Hội thảo "Tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt":

Thận trọng để không bị những kẻ mạo danh ngoại cảm trục lợi

Thứ Năm, 07/11/2013, 11:39
Những ngày qua, sau khi cơ quan điều tra khởi tố một số kẻ mạo danh ngoại cảm để lừa đảo thì dư luận càng quan tâm đến vấn đề ngoại cảm tìm mộ. Càng bức xúc bao nhiêu về hành vi táng tận lương tâm làm tiền trên nỗi đau của bao gia đình; dư luận càng quan tâm đến tính xác thực của hoạt động ngoại cảm tìm mộ. Trong bối cảnh đó, sáng 6/11 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, Liên hiệp UIA và Báo Khoa học & Đời sống đã tổ chức hội thảo về việc "Tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Phùng Chí Kiên".

Nhà ngoại cảm giỏi nhất cũng không thể đúng 100%

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, đây là lần đầu tiên có một hội thảo trên quy mô lớn thu hút sự quan tâm của dư luận, với sự hiện diện của đông đảo các nhà khoa học, sử học, đại diện Viện Pháp y Quân đội, một số nhà khoa học từng công tác tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và nhiều nhà ngoại cảm.

TS Quyên khẳng định: Một trong những phương pháp mà nhiều người đã sử dụng và có những kết quả ngoài sức tưởng tượng, đó là phương pháp dùng khả năng đặc biệt để tìm hài cốt liệt sĩ… Chúng ta đã có thực chứng của trên 20 năm ứng dụng phương pháp này và đã có những xác minh bằng khoa học hiện đại. Chúng ta nên bình tâm lại, ngồi cùng nhau thảo luận, cùng nhau đánh giá, rút ra được những cái được và chưa được để có thể đóng góp nhiều nhất cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…

TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) cho biết: "Qua kinh nghiệm hơn 20 năm, không thể phủ nhận, có những nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt nhưng số nhà ngoại cảm rởm cũng không ít. Có tới 90% nhà ngoại cảm tìm đến UIA để khảo nghiệm đều là giả. Còn ở địa phương thì 100% nhà ngoại cảm đều là rởm. Vì họ không được cộng tác ở UIA thì mới về địa phương và thực hiện ý đồ không lành mạnh".

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng thư kí Hiệp hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: 100 nhà ngoại cảm, tôi tin được 8 người, nhưng tôi tin khả năng ngoại cảm là có thật. Tôi quen chị Thiêm (nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm - PV), chị được đưa sang Nhật, bịt mắt lại vẫn có thể nhìn được, làm được mọi thứ. Đó là chuyện có thật, khoa học chưa giải thích được. Người Việt rất tin vào tâm linh nên nhiều đối tượng xấu lợi dụng điều này để kiếm tiền, mỗi vụ tìm mộ mấy chục triệu trong khi lương nhà khoa học chỉ mấy triệu. Muốn tìm mộ bằng ngoại cảm cũng phải lựa chọn nhà ngoại cảm. Như trường hợp đối tượng Nguyễn Thanh Thúy vừa bị bắt, tại sao người dân lại có thể chọn một kẻ đã từng vào tù, buôn bán xương trâu, xương bò?  Tại sao lại thu tới 75 triệu đồng/mộ?

PGS Cường cũng cho rằng, nhà ngoại cảm giỏi nhất cũng không thể đúng 100%, nhiều lắm chỉ đúng 60-70%. Do vậy, ngoại cảm phải kết hợp với khoa học để kiểm chứng độ chính xác, cách tốt nhất là giám định AND. "Tôi có 48 năm nghiên cứu về di cốt người. Sọ người có thể vỡ thành trăm mảnh nhưng khi cầm mảnh sọ lên, tôi biết nó nằm ở vị trí nào trên đầu. Răng hươu, nai, lợn… cũng hoàn toàn khác răng người. Nếu có di cốt nào nghi ngờ giả mạo, chúng tôi có thể tham gia giám định" - PGS Cường cho biết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cũng cho rằng, vụ Nguyễn Thanh Thúy bị bắt vì làm giả hài cốt liệt sĩ trục lợi, cũng là dịp sàng lọc để tìm ra các nhà ngoại cảm chân chính. 

Cần thiết phải giám định AND

Giám định kỹ thuật hình sự có thể hỗ trợ rất nhiều cho việc xác định sự thật trong việc tìm mộ, xác định danh tính của liệt sĩ, hoàn cảnh hi sinh, chôn cất… thông qua việc giám định các di vật thu được trong quá trình khai quật hài cốt. Giám định kĩ thuật hình sự cũng là biện pháp khoa học hữu hiệu nhất để phát hiện các di vật giả do các nhà ngoại cảm rởm tạo ra nhằm đánh lừa thân nhân liệt sĩ. Đối với các bộ hài cốt đầy đủ (còn nguyên hộp sọ) thì có thể tiến hành giám định gen. Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Tiến Quý - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết, trong nhiều trường hợp không thể tiến hành giám định gen hoặc kết quả giám định khó chính xác tuyệt đối.

"Cơ thể người sau khi chết sẽ nhanh chóng biến đổi về cấu trúc gen. Thời gian sau chết càng lâu thì gen trong thi thể càng biến tính và mai một nhiều. Trong giám định hài cốt liệt sĩ thì mẫu thu từ hài cốt để giám định là răng hàm (từ 1-2 chiếc), mảnh xương bả vai, đùi, cánh tay (mảnh khoảng 3cm2), chưa mủn, còn cứng… Khả năng giám định phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời gian chôn cất (càng lâu càng khó làm), nơi chôn cất (chất đất, hóa chất, siêu vi trùng…), thể trạng người khi chết… Hài cốt đã mủn, mục, đã hóa thì không thể giám định gen".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cũng cho rằng, nếu quy định phải giám định gen mới công nhận là liệt sĩ thì trong nhiều trường hợp cũng không khả thi. "Có nhiều trường hợp hy sinh ở Tây Nguyên, hài cốt sau mấy chục năm đã rã nát, không thể giám định. Hơn thế, chi phí giám định còn cao, trong khi văn hóa tín ngưỡng dân gian luôn muốn giữ hài cốt nguyên vẹn" - ông Hải nói.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường: Tôi tin phần mẫu tìm được là thủ cấp của liệt sỹ Phùng Chí Kiên

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, người đã có 48 năm nghiên cứu về khảo cổ học khẳng định: "Những hình ảnh chụp phần hiện vật khi khai quật được cho là thủ cấp của liệt sỹ Phùng Chí Kiên chính xác sọ người đã hóa. Nhìn ảnh thấy rõ được phần sọ, phần hàm trên, gò má, hai hốc mắt. Về mặt khoa học, tôi dựa vào ảnh này, tôi tin đây là hộp sọ của đồng chí Phùng Chí Kiên. Nhiều năm nghiên cứu khảo cổ, tôi nhớ lần khai quật ở Đông Sơn, đào được 300 - 400 ngôi mộ, rõ ràng là xương người, nhưng khi chạm vào cái là mủn ngay như là tro".

Phan Thị Bích Hằng: Đôi lúc tôi thấy mình không còn nhuệ khí nữa

Tôi đã gặp rất nhiều áp lực trong những ngày qua. Tháng 3/2008, tôi được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nhờ tìm phần thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Từ trước, tôi thường đi tìm các hài cốt nguyên vẹn, có 2 lần tìm thủ cấp các liệt sĩ thành công. Liệt sĩ Phùng Chí Kiên hy sinh từ năm 1941, đến thời điểm tôi đi tìm là 68 năm, không ai biết thủ cấp được chôn ở tọa độ nào, chỉ biết ở vùng Ngân Sơn (Bắc Cạn). Tôi không có bất kì tư liệu nào trong tay, cũng chưa được tiếp xúc với người nhà liệt sĩ.

Ngày 7/5/2008, tôi lên Bắc Cạn cùng đoàn, sau rất nhiều cuộc khảo sát, đối chứng các dữ kiện, chúng tôi đã tìm được phần thủ cấp của liệt sĩ chôn tại Tiểu khu 1, xã Vân  Tùng, huyện Ngân sơn. Chiều 8/5/2008, tôi nhận được tin đã đưa phần hài cốt liệt sĩ về nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Tuy nhiên, sau đó có thông tin giám định gen cho thấy phần thủ cấp tìm thấy không phải của người… Tôi rất bất ngờ khi cầm trên tay tờ báo nói tôi lừa đảo. Tôi rất đau đớn. Không ai hiểu được cuộc sống của tôi trong những ngày gần đây.

Duy Hiển - Khánh Vy
.
.
.