Tham miếng “pho mát miễn phí”, mất 20 tỷ đồng

Thứ Bảy, 24/12/2016, 09:42
Bằng cách làm quen trên mạng rồi tặng quà, Micheal IkeChukwu Leonard (quốc tịch Nigeria) cầm đầu băng nhóm đã chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của nhiều phụ nữ cả tin ở Việt Nam.


Ngày 23-12, cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết, liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet xuyên quốc gia do Micheal IkeChukwu Leonard (gọi tắt là Micheal, 44 tuổi, quốc tịch Nigeria) cầm đầu, đến nay qua điều tra đã xác định có 256 nạn nhân tại 49 tỉnh, thành trên cả nước bị chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng. 

Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Micheal, Huỳnh Hạ Bình (26 tuổi), Huỳnh Hạ Uyển (24 tuổi, em ruột Bình) và Nguyễn Trần Quỳnh Nhi (25 tuổi, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh). Qua vụ việc này, câu ngạn ngữ “miếng pho mát không mất tiền chỉ có trong chiếc bẫy chuột” càng thấm thía với mọi người.

Theo cơ quan điều tra, Micheal cùng với một nhóm khoảng 7 nghi can (hiện đang sống tại Campuchia), có cùng quốc tịch Nigeria thường xuyên lên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook) và tạo vỏ bọc là doanh nhân thành đạt để làm quen phụ nữ. Nhóm này sau khi tiếp cận, tạo lòng tin với nạn nhân liền giở trò lừa đảo bằng cách tặng thùng quà có nhiều tài sản (trị giá khoảng 100 triệu đồng) hoặc “tẩy USD bị nhuộm đen”. 

Sau khi thu thập thông tin nạn nhân, những người này chuyển cho Micheal (hoặc do trực tiếp Micheal thực hiện) cùng với Bình, Uyển và Nhi tiếp tục thực hiện lừa đảo (đóng vai là nhân viên hãng vận chuyển hàng hóa quốc tế hoặc nhân viên hải quan) thông báo cho bị hại làm thủ tục nhận quà. 

Bọn chúng phân vai liên lạc, yêu cầu nạn nhân đóng “thuế Hải quan” để nhận quà và thường đưa ra số tiền từ 600 đến 1.200 USD. Nạn nhân đồng ý chuyển tiền, bọn chúng liên lạc cho biết đã đóng thuế xong nhưng khi chuyển thùng hàng ra khỏi kho thì Hải quan phát hiện bên trong có cất giấu lượng lớn USD nên phải chuyển thêm 5.000 USD. 

Các nạn nhân lỡ chuyển tiền phải chuyển tiếp mới mong được nhận quà. Số tiền bị hại chuyển tiền vào tài khoản, chúng nhanh chóng rút hết thông qua thẻ ATM ở Campuchia.

Chị Nguyễn Thị T. (48 tuổi), là giáo viên độc thân sống tại Cần Thơ bị nhóm này lừa 30.000 USD. Micheal chủ động kết bạn với chị T. và giới thiệu là trung tướng, phó tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ (?) và đang độc thân. Micheal cho biết, sau khi rời “quân ngũ” sẽ sang châu Á làm ăn vì được thừa hưởng số tiền vài triệu USD từ gia đình. 

Những lần trò chuyện, Micheal hứa sẽ sang Việt Nam thăm chị và tìm phụ nữ kết hôn. Người này gửi qua email cho chị bản chứng thư bảo lãnh gần 5 triệu USD của ngân hàng Anh quốc. 

Các đối tượng bị bắt giữ.

Khoảng 2 tháng sau, chị T. bất ngờ nhận được điện thoại của một nhân viên công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế. Qua điện thoại, chị được thông báo có người gửi tặng thùng quà từ Hoa Kỳ và yêu cầu liên hệ với Hải quan sân bay Nội Bài nộp thuế.

Gia đình không có người thân ở nước ngoài nên chị T. không liên hệ với hải quan. Vài ngày sau, Micheal gọi điện cho biết là có gửi tặng thùng quà từ Mỹ sang. Do Micheal đang có “công tác đột xuất” tại chiến trường Syria nên mấy ngày qua không có thời gian liên lạc. 

Hiện thùng quà đã được chuyển sang nước thứ ba (Campuchia) để trả ngược về Mỹ vì không có người nhận. Chị T. nửa tin nửa ngờ. Tối hôm đó, Micheal tiếp tục thông báo thùng quà đã được giao cho một “trợ lý”, vì bên trong có 1 triệu USD. Nếu bị gửi trả về Mỹ, nhân viên hải quan phát hiện thì Micheal sẽ bị truy tố. Tin tưởng, chị T. liên lạc với “trợ lý” (sau này xác định do Micheal đóng vai) thì được yêu cầu phải mang theo 30.000 USD. Chị T. gom góp được 15.000 USD và sang Campuchia.

Tại đây, Micheal đưa chị vào một khách sạn và mở thùng quà ra cho xem. Chị T. vẫn không biết người “trợ lý” là do chính Micheal thủ vai. Khi mở thùng quà, chị thấy bên trong có nhiều mỹ phẩm, điện thoại iPhone, iPad, quần jean, áo khoác… cùng xấp giấy màu đen cất lẫn trong áo. Người “trợ lý” cho biết, đây là 1 triệu USD mà Michael gửi nhờ chị cất giữ nhưng tránh bị phát hiện nên “nhuộm đen” và cần có 30.000 USD mua hóa chất để tẩy. 

Để tạo lòng tin, Micheal lấy xấp 10 tờ giấy đen cho nạn nhân xem rồi đem vô phòng nhúng hóa chất. Ít phút sau, Micheal mang ra 10 tờ 100 USD đưa chị T. cất giữ. 

Lúc này, nạn nhân hoàn toàn tin tưởng lời của Micheal là thật nên giao số tiền 15.000 USD nhờ mua hóa chất, số còn lại chị quay về Việt Nam vay mượn và chuyển qua tài khoản. Sau khi chuyển tiếp 15.000 USD, toàn bộ số điện thoại liên lạc, nickname của Micheal đều ngoài vùng phủ sóng nên nạn nhân đến cơ quan điều tra trình báo.

Quá trình điều tra, cuối tháng 3-2016, Công an TP Cần Thơ phối hợp với các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an bắt giữ Micheal và Bình tại TP Hồ Chí Minh khi cả hai nhập cảnh vào Việt Nam. Uyển bị bắt tại chung cư Khang Nam (Bình Chánh), Nhi tại nhà trong hẻm trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP Hồ Chí Minh). 

Các nghi phạm thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bình có vai trò giúp sức tích cực và chung sống như vợ chồng với Micheal. Không chỉ nạn nhân là người Việt Nam, băng nhóm của Micheal đã thực hiện hàng chục vụ tại Campuchia, Philippines, Malaysia…

Theo cơ quan điều tra, sở dĩ các nghi phạm lừa đảo được hàng loạt nạn nhân là đánh trúng vào tâm lý lòng tham, người ít thì cũng vài trăm USD, người nhiều cả ngàn hoặc vài chục ngàn USD. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai… Riêng Cần Thơ có 7 bị hại. Số nạn nhân bị bọn chúng lừa lấy số tiền từ 600 đến 1.200 USD là nhiều nhất. 

Văn Vĩnh
.
.
.