Tán gia bại sản vì “tín dụng đen”
- Chủ động tấn công tội phạm hình sự và "tín dụng đen"
- Phá băng nhóm cho hàng trăm người dân vay “tín dụng đen”
- Truy quét mạnh tội phạm “tín dụng đen”
Cũng trong thời điểm này nhiều người cần vốn xoay tua buôn bán hàng Tết, không có tiền mua hàng đành nhắm mắt vay mượn để kịp gom hàng khiến tình trạng vay nóng, vay tín chấp ngày càng tăng. Có nhiều nạn nhân đau đớn phải bỏ nhà trốn nợ và mất luôn Tết…
Sáng 2-1, anh N.H.H (SN 1977, ngụ quận 8) tìm đến quán phở Hàng Lược (đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 3) với biểu hiện lén lút nên tổ công tác thuộc Công an quận 3 đã mời anh H. về trụ sở làm việc. Tại đây anh H. cho biết đang tìm đến quán phở để đóng tiền góp cho Đào Tuấn Huy (SN 1986, quê Hà Nội, tạm trú quận 3).
Anh H. cho hay, có mượn Huy 20 triệu đồng, trả góp trong vòng 60 ngày, mỗi ngày 400 ngàn đồng. Khi làm thủ tục vay, anh H. phải ký giấy thiếu nợ Huy 24 triệu đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục, Huy đưa anh H. 19 triệu đồng, số tiền 1 triệu còn lại, Huy nói đó là “phí dịch vụ”.
Nhóm đối tượng cho vay lãi nặng và tang vật. |
Thực chất việc hoạt động “tín dụng đen” của nhóm Huy đã rơi vào tầm ngắm của Công an quận 3, bởi nhóm của Huy từ Hà Nội vào mở quán phở kinh doanh nhưng thực chất là để nhóm Huy tổ chức cho vay lãi nặng. Huy từng có một tiền án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Đứng sau nhóm Huy còn có một đối tượng cộm cán chuyên điều hành nhóm qua điện thoại, không xuất đầu lộ diện.
Sau lời khai của anh H. Công an quận 3 đã bắt giữ Huy cùng Nguyễn Ngọc Giao (SN 1982, quê Phú Thọ), Phạm Thế Anh (SN 1999) và Lê Hồng Việt (SN 1995, cùng quê Hà Nội). Khám xét quán phở của Huy, tổ công tác thu giữ nhiều tài liệu, hợp đồng, giấy nợ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ khẩu mang tên nhiều người, các hộp sơn đỏ, xe gắn máy…
Tại cơ quan điều tra, 3 đối tượng khai mở quán phở để làm bình phong hoạt động cho vay nặng lãi. Hằng ngày các đối tượng này thay phiên nhau đi dán tờ rơi cho vay tiền (từ 1-4 triệu) sẽ không thế chấp, từ 5-10 triệu thì phải đưa CMND và GPLX, từ 15-30 triệu thì phải đưa sổ hộ khẩu cho nhóm Huy giữ. Tùy theo số tiền vay mà mức vay dao động từ 10-20%/tháng.
Nếu người vay trả chậm lãi và gốc nhóm của Huy sẽ tìm đến nhà đe dọa, khủng bố tinh thần bằng tin nhắn và tạt chất bẩn, sơn đỏ vào nhà. Một nạn nhân bị nhóm Huy tạt sơn, khủng bố tinh thần gần đây là bà T.T.H (nhà trên đường Minh Phụng, phường 10, quận 11) khi bà H. vay 30 triệu đồng nhưng góp được vài ngày thì bỏ trốn.
Ba đối tượng khai, toàn bộ tiền vốn cho vay nặng lãi do một đối tượng tên Hoàng Anh (SN 1974, quê Hà Nội, ngụ quận 11) bỏ ra. Tiền lời thu hằng ngày, nhóm Huy chuyển khoản qua cho Hoàng Anh.
Hoàng Anh là đối tượng cộm cán có nhiều tiền án về tội cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản và sử dụng trái phép chất ma túy. Sau khi ra tù năm 2018, Hoàng Anh từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, qui tụ một số thành phần bất hảo lập ra nhóm cho vay nặng lãi. Sau khi 3 đối tượng bị bắt Hoàng Anh đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, chỉ trong vòng 1 năm Hoàng Anh và nhóm của mình đã cho 82 người vay với số lần vay là 160 lần, mỗi lần từ 5-50 triệu đồng, ước tính số tiền cho vay và lãi “cắt cổ” lên đến hàng tỷ đồng. Bước đầu Công an quận 3 tạm giữ 3 đối tượng để điều tra về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đồng thời truy xét Hoàng Anh.
Một trong những nạn nhân phải bán nhà để trả nợ vì vay lãi nặng là chị N.T.P.T (SN 1992, ngụ quận 12). Từ số tiền 60 triệu đồng, qua một năm, số tiền chị T. phải trả khoảng 40 đối tượng cho vay lãi lên đến con số gần 10 tỷ đồng.
Theo đơn trình báo của chị T, khoảng tháng 8-2018, do cần tiền giải quyết công việc chị T. lang thang trên mạng xã hội và đọc được dòng thông tin quảng cáo cho vay không thế chấp nên liên hệ với số điện thoại của một người xưng là Phí Đăng Trường vay 60 triệu đồng.
Hai bên thỏa thuận, mỗi ngày chị T. góp 1,8 triệu (cả vốn lẫn lãi) và góp trong vòng 40 ngày. Trường yêu cầu chị T. viết giấy nhận đặt cọc thuê nhà và đặt cọc mua xe dùm Trường với số tiền tương ứng với số tiền chị T. vay để làm tin. Sau khi viết xong, Trường chỉ giao cho chị T. 50,4 triệu đồng với lý do, 6 triệu tiền phí dịch vụ và 3,6 triệu tiền vốn và lãi 2 ngày.
Sau khi nhận tiền chị T. trả vốn lẫn lãi cho Trường đến ngày thứ 18 thì hết khả năng chi trả. Trong thời gian này chị T. bị trường hối thúc đóng tiền góp. Trong lúc không xoay được tiền thì chị T. nhận được nhiều cuộc điện thoại xưng là bạn của Trường sẽ cho chị T. vay tiếp để trả nợ cho Trường.
Nghĩ mình sẽ xoay tua để trả nợ cho Trường nên chị T. đồng ý. Và chỉ trong vài tháng, chị T. đã trở thành con nợ của 40 đối tượng cho vay trên mạng xã hội chỉ vì mượn của đối tượng này trả cho đối tượng kia, số tiền ban đầu từ 60 triệu lên đến gần 7 tỷ đồng. Trước sức ép của các đối tượng cho vay, gia đình chị T. phải bán nhà trả nợ.
Đây chỉ là một trong những nạn nhân “dính” vào nạn cho vay lãi nặng trên mạng xã hội, bị rơi vào bẫy của các đối tượng.
Theo một cán bộ điều tra Công an quận 3, những ngày giáp Tết, nhu cầu cần tiền để xoay xở làm ăn của nhiều người tăng cao, tuy nhiên người dân cần cảnh giác để không phải tán gia bại sản khi vay lãi nặng trên mạng xã hội hay các nhóm cho vay tín chấp.
Công an quận 3 khuyến cáo người dân cẩn trọng trước khi ra quyết định vay tiền của các nhóm cho vay nặng lãi, vay tín chấp hoặc vay qua các app trên mạng xã hội để tránh phải rơi vào bẫy của các đối tượng.