Vụ tiêm nhầm vaccin tại Quảng Trị:

Phơi bày những sự thật đau đớn trước chốn pháp đình

Thứ Bảy, 28/03/2015, 12:54
Ngày 27/3, TAND tỉnh Quảng Trị đưa vụ án tiêm nhầm vaccin khiến 3 trẻ sơ sinh bị chết oan tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ra xét xử công khai.

Hơn 20 năm làm y sĩ, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho biết bao bệnh nhân, Nguyễn Thị Thuận không ngờ có một ngày phải đối mặt với bản án nghiêm khắc do chính sự chủ quan, vô ý của mình gây ra. Người ta thường nói, sai sót trong ngành nghề, lĩnh vực nào còn có cơ hội để sửa chữa, nhưng với những người làm trong ngành Y, trực tiếp “nắm” sinh mệnh của người khác, thì sai sót có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không phải cho tới bây giờ, lúc đứng trước vành móng ngựa, mà ngay sau khi xảy ra cái chết tức tưởi, oan ức của 3 trẻ sơ sinh, y sĩ Thuận đã rất thấm thía điều đó.

Trước vành móng ngựa, bị cáo nước mắt ngắn dài, nhớ lại: “Sáng đó trời mưa gió tầm tã, bệnh viện bị mất điện nên sau khi bác sĩ Phượng bảo bị cáo tiêm vaccin viêm gan B cho 3 trẻ, bị cáo đã dùng đèn pin soi, mở lấy thuốc ở ngăn mát tủ lạnh, chỗ mình quen được chỉ định lấy, tại Khoa khám bệnh. Rồi như thường lệ, bị cáo tiến hành tiêm thuốc cho các cháu, không ngờ…”.

Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Điều đáng nói, ban đầu, cái sai của bị cáo Thuận là chủ quan, vô ý. Nhưng sau đó, y sĩ này đã ích kỷ đến mức, biết chắc mình đã tiêm nhầm thuốc, Thuận đã vứt những lọ thuốc, kim tiêm đó đi, rồi dùng mánh khóe để những hộp thuốc mới vào đánh lừa cơ quan chức năng. Thuận đã giấu kín sự việc trong một thời gian dài, cho đến lúc bị Cơ quan điều tra vạch trần.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Lê Huỳnh Sơn vẫn quanh co. Bị cáo này cho rằng, ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa không có chỗ cất, bảo quản riêng thuốc ESMERON. Bệnh viện cũng không có quy định là không được cất, bảo quản thuốc này chung với vaccin viêm gan B (?). Cho đến khi bị cáo được các điều tra viên cho đọc các thông tư, quy định của Bộ Y tế, thì mới biết (?!).

Chủ tọa phiên tòa, ông Võ Ngọc Mậu hỏi: “Vậy, Bệnh viện có quy định cất, bảo quản thuốc ESMERON vào tủ lạnh, nơi đang bảo quản vaccin viêm gan B không?”. “Thưa tòa, không. Nhưng lúc cất vào đó, mặc dù ESMERON không phải là thuốc độc, nhưng bị cáo vẫn ghi thuốc độc để cảnh báo cao nhất”.    

 Ông Mậu bảo: “Điều đó cho thấy, bị cáo đã ý thức được sẽ có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng sau đó vì chủ quan, thiếu trách nhiệm nên xảy ra hậu quả... Mục đích cất, bảo quản thuốc của bị cáo là tốt, nhưng phương pháp và hành vi của bị cáo là không đúng…”. 

HĐXX hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa sau khi có sự kiểm tra, nhắc nhở của Đoàn công tác Sở Y tế tỉnh Quảng Trị ngày 18/7/2013 (chỉ 2 ngày trước khi 3 trẻ sơ sinh bị tiêm nhầm thuốc, tử vong), bị cáo Nguyễn Văn Thiện (Phó Giám đốc Bệnh viện) khai: “Hôm đó, bị cáo có tham gia vào đoàn kiểm tra, song chỉ thực hiện phần việc “đối ngoại, đối nội”, mà không trực tiếp kiểm tra tại tủ thuốc Khoa khám bệnh. Bị cáo cũng không nghe Đoàn công tác Sở Y tế nhắc nhở. Hơn nữa, về quản lý, bảo quản thuốc là trách nhiệm của Khoa dược Bệnh viện. Khoa có trách nhiệm báo cáo những sai sót lên lãnh đạo Bệnh viện để xử lý”.

Liên quan tới lời khai của bị cáo Thiện, Tòa đã hỏi nhân chứng là anh Nguyễn Quang Thy, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị. Anh Thy khẳng định: “Lúc kiểm tra tủ lạnh bảo quản vaccin viêm gan B tại Khoa khám bệnh, tôi phát hiện một hộp thuốc bên ngoài có ghi “thuốc độc” nên hỏi ngay anh Trương Công Hiếu, cán bộ Khoa dược, là tại sao bỏ thuốc độc vào đây. Tôi đề nghị với anh Hiếu và Đoàn công tác kiểm tra chấn chỉnh ngay tình trạng này. Sau đó, trong cuộc họp với Bệnh viện, Đoàn công tác cũng đã nêu vấn đề này ra”.

Tuy nhiên, có một điều thật lạ lùng, anh Trương Công Hiếu đã trả lời HĐXX rằng, lúc đó anh ta không chú ý lắm tới lời nói của anh Thy (?!). Chưa dừng lại ở đó, trả lời HĐXX, bị cáo Trần Thị Hải Vân một mặt thừa nhận việc quản lý và bảo quản tủ lạnh tại Khoa khám bệnh là trách nhiệm của bị cáo; nhưng mặt khác cho rằng, bị cáo chỉ có trách nhiệm bảo quản thuốc tại… một ngăn (ngăn lạnh) của tủ lạnh này, ngăn còn lại (ngăn mát) đã giao cho Khoa sản tự bảo quản và tự chịu trách nhiệm (?!).

Khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra, thay vì hợp tác với cơ quan điều tra thì lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có những việc làm không đúng. Đơn cử là việc làm giấy tờ, chứng nhận giả để cơ quan chức năng cấp chứng chỉ tiêm chủng không đúng với quy định của pháp luật cho y sĩ Nguyễn Thị Thuận. Tại cuộc họp báo có sự tham dự đầy đủ của đại diện các ngành chức năng, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng chỉ nói một câu: “Tôi xin lỗi các gia đình có 3 trẻ tử vong, tôi xin lỗi nhân dân”(!)…

Hàng trăm người đến dự phiên tòa như chết lặng trước những lời khai của các bị cáo và nhân chứng… Nhiều người thở dài, nói: “Thật là cẩu thả, tùy tiện, vô lương tâm, vô trách nhiệm và lừa dối”. Những sự thật đau đớn này, mong rằng ngành Y tế tỉnh Quảng Trị sớm nhận ra và chấn chỉnh để không bao giờ lặp lại.

Phan Thanh Bình
.
.
.