Vụ thảm án ở Nghệ An: Phá án từ... quả chanh!

Thứ Tư, 22/07/2015, 09:54
Vừa từ Nghệ An trở về, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đã chia sẻ và "tiết lộ" những thông tin chưa từng tiết lộ về quá trình điều tra, truy bắt hung thủ vụ sát hại 4 người tại Nghệ An.

Việc lực lượng Công an bắt giữ thủ phạm gây ra vụ trọng án làm 4 người chết ở huyện Tương Dương (Nghệ An) đang được dư luận đặc biệt chú ý. Chúng tôi đã có mặt tại Cục Cảnh sát hình sự đón tổ công tác đặc biệt của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng trở về. Chia sẻ bí quyết việc khám phá vụ án, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến hồ hởi: “Nhà báo có biết không, chúng tôi phá án từ… quả chanh đấy”.

Câu chuyện thú vị của tổ công tác đã khiến chúng tôi khá tò mò tìm hiểu. 
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng, người đã có mặt tại Nghệ An để phối hợp chỉ đạo chuyên án kể lại: Đường vào khu vực hiện trường đã rất khó khăn. Vào đến nơi, việc tìm nhân chứng, người liên quan còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi sau khi vụ án xảy ra, những người xung quanh sợ… “con ma nó ám” nên bỏ đi ở tập trung, càng xa hiện trường càng tốt. Muốn tìm được họ, nơi gần nhất cũng phải đi mất 20 phút.

Bản Phồng nằm biệt lập trong rừng, người dân lại có hôn nhân cận huyết thống nên hầu như mọi người đều có mối quan hệ họ hàng với nhau. Khi cơ quan điều tra tiếp xúc, hầu hết họ im lặng, không tố giác ai cả. “Nhân chứng toàn bò, gà, cây cối và những cái nương lán… vô hồn”, Đại tá Tám chia sẻ.

Cây chanh gần lán nhà anh Thọ, sự liên tưởng giúp lực lượng Công an phá án.

Về khái niệm thời gian đối với người dân bản Phồng cũng vậy, họ đo bằng mặt trời lên xuống, ước lượng bằng những bộ phim trên truyền hình. Nhiều khi đến hỏi nhân chứng đi đâu, người nhà nói ra ngoài một tý, nhưng “một tý” của họ đôi khi lực lượng Công an phải chờ đến nửa ngày mới thấy họ quay về. Vào đánh án ở khu vực rừng núi heo hút này, các trinh sát muốn báo cáo tình hình về trung tâm bản Phồng, hoặc chỉ huy nếu ở bản Phồng muốn chỉ đạo thì chỉ có cách chạy bộ. Hoặc họ chạy lên đỉnh núi, giơ máy điện thoại để có lúc may mắn, sóng điện thoại bắt được, gọi về.

Sau khi vụ án xảy ra, Công an Nghệ An cùng với Cục Cảnh sát hình sự đã tiến hành nghiên cứu hiện trường, rà soát tất cả 149 hộ dân với mấy trăm thanh niên trong bản để tìm ra các manh mối của vụ án. Từ kết quả khám nghiệm tử thi và hiện trường, Ban chuyên án đã loại hết các khả năng do phỉ tấn công, hay do cướp tài sản, buôn ma túy trả thù, bởi gia đình anh Thọ rất nghèo, bản Phồng lại không có người nghiện ma túy.

Sơ đồ hiện trường vụ thảm án.

Ban chuyên án nhận định: đối tượng gây án do mâu thuẫn bộc phát và phải là người trong bản, bởi người lạ vào đây không có ai dẫn đường chỉ có nước… đi lạc. Lực lượng Công an cũng đã tìm được 3 em nhỏ (10-12 tuổi) có đi qua, đi lại khu vực hiện trường. Lúc đầu, khi các em đi từ rẫy chỉ thấy anh Thọ ở trên lán một mình. Khi các em xem xong bộ phim truyền hình quay lại, ngang qua hiện trường thì thấy lúc đó trên lán của anh Thọ có cả vợ chồng anh Thọ, bà Chương.

Như vậy, Ban chuyên án nhận định, thời gian đối tượng gây án khoảng sau khi các em nhỏ đi qua hiện trường (khoảng 13h30 ngày 2/7). Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã dựng lên một số đối tượng nghi vấn có khả năng liên quan đến vụ án.

Tối 18/7, Ban chuyên án tổ chức liên hoan với cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng 551 để hôm sau quay lại hiện trường “cắm chốt” rà soát lại lần nữa và triệu tập các đối tượng tình nghi. Đêm hôm đó, trời mưa to, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến và Đại tá Phạm Văn Tám phải ngủ lại ở Đồn Biên phòng. Bên chén trà xanh, các anh trao đổi và được các đồng chí ở Đồn Biên phòng báo cáo lại một số tình tiết liên quan đến các đối tượng nghi vấn mà họ đã thu thập được.

Trong số này, cái tên Vi Văn Hai, tức Mặn, dù có trong danh sách nghi vấn nhưng đã ghi vào đầu những người chỉ huy Cảnh sát hình sự hơn với thông tin, ngày 2/7, nhà Hai có liên hoan, mời những người xung quanh đến ăn để cảm ơn vì giúp gia chủ dựng nhà. Buổi trưa, đang đánh bài, Hai lại bỏ đi đâu khoảng hơn 1 tiếng rồi mới quay lại chiếu bạc.

Lúc 4h ngày 19/7, trời vẫn tờ mờ, tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự cùng với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Tương Dương, Đồn Biên phòng 551 và Công an xã lên đường leo núi, vượt suối vào hiện trường. Đến khu vực hiện trường, lán nhà anh Thọ, cả đoàn ngồi nghỉ lại để ăn tạm mì tôm. Họ mượn tạm một vài cái xoong còn lại trong lều nhà anh Thọ, múc nước suối, vơ củi nhóm lửa đun. Nước sôi, mọi người đổ luôn vào các bát mì tôm sẵn để ăn.

Đồng chí Công an viên tên Chùa đứng lên hái mấy quả chanh trên cây ngay gần lán nhà anh Thọ. Ngồi ngắm cây chanh sai trĩu quả, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến hỏi đồng chí Chùa: “Ở đây có nhiều cây chanh như thế này không?”. Đồng chí Công an xã nhẩm tính rồi cho biết, chỉ có 2 cây ở rẫy Tàng Chớ bên ngoài và cây duy nhất ở nhà anh Thọ có quả, còn mấy cây chanh ở rẫy Dọt Dẹt bên trong thì tuyệt nhiên không có quả nào.

Khi vào tìm gặp một số đối tượng nghi vấn ở rẫy Dọt Dẹt bên trong (trong đó có Vi Văn Hai), nghe đến thông tin trưa 2/7, đối tượng Hai sau khi bỏ đi khoảng một tiếng có mang về một số quả chanh đưa cho mọi người trong chiếu bạc ăn, trong  suy nghĩ của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã liên tưởng rất nhanh đến cây chanh tại nhà anh Thọ. Anh hỏi đối tượng Hai:

- Hôm trước anh đi hái chanh ở đâu?

- Cháu hái trong rẫy này.

- Nói láo, chanh ở đây làm gì có quả. Anh hái ở nhà anh Thọ đúng không?

Bị bất ngờ, tên Hai đành thừa nhận đã đến hái chanh ở nhà anh Thọ vào trưa 2/7.

Nhận định đây chính là đối tượng gây án, đoàn công tác đã khôn khéo mời tất cả đàn ông trong rẫy Dọt Dẹt ra trung tâm bản Phồng để làm việc với tiền bồi dưỡng 120 nghìn đồng/người. Có 6 người tất cả, trong đó có Vi Văn Hai (dù Hai lúc này đã hơi lo lắng nhưng hắn nghĩ chỉ thừa nhận hái chanh thôi, sẽ không ai biết về việc giết người) đi cùng đoàn công tác ra bản Phồng làm việc. Khi đến bản Phồng, lập tức đối tượng được tách ra, đưa lên xe ôtô di chuyển về Công an huyện Tương Dương. Trên xe, Thiếu tướng Tiến “tấn công” đối tượng ngay:

- Sao hôm trước anh đi hái chanh về lại ướt hết quần áo thế?

- Nóng quá cháu xuống suối tắm.

- Sao tắm mà lại mặc cả quần áo?

- Cháu ngượng

- “Ngượng cả núi rừng à?

Tiếng cười của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến làm tên Hai toát mồ hôi, nhìn đầu gối hắn bắt đầu run bần bật.

Sau đó, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã phân tích cho đối tượng về những mâu thuẫn trong lời khai cũng như xuất hiện của hắn tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ án. Mồ hôi trên trán Vi Văn Hai nhỏ thành giọt, mặt hắn tái mét và bắt đầu khai toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Khi ra đến Công an huyện Tương Dương, lập tức đối tượng được đưa vào phòng hỏi cung để tiếp tục lấy những bản khai tiếp theo. Hắn đã khai báo khá thành khẩn về diễn biến vụ việc cũng như các tang vật vụ án.

T. Hòa
.
.
.