Phòng ngừa tội phạm giết người do mâu thuẫn kinh tế gia đình

Thứ Bảy, 09/11/2019, 09:56
Điểm lại các vụ án gây rúng động trong thời gian gần đây, chúng ta sẽ không khỏi bàng hoàng, giật mình khi chỉ vì mâu thuẫn đất đai, kinh tế mà những người thân trong gia đình, dòng họ đã ra tay sát hại lẫn nhau.


Bài 1: Nỗi đau tột cùng

Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra 583 vụ giết người, tăng 9,79% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt trong đó đối tượng giết người chưa có tiền án, tiền sự chiếm đến 81,56% và không có nghề nghiệp ổn định. 

Nạn nhân thường có mối quan hệ trước với đối tượng chiếm 61,7% trong đó đáng chú ý 20% nạn nhân là người thân trong gia đình. Địa bàn gây án chủ yếu diễn ra ở khu vực nông thôn và chiếm tới 54,6% các vụ việc. 

Điểm lại các vụ án gây rúng động trong thời gian gần đây, chúng ta sẽ không khỏi bàng hoàng, giật mình khi chỉ vì mâu thuẫn đất đai, kinh tế mà những người thân trong gia đình, dòng họ đã ra tay sát hại lẫn nhau.

Cạn tình vì… đất, tiền

Mặc dù vụ án đau lòng xảy ra tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã trôi qua gần 2 tháng nhưng đến nay, nhiều người vẫn không khỏi kinh hoàng mỗi khi nhắc đến. Làm sao không kinh hoàng cho được khi chỉ vì mâu thuẫn về đất đai mà anh trai đã hành động một cách mất hết nhân tính, ra tay sát hại cả nhà em ruột. 

Câu chuyện bắt đầu xảy ra khi giữa Nguyễn Văn Đông và gia đình ông Nguyễn Văn Hải, SN 1969 (Đông là anh ruột Hải, nhà ở sát nhau) cùng trú ở Cụm 2, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội có mâu thuẫn về quyền lợi đất đai từ đó dẫn tới mâu thuẫn trong sinh hoạt từ năm 2016 đến nay. 

Ngày 29-8, anh Nguyễn Văn Hiệp, SN 1993 (là con trai ông Hải) đến nhà Nguyễn Văn Đông thông báo sau khoảng 3 đến 4 ngày nữa gia đình ông Hải sẽ xây nhà trên thửa đất sát với nhà của Đông và hỏi Đông có thắc mắc gì về ranh giới giữa hai nhà không. Đông cho rằng việc này ông Hải, bà Việt là bố mẹ của anh Hiệp phải sang xin phép xây dựng nên Đông đuổi anh Hiệp về. Cho rằng việc mâu thuẫn giữa hai gia đình là lỗi của bà Doãn Thị Việt, SN 1970 và anh Hiệp (là vợ và con ông Hải) xúi bẩy ông Hải, làm hai anh em Đông-Hải mâu thuẫn nên Đông nảy sinh ý định sẽ giết bà Việt và anh Hiệp. 

Khoảng 7h30 ngày 1-9, Đông mang theo 1 con dao đi sang nhà ông Hải và án mạng đau lòng xảy ra. 4 người trong gia đình ông Hải đã tử vong gồm vợ chồng ông Hải, bà Việt, con gái và cháu nội ông Hải. Con dâu ông Hải là chị Đỗ Thị Hồng Nhung may mắn thoát chết nhưng bị thương nặng. Thật không đau xót nào bằng!

Chỉ không lâu sau khi vụ việc ở Đan Phượng xảy ra, một vụ án mạng đau lòng lại xảy ra tại Thái Nguyên mà nguyên nhân cũng là do mâu thuẫn về kinh tế giữa những người thân trong gia đình. Chẳng là, ông Bùi Xuân Hồng, SN 1958, trú tại tổ 2, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho vợ chồng anh Nguyễn Thành Vương, SN 1981, là con rể của em gái ruột ông vay 3 tỷ đồng nhưng mãi không trả. 

Dù đòi nhiều lần nhưng ông Hồng chỉ nhận được lời hứa suông. Mâu thuẫn, bức xúc tích tụ kéo dài khiến cho đối tượng Hồng nung nấu ý định làm liều để đòi nợ. Ngày 14-9, Bùi Xuân Hồng mang theo vũ khí tới nhà em gái ruột của mình là bà Bùi Thị Hà, SN 1959, ở tổ 14, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên để giải quyết mâu thuẫn nợ nần. Hậu quả, án mạng đã xảy ra. Bà Hà tử vong, người chồng bị thương nặng phải đi cấp cứu. 

Luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An (Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi, ông đã từng chứng kiến vụ việc tranh chấp dân sự giữa hai chị em ruột vì lệch nhau mấy mét đất do bố mẹ để lại. Cuộc chiến pháp lý kéo dài nửa thập kỷ, trải qua đến 7 phiên tòa từ các cấp. Và sự việc không chỉ dừng lại ở tranh chấp dân sự đơn thuần, còn phát sinh thêm chuyện đau lòng hơn là có những người còn bị truy tố, xét xử về tội chống người thi hành công vụ và cố ý gây thương tích.

Vụ án mạng đau lòng vì mâu thuẫn đất đai xảy ra tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.

Nỗi đau ám ảnh

Những ngày đầu tháng 11-2019, chúng tôi trở về nơi vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại Cụm 2, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tiếp chúng tôi với gương mặt u ám, đớn đau, ông Đỗ Xuân Trường, bố vợ anh Nguyễn Văn Hiệp cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiệp, chị Đỗ Thị Hồng Nhung đang phải về ở nhờ tại nhà ông. 

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án hiện vẫn được anh Hiệp sang hương khói hàng ngày cho những người thân đã khuất. 17 ngày sau khi được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198, chị Đỗ Thị Hồng Nhung đã được xuất viện trở về nhà. Tuy nhiên, những vết thương thể chất  khắp thân thể và vết thương tinh thần vẫn hàng ngày hành hạ người phụ nữ ấy. 

“Cứ 1 tuần tôi lại đưa cháu Nhung đến Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện mắt Trung ương và Bệnh viện 19-8 để kiểm tra các vết thương. Riêng cánh tay bị gãy của cháu Nhung hiện chưa làm phẫu thuật được. 

Tâm lý của cháu chưa được ổn định. Hàng ngày, cháu vẫn có lúc gặp cơn mê sảng, khóc lóc, hoảng loạn vì là người chứng kiến đối tượng Đông cầm hung khí giết người thân của mình đặc biệt là con gái mới 14 tháng tuổi. Gia đình chúng tôi cũng không ai nhắc lại chuyện này để cháu dần nguôi ngoai. Còn cháu Hiệp đã hồi phục nhưng tâm lý vẫn còn rất nặng nề”, ông Đỗ Xuân Trường thở dài. Người sống sót sau vụ án cũng sẽ bị nỗi đau đeo đẳng ám ảnh đến hết cuộc đời.

Liên quan đến những mâu thuẫn trong gia đình 2 anh em Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Văn Đông dẫn đến vụ việc đau lòng xảy ra ngày 1-9, ông Vũ Xuân Trường, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch của UBND xã Hồng Hà cho biết, theo nắm bắt của chính quyền địa phương, mâu thuẫn nội bộ trong gia đình bà Trần Thị Mão, mẹ đẻ của ông Đông và ông Hải đã xảy ra từ cách đây nhiều năm. 3,4 năm trước, giữa các thành viên trong gia đình đã từng to tiếng với nhau nhưng chưa đến mức xô xát. 

Vào tháng 7-2018, bà Trần Thị Mão có văn bản đề nghị xã giải quyết tranh chấp đất nông nghiệp giữa các thành viên trong gia đình. Sau khi tiếp nhận, ngày 26-7-2018, UBND xã đã tổ chức hội nghị hòa giải và thống nhất thông qua các nội dung cụ thể về việc phân chia đất nông nghiệp. Thế nhưng, không ngờ đến ngày 1-9 năm nay thì vụ việc đau lòng xảy ra.

Ông Vũ Xuân Trường cũng cho biết, xã Hồng Hà hiện có 10 tổ hòa giải cơ sở với 114 hòa giải viên. Tại cụm dân cư số 2 nơi xảy ra vụ án cũng có tổ hòa giải hoạt động. 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND xã Hồng Hà đã chỉ đạo các tổ hòa giải cơ sở phối hợp với ban công tác mặt trận và bí thư chi bộ, cụm trưởng cụm dân cư kịp thời nắm bắt các vụ việc mâu thuẫn trong dân cư, giải quyết theo nguyện vọng và trách nhiệm của tổ hòa giải. Nếu không giải quyết được thì phải báo cáo lên UBND xã để chỉ đạo bộ phận chuyên môn tham gia giải quyết, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục pháp lý khi cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân. 

Còn UBND huyện Đan Phượng cũng đã có văn bản yêu cầu các cụm dân cư rà soát các vụ tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến đất đai báo cáo UBND huyện. UBND huyện sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kịp thời can thiệp đồng thời có biện pháp ngăn chặn nếu có các vụ việc phức tạp xảy ra.

Những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình vì quyền lợi đất đai, kinh tế, tài sản đặc biệt là ở các khu vực nông thôn không phải là quá hy hữu. Nếu những mâu thuẫn này không được giải quyết một cách triệt để thì khi bị tích tụ lâu ngày rất dễ “bùng phát” như ngọn lửa sẽ thiêu rụi tất cả. 

Nguyễn Hương
.
.
.