“Nóng” buôn lậu trên biển dịp cuối năm

Thứ Hai, 12/11/2018, 09:32
Lợi nhuận kếch xù từ buôn lậu xăng dầu khiến cho dịp cuối năm tình trạng này càng diễn biến phức tạp trên tuyến biển. Kéo dài từ biển Tây Nam tới khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, các mặt hàng khoáng sản, gỗ quý, hàng điện tử, điện lạnh, xăng dầu, pháo với nhiều thủ đoạn tinh vi đang diễn ra trên các tàu cá, tàu chở hàng, tàu nước ngoài sang mạn trái phép trên vùng biển nước ta.


Buôn lậu xăng dầu: Nhiều thủ đoạn tinh vi

Giá xăng dầu nhập lậu chênh lệch với giá xăng dầu nhập khẩu chính ngạch 40%, đây là nguyên nhân mà nhiều tàu đánh cá đã hoán đổi để buôn lậu xăng dầu và tàu nước ngoài lợi dụng vùng biển giáp ranh để bán dầu không có hóa đơn chứng từ hoặc hồ sơ không rõ ràng, không đầy đủ cho các tàu cá Việt Nam.

Năm 2018 buôn lậu xăng dầu diễn ra nóng bóng trên tuyến biển và càng gia tăng vào dịp cuối năm. Để bắt được những tàu chở dầu lậu “khủng”, lực lượng chấp pháp trên biển đã gặp không ít khó khăn do tuyến biển dài, nhiều thời điểm sóng to, gió lớn, đặc biệt là tàu nước ngoài thường chọn vùng biển giáp ranh giữa Thái Lan, Malaysia, khi có động lập tức dễ dàng bỏ chạy.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 bắt giữ tàu chở hàng nhập lậu.

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng Pháp chế, Bộ T lệnh (BTL) Cảnh sát biển Việt Nam thì thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu xăng năm nay là chuyển địa điểm từ vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ra vùng biển đặc quyền kinh tế nước ngoài. Trên những con tàu “ma” còn thuê nhiều thuyền viên ở các quốc gia khác nhau để thực hiện vận chuyển hàng, gây khó khăn cho công tác đấu tranh. 

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy BTL Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển đã đấu tranh phát hiện bắt giữ 2 vụ tàu nước ngoài đang sang mạn dầu trên biển. Để phát hiện tàu buôn lậu xăng dầu có yếu tố nước ngoài đã là cả quá trình kỳ công, vất và và khó khăn, nhưng để xử lý thành công là cuộc đấu trí tốn nhiều thời gian, đòi hỏi cán bộ phải có bề dày nghiệp vụ và kiến thức pháp luật.

Điển hình là sau gần 2 tháng, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, dưới sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, BTL Cảnh sát biển đã hoàn tất việc điều tra, xác minh, xử lý vụ việc tàu Pacific Ocean (quốc tịch Singapore) và tầu vỏ sắt không số hiệu, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 thuyền trưởng trên tàu Pacific Ocean và tàu không số, tổng số tiền là 137.500.000 đồng, tịch thu 4.979.926 lít nhiên liệu diezen vận chuyển trên 2 tàu là tang vật vụ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hai tàu này bị phát hiện đang sang mạn dầu trái phép tại khu vực biển cách Đông bắc Đèo Ngang 45 hải lý.

Đây là lần thứ 2 tàu Pacific Ocean vi phạm trên vùng biển Việt Nam, cả hai lần vi phạm đều tịch thu số lượng dầu “khủng”, trị giá bán phát mại lên tới hơn 100 tỷ đồng. Các thuyền viên trên tàu tỏ thái độ chống đối, không hợp tác và không chấp hành mệnh lệnh của Cảnh sát biển Việt Nam.

Quá trình xử lý kéo dài là bởi vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến yếu tố nước ngoài, giá trị hàng hóa đặc biệt lớn. Các đối tượng vi phạm liên tục cung cấp các tài liệu khác nhau nhằm chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Họ dùng nhiều biện pháp, tài liệu, thậm chí đưa ra các vấn đề liên quan đến thời tiết, tự do đi lại trên vùng đặc quyền kinh tế, tự do vận chuyển hàng hóa trên biển… để che giấu hành vi vi phạm.

Nếu những năm trước, buôn lậu xăng dầu diễn ra nóng bỏng ở tuyến biển phía Nam thì năm nay đã xuất hiện nhiều ở phía Bắc, đặc biệt là khu vực miền Trung. Ngày 31-10, tại vùng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa), lực lượng Cảnh sát biển đã bắt tàu cá vận chuyển 90.000 lít dầu DO có hóa đơn không rõ ràng. Thuyền trưởng không xuất trình được bản gốc đăng ký, đăng kiểm phương tiện, khả năng tàu cá đã bị hoán đổi sang thành tàu chở dầu.

Một trong những thủ đoạn các đối tượng dùng để đối phó khi bị bắt giữ là sử dụng hóa đơn của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn lậu xăng dầu trên biển, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Các đối tượng móc nối, liên hệ trực tiếp với các chủ đầu nậu ở nước ngoài để nhập lậu xăng, dầu với số lượng lớn, khi vận chuyển đến lãnh hải Việt Nam thì tổ chức sang mạn qua các tàu nhỏ hoặc tàu cá của ngư dân để tránh bị phát hiện, sau đó xé lẻ mang đi bán trôi nổi tại các tuyến sông, cảng biển.

Tập trung đấu tranh quyết liệt

Từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm nóng bỏng của hoạt động buôn lậu trên tuyến biển. Theo Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh thì các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường lực lượng tuần tra trên tuyến biển, đặc biệt là các khu vực như đảo Vĩnh Thực, cảng Vạn Gia, đảo Trần nơi có các tàu, thuyền lớn đi qua. Năm 2018, mặt hàng thuốc lá nhập lậu đã giảm mạnh qua tuyến biên giới Quảng Ninh. Riêng dịp cuối năm, lực lượng chống buôn lậu ở Quảng Ninh đã ngăn chặn được nhiều vụ vận chuyển, buôn bán pháo nổ qua biên giới và trên tuyến biển.

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Khánh thì năm 2018 tình hình tội phạm vi phạm pháp luật trên biển vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Buôn lậu và gian lận thương mại trên biển diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành khác nhau như khoáng sản (than, quặng các loại), gỗ quý, điện tử, điện lạnh, xăng dầu, pháo các loại… với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Tàu thường thiết kế các khoang, hầm cất giấu hàng lậu. Nếu trước kia phần lớn các tàu này dùng biển số giả thì năm nay thay đổi thành biển số tiếng Anh để giả dạng tàu nước ngoài để trốn tránh sự kiểm tra, đồng thời gây khó khăn cho công tác phát hiện.

Năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển đã kiểm tra, xử lý 60 vụ/60 tàu buôn lậu, gian lận thương mại, tang vật thu giữ trên 9 triệu tấn than, hơn 700 nghìn tấn quặng, gần 7,5 triệu lít dầu DO và trên 750 nghìn lít dầu FO, trên 93 nghìn bao thuốc lá, 128,4kg pháo, 7 khẩu súng, 4 hộp đựng đạn súng hơi, 1 ống ngắm súng hơi… tổng số tiền xử phạt, phát mại hàng hóa nộp ngân sách Nhà nước trên 150 tỷ đồng.

Xác định buôn lậu trên biển sẽ diễn ra nóng bỏng từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, Cảnh sát biển Việt Nam đã lên kế hoạch mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trước và sau Tết để triển khai trên toàn lực lượng. Để đạt được hiệu quả cao, thiết nghĩ cần có sự phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh chống buôn lậu trên biển trong công tác tuần tra, kiểm soát và bắt giữ, xử lý vi phạm.

Trần Hằng
.
.
.