Nỗ lực ngăn chặn pháo lậu

Thứ Sáu, 30/01/2015, 09:43
Sau các đợt ra quân rầm rộ của Công an tỉnh Hải Dương, đối tượng không tập trung lấy hàng (các loại pháo) vào dịp giáp Tết Nguyên đán mà vận chuyển rải rác thành từng chuyến nhỏ, lẻ ngay từ đầu năm, tích vào kho bãi hoặc cất giấu trong nhà, chờ đến gần dịp Tết mới mang đi tiêu thụ. Với thủ đoạn này, các đối tượng hòng qua mắt lực lượng chức năng, trong trường hợp bị phát hiện với số lượng ít thì cũng chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính...

"Có cầu ắt có cung", lợi nhuận khủng từ việc mua bán, tàng trữ trái phép pháo khiến không ít các đầu nậu bất chấp vi phạm pháp luật vẫn lén lút hoạt động với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Pháo lậu được giấu trong các thùng hàng hóa như hoa quả, quần áo, thậm chí là thực phẩm đông lạnh rồi vận chuyển trên xe khách từ biên giới vào sâu trong nội địa. Pháo còn được cất giấu dưới gầm xe, trong khoang chứa hàng, trên nóc ôtô… trong lốp dự phòng. Khi ôtô khách bị kiểm soát gắt gao thì chúng chuyển sang vận chuyển nhỏ, lẻ bằng xe máy. Trong trường hợp bị phát hiện thì "bỏ của, chạy lấy người".

Một trong số đó phải kể đến vụ Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) bắt Đào Thị Đông (41 tuổi, ở tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Vào thời điểm kiểm tra, Đông đang vận chuyển 21kg pháo trứng đem đi tiêu thụ, số pháo này được cất giấu trong một thùng carton. Tiến hành khám xét nơi ở của Đông, Công an huyện Nam Sách thu giữ 282kg pháo các loại gồm pháo dàn, pháo bánh và  pháo trứng các loại.

Theo lời khai của Đông tại cơ quan điều tra thì chị ta mua số pháo trên của một đối tượng không quen biết tại Móng Cái với số tiền là 60 triệu đồng. Đông đặt cọc 1/2 số tiền cho một người phụ nữ không quen biết tên là Hà, ở Móng Cái, phương thức giao hàng là vận chuyển qua xe ôtô khách. Sau khi nhận hàng đợt hai, Đông chuyển nốt số tiền còn lại, địa điểm nhận hàng tại cầu Lai (thuộc xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà).

Đây là một trong những vụ bắt giữ pháo với khối lượng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Đại, Trưởng Công an huyện Nam Sách cho biết: Đông gom hàng từ rất sớm chờ đến dịp Tết mới chia ra bán nhỏ, lẻ cho các đại lý. Đông mua pháo với giá khoảng 200.000 đồng/kg và bán ra cho những người có nhu cầu từ 450.000 - 500.000 đồng/kg. 

Không dừng lại ở việc mua bán, vận chuyển, Công an một số đơn vị thuộc Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ một số vụ sản xuất pháo. Hồi 18 giờ  ngày 6/1, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Công an huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) bắt Đàm Đình Liên (48 tuổi, ở thôn Báo Đáp, xã Đại Hợp, Tứ Kỳ) có hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán pháo nổ. Vào thời điểm kiểm tra, đối tượng này đang vận chuyển 2 bao tải, bên trong có chứa 15 bánh pháo, mỗi bánh pháo dài hơn 2m, nặng 28kg.

Qua khám xét nơi ở của Liên, cơ quan Công an còn thu giữ được một số công cụ, phương tiện dùng để sản xuất pháo và hơn 20kg vỏ pháo. Liên khai nhận, cách đây hơn 1 tháng, đã sang tỉnh Thái Bình mua 3kg thuốc pháo của một nam thanh niên không quen biết về tự sản xuất pháo bán kiếm lời…

Đáng chú ý nhất là vụ việc do Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Hải Dương phát hiện và bắt giữ. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan CSĐT đã khởi tố Nguyễn Văn Lịch (40 tuổi, ở xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn) về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc pháo và dây dẫn nổ. Trước đó, vào khoảng 14 giờ ngày 13/1, Phòng PC45 bắt quả tang Nguyễn Đức Nam (35 tuổi, ở thôn Kim Xuyên, xã An Sinh, Kinh Môn) tàng trữ trên người 2kg thuốc pháo và 1,1kg dây dẫn nổ. Nam khai mua số thuốc pháo và dây dẫn nổ trên của Lịch. 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Tính từ ngày 16/12/2014 đến thời điểm này, các đơn vị nghiệp vụ phát hiện và bắt giữ 12 vụ, 11 đối tượng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, chế tạo pháo, vật liệu nổ. Cơ quan CSĐT đã khởi tố 6 vụ, 6 bị can, thu giữ gần 5 tạ pháo các loại, 48kg thuốc nổ, 80 kíp nổ, 500m dây cháy chậm và 4,98kg thuốc pháo cùng 3,6kg dây dẫn nổ...

Theo Đại tá Hiển, ngoài lý do chính là lợi nhuận như đã nói ở trên thì nguyên nhân dẫn đến việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sản xuất trái phép pháo trên địa bàn tỉnh vẫn có những diễn biến bất thường là do chế tài xử phạt đối với tội danh này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người có hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, nhiều đối tượng đã lách luật, tránh bị xử lý về hình sự bằng cách vận chuyển với số lượng hàng ít hơn. Trong trường hợp đó, theo quy định của Luật Xử lý hành chính, mức phạt chỉ từ 200 đến 500 nghìn đồng...

Bên cạnh đó, tâm lý của một số người dân vẫn có nhu cầu sử dụng pháo trong những ngày Tết đến, xuân về nên tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Xuân Mai
.
.
.