Phát sinh tội phạm từ ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội

Chủ Nhật, 21/04/2019, 06:16
Tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ xảy ra nhiều vụ trọng án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích do lứa tuổi thanh, thiếu niên gây ra. Qua các vụ án cho thấy, một bộ phận thanh, thiếu niên có xu hướng ham hưởng thụ, lười nhác lao động, sống theo băng nhóm và sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến phạm pháp...


Một vụ án tại tỉnh Trà Vinh, 4 thanh niên bị đề nghị truy tố về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản và Che giấu tội phạm”. Các bị can còn khá trẻ, lớn nhất chỉ mới 22 tuổi và nhỏ nhất vừa 18 tuổi. Cả 4 đều không nghề nghiệp, tụ tập ăn chơi dẫn đến gây án.

Cuối năm 2018, Trương Tuấn Kiệt (Sn 2000), Lê Tuấn Kiệt (thường gọi là Bi Mập, Sn 2001), Nguyễn Thanh Tùng (Sn 1997), cùng ngụ TP Hồ Chí Minh và Phan Thị Dạ Thi (Sn 1999, bạn gái của Bi Mập, ngụ Bình Thuận), đón xe khách đến Trà Vinh thăm bạn.

Lê Tuấn Kiệt (18 tuổi), có vai trò chủ mưu trong vụ giết người, cướp tài sản ở Trà Vinh.

Cả nhóm tiêu hết tiền nên bàn nhau đi cướp tài sản người đàn ông 47 tuổi, ngụ tại TP Trà Vinh. Bi Mập phân công Kiệt và Tùng, dùng dao đâm nạn nhân tại phòng trọ ở huyện Châu Thành. Sau khi gây án, Kiệt bị bắt tại hiện trường, Tùng chạy thoát ra gặp Bi Mập và Thi. Cả 3 đón xe khách quay về TP Hồ Chí Minh lẩn trốn, hai ngày sau thì bị bắt giữ.

Cán bộ điều tra cho biết, nguyên nhân phát sinh tội phạm bắt nguồn từ việc lười nhác lao động, ham hưởng thụ của nhóm thanh niên này. Khi cả nhóm đến Trà Vinh ở nhờ nhà bạn nhưng suốt ngày ăn chơi nên bị đuổi ra ngoài. Cả nhóm thuê phòng trọ nhưng không có tiền trả.

Thượng tá Lê Quang Minh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bến Tre cho rằng, gia đình và nhà trường cần nêu cao trách nhiệm giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên. Nhiều em vì thiếu sự quan tâm từ gia đình, bỏ học sớm và tụ tập ăn chơi với bạn bè ngoài xã hội, lây nhiễm thói hư tật xấu.

Mới đây, Công an huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) kịp thời ngăn chặn hai nhóm thanh, thiếu niên mang hung khí đánh nhau. Nhóm của Ngô Hoàng Duy (15 tuổi, ngụ xã An Thạnh Thuỷ) và nhóm của Trần Thanh Liêm (20 tuổi, ngụ xã Long Bình Điền) xảy ra mâu thuẫn. Nhóm của Liêm phát hiện Duy cùng bạn gái trong trong viên nên chặn đánh.

Duy bỏ chạy, huy động thêm 9 người bạn mang theo hung khí, tìm nhóm của Liêm trả thù. Sau đó, nhóm của Liêm tiếp tục tìm nhóm của Duy. Công an huyện Chợ Gạo cho biết, phần lớn những người liên quan còn nhỏ tuổi, bỏ học sớm và tụ tập băng nhóm ăn chơi, sa vào ma túy và chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Thượng tá Nguyễn Văn Thái, Phó trưởng Công an huyện Chợ Gạo phân tích: trong nhiều vụ việc, cơ quan Công an huyện kịp thời phát hiện xử lý nên không xảy ra hậu quả. Cơ quan Công an cũng phối hợp gia đình cùng các ngành có biện pháp quản lý các trường hợp vi phạm chưa đến mức truy cứu hình sự.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến lứa tuổi thanh, thiếu niên có chiều hướng gia tăng. Ban Giám đốc đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các đơn vị địa phương xây dựng chuyên đề, phối hợp với các ngành giáo dục, đoàn thanh niên tổ chức tuyên truyền pháp luật, kỹ năng sống cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. “Ở lứa tuổi này, các em thiếu kỹ năng sống và ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, các trò chơi game bạo lực nên dễ bị kích động hoặc bạn bè xấu lôi kéo”, Đại tá Nguyễn Văn Tảo phân tích.

Ngoài việc xử lý của cơ quan chức năng, vai trò gia đình trong quản lý, giáo dục của nhà trường hết sức quan trọng. Bởi ngoài tính răn đe, phòng ngừa chung trong xử lý của cơ quan chức năng, gia đình cần giám sát chặt chẽ giờ giấc, hoạt động của con trẻ, kịp thời uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc.

Lãnh đạo Công an huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết: Những năm qua, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo các sân chơi lành mạnh mang tính chất cộng đồng cho các em học sinh.


Văn Vĩnh
.
.
.