Sai phạm hàng loạt, ông Phan Minh Nguyệt vẫn 'qua mặt' nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra
>> 'Điểm' những sai phạm của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội vừa bị bắt
Cùng bị bắt giam còn có bà Nguyễn Thị Huyền Hảo, Kế toán trưởng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội).
Hai người này bị bắt giam về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn để phục vụ cho công tác điều tra...
Sau khi ông Nguyệt và bà Hảo bị bắt giam, chúng tôi đã tìm hiểu về hành vi của hai bị can nêu trên. Cụ thể, năm 2011, ông Nguyệt là Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, đã chỉ đạo Ban lãnh đạo Xí nghiệp Phát triển nông nghiệp sinh thái và Dịch vụ du lịch (Xí nghiệp PTNN sinh thái và DVDL) phá dỡ toàn bộ khu nhà cấp 4 cũ, bao gồm 13 gian nhà kho, xưởng sản xuất trên diện tích đất khoảng 7.800m2, địa chỉ tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (nay là phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), để tổ chức thi công xây dựng 12 gian ki-ốt và 114 gian nhà cấp 4 cho cán bộ, công nhân viên thuê lại, phải trả 500 triệu đồng/gian.
Các công trình này, công ty và xí nghiệp không lập dự án, không xin phép xây dựng, không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Khi xây dựng đã bị Ủy ban nhân dân xã Minh Khai lập biên bản vi phạm hành chính; đồng thời đình chỉ thi công, ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trái phép và yêu cầu ngừng thi công. Nhưng đơn vị này không chấp hành nên Ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm đã ra quyết định phá dỡ công trình vi phạm xây dựng.
Phớt lờ các quyết định của Ủy ban nhân dân xã Minh Khai và huyện Từ Liêm, Xí nghiệp PTNN sinh thái và DVDL vẫn cố tình xây dựng các khu nhà nêu trên.
Lều câu cá và quán ăn trong khuôn viên Xí nghiệp PTNN sinh thái và DVDL. |
Sau khi các công trình xây dựng đã hoàn thành, ông Nguyệt giao cho Giám đốc Xí nghiệp PTNN sinh thái và DVDL trực tiếp ký hợp đồng cho thuê nhà với thời hạn 15 năm và thu tiền của người thuê nhà.
Kết quả, đơn vị này đã thu về gần 25 tỷ đồng, đã nộp thuế hơn 2,2 tỷ đồng. Số tiền còn lại là hơn 22,6 tỷ đồng để thanh toán xây dựng nhà và chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngoài khoản thu theo hợp đồng nêu trên, ông Nguyệt và Giám đốc Xí nghiệp này đã chỉ đạo kế toán và thủ quỹ thu tiền của số người đã ký hợp đồng thuê nhà khoảng 240 triệu đồng/gian.
Theo đó, ông Nguyệt và bà Hảo đã nhiều lần trực tiếp đến Xí nghiệp PTNN sinh thái và DVDL để nhận tiền từ bà Nguyễn Thị Phượng, là Thủ quỹ của Xí nghiệp. Tổng số tiền mà ông Nguyệt và bà Hảo đã nhận từ tay thủ quỹ xí nghiệp PTNN sinh thái và DVDL là gần 10,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Hảo còn trực tiếp nhận của 17 người công tác tại văn phòng công ty với tổng số tiền là 7,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền ông Nguyệt và bà Hảo đã thu nhận là hơn 17,7 tỷ đồng nhưng không nhập vào quỹ của Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, mà để quản lý chi tiêu riêng.
Theo bà Hảo giải trình ban đầu, số tiền hơn 17,7 tỷ đồng nói trên được bà 15 lần trực tiếp đưa tiền cho ông Nguyệt, với gần 11 tỷ đồng; nộp vào Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội để thanh toán thẻ Visa cá nhân của ông Nguyệt là 647 triệu đồng và chuyển cho một giám đốc xí nghiệp khác là 1,7 tỷ đồng; chi quà Tết âm lịch năm 2012, năm 2013 là hơn 2,5 tỷ đồng; còn lại 926 triệu đồng chi cho các hoạt động của công ty và ban giám đốc…
Đến tháng 6/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc, tổ chức điều tra, bà Hảo biết việc làm là vi phạm pháp luật nên đã yêu cầu ông Nguyệt nộp trả lại toàn bộ số tiền đã sử dụng để khắc phục hậu quả.
Từ ngày 21/8 đến ngày 25/11/2014, ông Nguyệt đã nhiều lần nộp lại với tổng số tiền hơn 17,758 tỷ đồng.
Để hiểu rõ hơn vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Sở NN&PTNT Hà Nội. Ông Dương Tuấn Miên, Chánh Văn phòng Sở này cho biết, sau khi ông Nguyệt bị bắt giam, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thông báo việc bắt giữ ông Nguyệt theo trình tự, quy định của pháp luật, còn hành vi sai phạm cụ thể, như thế nào thì Sở NN&PTNT không nắm được, vì vụ án cơ quan Công an đang điều tra.
Tiếp theo đó, Sở NN&PTNT đã báo cáo lên Thường trực Thành ủy và Ủy ban nhân dân TP Hà Nội về việc ông Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở bị bắt giam. Đồng thời, Đảng ủy Sở NN&PTNT Hà Nội đã báo cáo Thường trực Đảng ủy khối các cơ quan TP Hà Nội thực hiện tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Phan Minh Nguyệt.
Ông Dương Tuấn Miên còn cho biết thêm, đầu tháng 1/2014, ông Nguyệt mới được tiếp quản chức danh Phó Giám đốc Sở này. Công việc chính là phụ trách phần xây dựng nông thôn mới và không có liên quan gì đến tiền bạc, vật tư của Nhà nước.
Được biết, ngày 7/3, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội sau khi nhận được báo cáo của Sở NN&PTNT về trường hợp cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giữ ông Phan Minh Nguyệt, đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các dự án đầu tư UBND TP giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư trong thời gian ông Phan Minh Nguyệt làm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty này.
Dư luận băn khoăn vì hành vi sai phạm của ông Phan Minh Nguyệt đã bị nhiều đoàn thanh, kiểm tra nhưng kết quả không có kiến nghị xử lý gì.
Không những thế, ông Nguyệt vẫn được đề bạt giữ cương vị Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, đây là câu hỏi dư luận quan tâm...
Để có thêm thông tin về khu vực xây dựng trái phép nhà trên đất nông nghiệp của Xí nghiệp PTNN sinh thái và DVDL, chiều 8/3, chúng tôi đã có mặt tại đường Phú Minh, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, địa chỉ của xí nghiệp hiện nay.
Khu đất có diện tích khoảng 7.800m2 hiện đã được xí nghiệp xây dựng tường rào kiên cố, được chia làm nhiều khu đất khác nhau để kinh doanh nhà nghỉ, quán cà phê, quán ăn uống, giải khát, quán karaoke, xưởng sản xuất...
Những khu đất tại đây được thiết kế chạy quanh một hồ rộng. Xung quanh hồ, người ta cho dựng lên nhiều gian lều lợp mái lá để ngồi câu cá...
Đến chiều cùng ngày, mọi hoạt động trong khuôn viên của Xí nghiệp PTNN sinh thái và DVDL vẫn diễn ra bình thường. Các nhà hàng, quán ăn vẫn có khách ra vào; công nhân tại một số gian nhà sản xuất bình thường...