hành án phải nộp ngân sách Nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa theo hành án theo bản án.

- Dự thảo Luật THADS sửa đổi theo hướng, trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án thuộc về chấp hành viên, đồng thời bổ sung quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh. Người được thi hành án cũng có quyền xác minh điều kiện thi hành án.

(Theo Bộ Tư pháp)

Cao Hồng
.
.
.