Tăng hình phạt cho kẻ chiếm đoạt tiền tiết kiệm của người khác

Thứ Ba, 09/08/2016, 14:33
Ngày 9- 8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở địa bàn huyện Thạch Thất. Bị cáo Nguyễn Thị Nhất (tức “Thanh”), 30 tuổi, trú tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất. Bị hại là bà Lê Thị Cẩm (84 tuổi, trú tại xã Hạ Bằng), là bà ngoại của Nhất.


Phiên tòa phúc thẩm được mở theo kháng nghị của Viện KSND huyện Thạch Thất và kháng cáo của bị cáo Nhất.

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Thạch Thất, bà Cẩm có một sổ tiết kiệm với số tiền 666 triệu đồng gửi tại chi nhánh một ngân hàng ở huyện Thạch Thất. Do già yếu và không biết chữ nên bà Cẩm nhiều lần nhờ Nhất đưa đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền dưỡng già.

Bị cáo Nhất.

Lợi dụng sự tin tưởng của bà ngoại, Nhất tự ý kê khai vào chứng từ làm thủ tục rút số tiền cao hơn số tiền bà nhờ để chiếm đoạt tiền chênh lệch. Từ tháng 12- 2013 đến tháng 7- 2014, Nhất đã đưa bà ngoại đến ngân hàng và làm thủ tục 13 lần để rút tổng số tiền 416 triệu đồng, nhưng Nhất chỉ đưa cho bà 91 triệu đồng. Số tiền còn lại Nhất giữ lại để chiếm đoạt.

Sau khi bị bà Cẩm phát hiện ra hành vi phạm tội, Nhất bỏ trốn cho đến tháng 12- 2014 thì bị bắt giữ. TAND huyện Thạch Thất đã tuyên phạt bị cáo Nhất 5 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau phiên tòa sơ thẩm, Viện KSND huyện Thạch Thất kháng nghị theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo. Còn bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nhất thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX phúc thẩm xác định, nguyên nhân xảy ra vụ án này có lỗi của cán bộ ngân hàng trực tiếp thực hiện giao dịch rút tiền. Lẽ ra, nhân viên ngân hàng phải thông báo cho bà Cẩm số tiền mà bị cáo Nhất ghi ra giấy yêu cầu rút để bà Cẩm đồng ý hoặc không đồng ý thì nhân viên ngân hàng mới được thực hiện. Nhưng nhân viên ngân hàng vì tin tưởng Nhất là cháu ruột bà Cẩm nên không hỏi lại chủ sổ tiết kiệm. Sơ suất này là điều kiện để cho Nhất dễ dàng thực hiện tội phạm mà không bị phát hiện.

Tuy nhiên qua trình điều tra, cơ quan điều tra xét thấy lỗi của nhân viên ngân hàng là vô ý, không vì mục đích vụ lợi, không có dấu hiệu bàn bạc nên không đề nghị xử lý hình sự. HĐXX phúc thẩm nhận định, bị cáo Nhất thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần đều với mục đích chiếm đoạt tài sản. Khi bị phát hiện, bị cáo không có ý thức khắc phục hậu quả để sửa chữa sai lầm mà lại bỏ trốn khỏi địa phương, gây khó khăn cho công tác điều tra là cố ý trốn tránh bị pháp luật xử lý.

HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nhất 5 năm tù là chưa phù hợp, không đủ sức giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Với phán quyết trên, HĐXX phúc thẩm đã quyết định tăng hình phạt đối với bị cáo Nhất từ 5 năm tù lên 7 năm 6 tháng tù.

Nguyễn Hưng
.
.
.