Những chuyên án đi cùng năm tháng

20 ngày vào "hang cọp" trong chuyên án đập tan băng xã hội đen Hà Lê

Thứ Ba, 11/08/2015, 18:00
Tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” do Võ Quảng Hà (tức Hà Lê) cầm đầu từng là nỗi khiếp đảm cho người dân thành phố biển Nha Trang. Tổng cục Cảnh sát đã vào cuộc, 20 ngày đấu trí, đấu dũng với các đối tượng, để chuẩn bị cho một mẻ lưới được giăng sẵn... 

Từ lời kêu cứu của người mẹ

Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát tập trung lực lượng để trấn áp, bắt hết những tên tội phạm để xử lý nghiêm khắc trước pháp luật. Dấu chân trinh sát và những ngày vào “hang cọp” là những dấu ấn không thể quên của nhóm trinh sát Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (C14).
“Hôm ấy đã 22h, quán massage của gia đình tôi vẫn đông khách. Mọi thứ bỗng hỗn loạn khi một nhóm khoảng 40 thanh niên đèo nhau trên 20 chiếc xe máy ùa vào quán để đâm chém như thời trung cổ. Chúng vung mã tấu, kiếm, dao rượt đuổi đánh nhân viên và đập tài sản tan nát. Không còn gì để chém nữa, chúng hò nhau rú ga biến vào màn đêm…”, bà Huỳnh Thị Thạch kể với  trinh sát cảnh rùng rợn khi nhóm tội phạm do Hà Lê cầm đầu đến đâm chém tại quán massage của gia đình bà, trong làn nước mắt. 

Bà biết bọn chúng là những kẻ đâm thuê chém mướn, đến để “dằn mặt” không cho bà làm ăn ở mảnh đất này khi thân cô thế cô. Đó là những tên tội phạm có “số má”, nên bà Thạch đến ngay Công an TP Nha Trang để trình báo đề phòng hậu họa, nhưng bọn chúng đã trốn thoát. Điều này khiến bà Thạch lo ngay ngáy, và điều lo lắng đó hơn một tháng sau đã xảy ra. 

Con trai nuôi của bà (Phạm Anh Duy, 30 tuổi) đã bị 9 gã trai vung mã tấu, kiếm dài xém xối xả vào đầu người và tay chân khi đang cùng mẹ đi ăn phở, làm đứt lìa 4 ngón tay, gần đứt 2 chân và bị thương nặng ở lưng, đầu… Vì thương con, bà đã bí mật đưa con vào TP Hồ Chí Minh để cứu chữa, ra Hà Nội tố cáo với cơ quan điều tra. Được biết, thời gian đó, ở thành phố này đã có nhiều vụ đâm chém người tàn bạo như thế mà vẫn… chưa tìm ra thủ phạm. Ai tố cáo với Công an thì họ sẽ bị chúng hành hung thậm tệ hơn. 

Cơ quan điều tra bàn kế hoạch triệt phá băng nhóm Hà Lê.

Cục C14 được biết ở Khánh Hòa đang tồn tại một băng nhóm tội phạm có tổ chức mang tính chất “xã hội đen” rất tàn bạo, nổi tiếng về những phi vụ đâm thuê chém mướn, đốt nhà dân, cho vay nặng lãi, ăn cắp tiền của khách tại quán massage, chúng đã hoành hành nhiều năm gây ra nhiều tội ác. Nạn nhân thì không ai dám tố cáo chúng. Hơn chục phi vụ dùng mã tấu, dao, kiếm đâm chém người mà chúng vẫn sống ung dung ngoài vòng pháp luật. Tay chân của băng nhóm Hà Lê có mặt ở khắp nơi… 

Từ những tố cáo của bà Thạch và nguồn tin mật, CQĐT đã xác định kẻ cầm đầu băng nhóm tội phạm này là Võ Quảng Hà (Hà Lê, 40 tuổi) ở 17A Yersin, TP Nha Trang.  Để tóm gọn mẻ lưới, bắt gọn Hà Lê và đồng bọn, CQĐT Bộ Công an đã có kế hoạch phá án. Những trinh sát giỏi,  có bản lĩnh, nhạy cảm nghề nghiệp và lòng quả cảm được chọn vào “hang cọp". 

Trung tá Phạm Văn Sơn, cán bộ Phòng 6 đã được chọn mặt gửi vàng. Anh  từng là lính SBC của Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), từng dùng súng ngắn bắn tội phạm khi phi xe máy như bay trên đường phố. Hơn nữa, anh đã từng có mặt trong những vụ án lớn gây chấn động dư luận như triệt phá băng nhóm "xã hội đen" Khánh “trắng”… Đó là niềm tin, là sự kỳ vọng của CQĐT khi giao cho anh vào Nha Trang để tìm bị hại, thuyết phục họ tố cáo tội ác của băng nhóm Hà Lê. 

Cùng nhóm công tác đặc biệt với Trung tá Sơn là chàng lính trẻ có nước da trắng như con gái: Thiếu úy Tuấn Anh. Nhiệm vụ đặt lên vai của 2 trinh sát này ra đi với lời dặn dò: Bí mật vào Nha Trang, trực tiếp gặp gỡ những người bị hại, động viên họ để lấy lời khai.

Vào “hang cọp”

Hai chàng trai Hà Nội đặt chân tới Nha Trang khi thành phố đã lên đèn. Trong hành trang gọn nhẹ của những du khách, họ đã hòa mình vào gió biển. Đầu tóc bóng mượt, áo quần bảnh bao, hai "du khách" nhanh chân tới một khách sạn khuất nẻo cuối bãi biển thơ mộng. Mỗi lần liên lạc về Hà Nội hoặc liên lạc với "bạn bè" ở Nha Trang đều phải sử dụng 1 trong 8 sim liên tục. Kế hoạch của nhóm công tác là lần lượt tìm tới nhà các nạn nhân để gặp gỡ trực tiếp và nghe họ trình bày. 

Nạn nhân đầu tiên mà 2 trinh sát tìm gặp là anh Duy (con nuôi bà Thạch). Khó khăn lắm mới tới được nhà Duy, nhà anh ở cách trung tâm thành phố 7km. Một ngôi nhà bé tẹo nằm trên một quả đồi, xung quanh là lau lách mọc um tùm che lấp cả lối đi độc đạo. Tuấn Anh được giao nhiệm vụ lái xe, anh Sơn thì bật chiếc đèn pin nhỏ xíu bằng ngón tay soi đường. Tay luôn đặt sẵn vào khẩu súng bên người để đề phòng bất trắc, sợ rằng đàn em của Hà Lê có thể phục kích từ bãi lau sậy 2 bên đường cùng mã tấu lao ra. 

Anh nín thở khi đứng trước cửa nhà của Duy, ngôi nhà tối om không ánh sáng, gia chủ không dám mở cửa. Sau những động tác kiểm tra, bà mẹ Duy mới hé cánh cửa để Sơn lách người vào. Duy nằm đó trong bóng tối, tay chân bị thương, người quắt queo với hàng chục vết chém trên người. Biết Công an tới gặp gỡ tìm hiểu sự việc, Duy chối đây đẩy, anh bảo rằng hãy để anh yên, đừng ai đụng vào băng nhóm ấy mà thiệt thân. 

Nghe những lời tức tưởi của Duy, trong lòng anh Sơn nhói đau bởi người dân đang không tin vào công lý, không tin vào lực lượng Công an. Và để lấy lại niềm tin của họ không có cách nào khác là các anh phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng đồng đội chặt tận gốc băng nhóm "xã hội đen" này, trả lại sự bình yên cho thành phố biển. Từ động viên đến thuyết phục, cuối cùng anh Duy cũng đã chịu nói lên sự thật, tố cáo những kẻ đã biến anh thành người tàn phế. 

Hôm sau, anh Sơn lại tiếp tục tìm cách đến nhà nạn nhân thứ 2 là anh Nghĩa. Biết Sơn là Công an từ Hà Nội vào để khám phá vụ án Hà Lê, anh Nghĩa nói ngay: "Nhiều người dân Khánh Hòa không dám tin là băng nhóm này sẽ bị bắt giữ" rồi anh từ chối, mặc dù anh đã từng bị bọn chúng đâm chém khi không đòi được nợ... 

Tìm gặp được các nạn nhân đã khó, để họ nói lên sự thật tố cáo bọn tội phạm còn khó gấp bội lần, ai ai cũng sợ bàn tay vấy máu của bọn chúng. Cảm nhận thấy nỗi sợ hãi của những nạn nhân, trinh sát Sơn cũng trở nên thận trọng hơn lúc nào hết, các anh luôn ý thức rằng phải luôn đảm bảo an toàn cho chính những bị hại đã bị quá nhiều sự đe dọa và đau khổ. 

Khi tiếp xúc với bị hại, lúc nào anh và Tuấn Anh làm việc cũng có đôi, người ghi lời khai, người cảnh giới. Cứ liên lạc được với các bị hại là tức tốc lên đường, giờ giấc thất thường, bữa ăn chỉ là cái bánh mì, bát mì tôm cho khỏi đói. Không ít lần hốt hoảng khi bắt gặp những ánh mắt soi mói, những gã trai đầu tóc bù xù nhuộm xanh đỏ mang theo kiếm, mã tấu bên mình. Đi đâu làm gì, tổ trinh sát 2 người đều đặc biệt quan tâm tới những người lảng vảng quanh mình. Hồ sơ vụ án bao giờ cũng được bảo mật, có đêm các anh nằm ngủ cũng phải đút tài liệu vào người và ôm khư khư đến khi trời sáng. 

20 ngày vào "hang cọp", nhóm công tác đã làm rõ bản chất của 12 vụ việc, gặp gỡ lấy lời khai trên 20 nhân chứng. Thực hiện xong nhiệm vụ được giao, họ bay ra Hà Nội. Hành trình rời nơi ở ra sân bay cũng phải bí mật, giờ giấc thay đổi liên tục nhằm đánh lạc hướng tai mắt của đối tượng. 

Những tài liệu chứng cứ của nhóm công tác bí mật kết hợp với một đoàn công tác của C14 ở Khánh Hòa và tổ công tác vào TP Hồ Chí Minh... tất cả được báo cáo lên lãnh đạo Bộ Công an. Một Ban chuyên án ra đời, với những bước đi chính xác khiến băng nhóm tội phạm tàn bạo này đã bị triệt phá, người dân càng thêm tin yêu lực lượng Công an.

Kim Thanh
.
.
.