Sài Gòn, trăm kiểu... bảo kê

Thứ Tư, 05/10/2016, 10:01
Tuy có nhiều kiểu, nhiều dạng bảo kê nhưng chung quy lại, bảo kê xuất hiện chính trong hoạt động tệ nạn. Bảo kê được hiểu rộng ra còn có sự làm ngơ của chính quyền địa phương đối với những cơ sở, tụ điểm tệ nạn.


Một quán bia ôm sờ sờ trước mặt nhưng chính quyền địa phương bảo “không thấy, không biết” là quá vô lý. Một điểm cá độ bóng đá, đá gà, đánh bài… hoạt động công khai, con bạc khắp nơi tìm đến rần rần mà anh Cảnh sát khu vực, anh trinh sát địa bàn không tường tận thì khó có thể chấp nhận được.

Trong khoảng chục năm nay, hàng năm các ban, ngành chức năng ở TP Hồ Chí Minh đều tổ chức những hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết về công tác  phòng, chống mại dâm. Và năm nào cũng vậy, các báo cáo đánh giá tình hình cứ na ná nhau.

Vũ trường - mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bảo kê.

Đại loại “tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố hiện nay đang diễn biến phức tạp, hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” như cơ sở massage, xông hơi, xoa bóp, nhà hàng, karaoke, quán bar, beer club, vũ trường...

Hoạt động của mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm người chuyển giới, mại dâm có yếu tố nước ngoài thông qua hình thức chào hàng, môi giới mại dâm trên mạng internet, điện thoại ngày một gia tăng…”. Kèm theo thực trạng này là nêu lên những khó khăn “xưa như trái đất” rồi kiến nghị tháo gỡ, khắc phục và cuối cùng là cố gắng phấn đấu làm tốt hơn ở giai đoạn sau.

Nhưng rồi “giai đoạn sau” lại cũng như giai đoạn đầu, tệ nạn thì vẫn còn đó, gái mại dâm cũng không thể mất đi. Chỉ có công sức của bao nhiêu con người, tiền bạc của Nhà nước đổ vào để làm kinh phí phòng chống là mất đi thấy rõ.

Mà ai cũng biết, hoạt động tệ nạn nuôi dưỡng tội phạm bảo kê, môi giới, cho vay nặng lãi… Cho nên, theo chúng tôi, thay vì quan tâm chính đến kết quả kiểm tra, truy quét thì lãnh đạo thành phố cần chuyển sang quy trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp trong việc thực thi các quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội.

Bởi lẽ cách đây 15 năm, tại Chỉ thị 17/2001/CT-UB ngày 2-7-2001, UBND TP Hồ Chí Minh đã quy định rất rõ: “chủ tịch UBND và trưởng Công an các quận, huyện; phường, xã thị trấn… phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về những hoạt động tiêu cực, TNXH xảy ra trên địa bàn mình phụ trách”. Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều địa phương để xảy ra TNXH nhưng xử lý trách nhiệm thì chỗ có chỗ không và việc xử lý cũng chưa đủ sức để chuyển biến tình hình.

Bảo kê quán bar, vũ trường là nguồn sống của những tay giang hồ thứ thiệt. Bởi nơi đây tập trung khá nhiều đối tượng hình sự, dân giang hồ khắp nơi tìm đến nên kẻ bảo kê phải có số má. Vì như vậy mới có thể đứng ra dàn xếp những cuộc thanh toán giữa các khách hàng với nhau mà hơn hết là bảo vệ được địa bàn luôn bị các đám giang hồ khác dòm ngó.

Lâu nay, việc kiểm tra hoạt động của vũ trường, quán bar do các đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp phối hợp cùng lực lượng Công an thực hiện. Mỗi năm các đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện hàng chục, hàng trăm lượt kiểm tra các vũ trường, quán bar và phát hiện khá nhiều lỗi vi phạm như: hoạt động quá giờ, bán rượu mạnh, ánh sáng không đảm bảo, buông lỏng quản lý để khách hàng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh…

Tuy nhiên việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, chứ chưa thể đề xuất rút giấy phép kinh doanh do vướng phải Luật Doanh nghiệp. Vì các lỗi vi phạm ấy hoàn toàn không nằm trong các trường hợp bị rút giấy phép theo Luật Doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc xử phạt hành chính từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng chẳng thấm thía vào đâu so với mức thu nhập “khủng” mà hoạt động vũ trường, quán bar đem lại. Đây chính là bất cập dẫn đến việc xử lý sai phạm tại vũ trường, quán bar cũng giống như làm cho có. Đặc biệt hơn, nhiều quán bar ở TP Hồ Chí Minh hoạt động “chui”. Sau khi bị kiểm tra, xử phạt thì họ lại tái phạm mà cơ quan chức năng chẳng thể làm gì vì họ có giấy phép đâu mà rút?

Còn để trị các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, cà phê thanh nữ, karaoke, massage… hoạt động biến tướng, trá hình phát sinh tệ nạn, gây hậu quả xấu cho xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành khá nhiều quyết định, chỉ thị nhưng không được áp dụng một cách triệt để. Đã vậy, do kẽ hở của pháp luật nên chỉ mỗi một chiêu thay tên đổi chủ đã vô hiệu hóa hết các quy định của pháp luật có liên quan.

Đó là việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện nay không quy định về xác minh nhân thân và địa chỉ kinh doanh. Điều này tạo điều kiện cho chủ cơ sở vi phạm dễ dàng sang tên đổi chủ để tiếp tục tái phạm ngay chính địa điểm kinh doanh cũ.

Trong khi đó, công tác hậu kiểm sau khi cấp phép của cơ quan cấp phép thì như chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy để công tác phòng chống tội phạm đạt hiệu quả cao, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cần rà soát tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội, xem điểm nào chưa phù hợp, còn chồng chéo hoặc vô hiệu hóa lẫn nhau thì kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi.

Vấn nạn bảo kê ở các khu bến xe, chợ búa… từ đâu mà ra? Không khó để khẳng định đó là do sự quản lý lỏng lẻo (nếu không muốn nói là cố tình làm ngơ?) của đơn vị, tổ chức điều hành hoạt động, chính quyền địa phương sở tại và cơ quan có thẩm quyền.

Như băng nhóm bảo kê do Tí “điên” (tức Nguyễn Văn Tí, 30 tuổi, quê quán tỉnh Tây Ninh) cầm đầu hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi ở khu vực Bến xe Miền Đông suốt gần 3 năm mới mới bị C45, Bộ Công an xóa sổ.

Trong khi hoạt động của bọn tội phạm này là hết sức manh động, diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật chứ đâu hoạt động ngầm hay bí mật gì mà không bị phát hiện? Rõ ràng nếu công tác bảo vệ ở bến xe được siết chặt; công tác chống bến cóc, xe dù hoạt động hiệu quả thì không thể có kiểu bảo kê của băng nhóm Tí “điên”.

TP Hồ Chí Minh có hàng trăm ngôi chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lề đường, ngõ hẻm để tổ chức buôn bán. Còn quán xá ở lề đường thì nhiều vô kể, gần như con đường nào cũng có.

Đó là chưa kể các hàng quán kinh doanh trong nhà nhưng để xe lấn chiếm hết cả lề đường, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn chiếm hết cả lối dành cho người đi bộ. Trước thực trạng đó, lãnh đạo thành phố rất nhiều lần chỉ đạo các quận, huyện phải làm quyết liệt để đường thông, hè thoáng. Thế là chiến dịch dọn dẹp lòng, lề đường khắp nơi ào ạt ra quân nhưng chỉ được ít ngày là đâu lại vào đấy.

Đơn giản vì kinh tế vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh là nguồn sống của hàng chục ngàn hộ gia đình nên đường nào họ cũng phải làm. Hôm nay bị tịch thu xe bán trái cây thì ngày mai họ tìm mua xe khác rồi tìm cách… đẩy xe đi giấu thật nhanh mỗi khi thấy trật tự đô thị phường ra quân. Từ đó phát sinh ra nhu cầu bảo kê. Một là được chính quyền bảo kê để làm ngơ cho buôn bán, hai là nhờ giang hồ mục kích ở trụ sở UBND phường, thấy lực lượng ra quân là cấp báo.

Trong trường hợp cần thiết, bảo kê còn chống đối rất dữ người thi hành công vụ để bảo vệ cho “thân chủ” của mình. Nhưng họ cũng có lý khi bắt bẻ lực lượng trật tự đô thị là tại sao trên 1 tuyến đường mà người bán được, người không? Có bảo kê không? Câu hỏi này rất khó trả lời!

Một số chuyên gia ở lĩnh vực này cho rằng, gốc rễ của vấn đề chính là ở chỗ Nhà nước cần quy hoạch khu vực để họ được buôn bán. Còn nếu quyết tâm chỉnh trang những tuyến đường trọng điểm, tạo mỹ quan đô thị, tránh ùn tắc giao thông thì phải làm công bằng, mọi người đều như nhau. Khi đó bảo kê cũng không còn đất sống.

M.Hải
.
.
.