Sự chuyển hướng đáng ngại của tội phạm “tín dụng đen”

Thứ Sáu, 26/03/2021, 09:52
Sau một thời gian chính quyền các địa phương ra quân tẩy xóa quảng cáo “cho vay trả góp” trên các cột điện, chân cầu, nhà chờ xe buýt… nay tình trạng này trở lại y như cũ, thậm chí còn “hoành tráng” hơn.

Kẻ cho vay còn có bước tiến mới là cho người rải tờ rơi khắp các ngõ hẻm; tiếp thị ở các quán ăn, quán nhậu… bằng cách cung cấp miễn phí cho chủ quán hộp đựng giấy, khăn lạnh, bao đũa… có in thông tin quảng cáo “cho vay trả góp”. Còn trên mạng internet, quảng cáo cho vay là cả một thế giới thông tin hỗn tạp, thượng vàng hạ cám…

Công an quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) vừa bắt giữ hai băng nhóm cho vay nặng lãi thông qua mạng xã hội với lãi suất lến đến 840%/năm, tức 70%/tháng. Điều này cho thấy vấn nạn cho vay nặng lãi vẫn tiếp tục hoành hành dù lực lượng Công an nhiều lần mở đợt cao điểm tấn công, truy quét.

Tình trạng dán tờ rơi, quảng cáo … “cho vay trả góp” diễn ra nhiều nơi tại TP Hồ Chí Minh.

Nhiều ngày liền chúng tôi rảo quanh qua một số địa bàn ở TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp ghi nhận hầu hết các cột điện, bức tường đều có dán thông tin “cho vay trả góp” khá mới chồng lên vết tẩy xóa cũ. Khu vực càng đông dân cư thì quảng cáo dán càng nhiều, nhất là ở các chợ tự phát, nơi có đông người bán hàng rong. 

“Cột điện trước nhà tôi, mới tẩy xóa hôm nay thì ngày mai đã có người dán mới. Tôi xem lại camera trước nhà thì thấy có hai thanh niên còn khá trẻ thực hiện việc này một cách khá thuần thục vào tầm 3h sáng. Còn tờ rơi rải đầy trong con hẻm lại là hai thanh niên khác. Theo thông tin trên tờ rơi dán ở cột điện và rải xuống đường là hai số điện thoại khác nhau, có thể là hai nhóm cho vay riêng biệt. Nhìn cách chúng dán, rải tờ rơi khá ung dung, thoải mái, chẳng sợ sệt gì.”, Ông Hoàng Hải, ngụ phường Linh Xuân, TP Thủ Đức cho biết.

Các đối tượng “không sợ” là phải vì lâu nay, rất ít khi nghe ai bị xử lý về hành vi này. Cơ quan chức năng địa phương cũng không thể đủ người, đủ điều kiện để mà “canh me” những kẻ thoắt ẩn thoắt hiện và có thể “gây án” bất cứ nơi nào. Nếu bị phát hiện bắt quả tang thì cùng lắm bị xử phạt hành chính vài trăm ngàn, còn người thuê các đối tượng này dán thì chẳng hề hấn gì, tiếp tục đi thuê người dán mới. 

“Đối tượng sử dụng số điện thoại cho vay đều là sim rác và không bao giờ xuất đầu lộ diện. Khi người có nhu cầu vay liên hệ, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp bản photo một số giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy… Sau khi “thẩm tra” và chấp nhận cho vay, các đối tượng sẽ cho đàn em gặp người vay để làm thủ tục và chuyển khoản cho người vay, sau đó, người vay sẽ trả góp qua số tài khoản này. Tài khoản các đối tượng  cũng chẳng phải đứng tên mà thuê mướn người khác mở và đương nhiên các đối tượng dành quyền kiểm soát tài khoản. Tiền người nợ chuyển vào trả góp là các đối tượng nhanh chóng rút sạch qua cây ATM hoặc chuyển cho tài khoản khác”,  một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết.

Chính vì vậy mà để triệt phá một băng nhóm cho vay nặng lãi đòi hỏi lực lượng Công an phải tốn nhiều thời gian, công sức. Đó là kiểu cho vay “tín chấp”, còn vay với số tiền lớn có thế chấp tài sản, các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cho vay nặng lãi thông qua hợp đồng giả cách mua bán tài sản, cho thuê tài sản nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người đi vay không trả được nợ, kẻ cho vay có thể dùng hợp đồng giả cách đó để lấy tài sản, thậm chí kiện ngược lại người vay. Thủ đoạn này là phổ biến nhất hiện nay.

Trong những buổi họp tổ dân phố, khu phố ở các địa phương, do chưa hiểu hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy xét, bắt giữ các băng nhóm cho vay nặng lãi nên nhiều người dân thường đặt câu hỏi: “Tôi thấy kẻ cho vay ghi rõ số điện thoại ở tờ rơi vậy mà sao không ngăn chặn được?”. 

Về việc này, những năm trước đây, trước thực trạng quảng cáo cho vay tràn lan nơi công cộng, trên mạng internet, Bộ Công an giao nhiệm vụ cho Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc chủ động tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các nhà mạng viễn thông phối hợp xác minh, thu hồi, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với những số thuê bao quảng cáo không đúng quy định, không chính chủ (sim rác). Đồng thời tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân các quy định của pháp luật về văn hóa và quảng cáo, tổ chức dọn dẹp, tháo dỡ biển hiệu, băng rôn, tờ rơi… quảng cáo cho vay không đúng quy định. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi quảng cáo trái phép. 

Tuy nhiên, thực tiễn việc xử lý này cũng không thể triệt để và mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì trên thị trường “chợ đen” hiện nay sim rác vẫn còn tràn lan, thậm chí là sim có chủ nhưng chuyện người chủ này bán lại cho người khác sử dụng (trong đó có kẻ cho vay nặng lãi) thì chẳng ai ngăn cấm. Ở nhiều giao lộ trên đường Phạm Văn Đồng qua địa phận TP Thủ Đức và các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, không ít người phát loa rao bán sim điện thoại. Chỉ cần vài chục ngàn là có thể mua được 1 sim mà không phải đưa ra bất cứ giấy tờ gì.

Chính từ những khó khăn đó mà cơ quan Công an luôn khuyến cáo người dân tránh xa “tín dụng đen” để tự bảo vệ mình. Đồng thời mạnh dạn tố cáo hành vi của những kẻ cho vay nặng lãi đến cơ quan Công an. Việc tố cáo “tín dụng đen” cũng giống như tố giác những tội phạm khác, cơ quan Công an luôn đáp ứng yêu cầu giữ bí mật thân phận. Và tùy từng trường hợp cụ thể, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an sẽ có phương án để đảm bảo sự an toàn cho người tố cáo. Vấn đề đáng lo ngại là không ít trường hợp người đi vay có lỗi hoặc sử dụng tiền vay vốn vào mục đích bất chính, vi phạm pháp luật nên họ không muốn tố cáo các đối tượng hoạt động tín dụng đen với cơ quan Công an. 

Đặc biệt hơn, theo ghi nhận của PV Báo CAND, hiện tội phạm “tín dụng đen” đang chuyển nhướng nhắm đến đối tượng vay công tác trong các cơ quan, đơn vị nhà nước mà phần lớn những người vay này sử dụng vào mục đích bất chính như đánh bạc, ghi đề, cá độ đá bóng… với lãi suất phổ biến ở mức 30%/tháng, cá biệt lên đến 90%. Với thành phần này các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất dễ dùng thủ đoạn khống chế, đe dọa bị hại để thu nợ cũng ngăn chặn việc khai báo, tố giác tội phạm.

Một chuyên gia luật khuyến cáo, các cơ quan, đơn vị nhà nước cần rà soát, nắm bắt tình hình để sớm phát hiện cán bộ, công nhân viên của cơ quan mình vướng vào “tín dụng đen” để có giải pháp xử lý phù hợp cũng như ngăn chặn các trường hợp tương tụ có thể xảy ra. Vì nếu không ngăn chặn sự chuyển hướng khá nguy hại này, tội phạm cho vay nặng lãi vẫn mãi là một thách thức.

Mã Hải
.
.
.