Những điểm nhấn trong phiên toà xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở xã Đồng Tâm

Thứ Sáu, 11/09/2020, 16:15
Phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 29 bị cáo ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) bị truy tố về tội “Giết người” và tội “Chống người thi hành công vụ” gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đang nghị án kéo dài.

Thứ 2 (14/9), HĐXX sẽ tuyên án. Nhìn lại bốn ngày diễn ra phiên toà, chúng tôi thấy những điểm nhấn sau.

 Lời thú tội của thành viên “Tổ đồng thuận”.

Bùi Viết Hiểu (SN 1943), tham gia “Tổ đồng thuận” cùng Lê Đình Kình dù đã trả lời xong câu hỏi của HĐXX từ ngày đầu, nhưng sang ngày xét xử thứ hai, bị cáo Hiểu lại chủ động xin được trình bày thêm. 

Bị cáo Hiểu xin lỗi HĐXX vì trong ngày xét xử đầu tiên, bị cáo khai nguồn gốc đất ở cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm) từ năm 1981 là quá lạc hậu, vì từ đó đến năm 1990, Luật Đất đai thay đổi nhiều nhưng bị cáo không biết, cũng không kịp cập nhật tình hình về đất đai nên đến thời điểm này, bị cáo đã nhận thấy mọi hành vi, lời nói và nhận thức của mình là không đúng, nguyên nhân chính là do bị cáo không nắm bắt kịp pháp luật mới về đất đai. 

Bị cáo Hiểu khẳng định, nhận thức của bị cáo và một số người dân ở xã Đồng Tâm khi xác định đất đồng Sênh của người dân là sai. Do đó bị cáo Hiểu mong muốn HĐXX “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại”. Từ đó xem xét, cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, đồng thời giảm nhẹ hình phạt cho những người đã nhận thức rõ sai phạm như bị cáo.

Cha đẻ liệt sĩ Nguyễn Công Huy kêu gọi các bị cáo hãy thức tỉnh.

Trước đó, trong ngày đầu xét xử, bị cáo Hiểu chỉ thừa nhận đã cùng Lê Đình Kình thành lập “Tổ đồng thuận”. Khi bị cáo Hiểu muốn dừng tham gia “Tổ đồng thuận” thì Lê Đình Kình nói “đâm lao thì phải theo lao” nên bị cáo Hiểu lại tiếp tục kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”. 

Bị cáo Hiểu thừa nhận, đã lên trần nhà Lê Đình Kình, ném hai chai “bom” xăng về phía lực lượng làm nhiệm vụ. Về hành vi đặc biệt nguy hiểm đã gây ra khiến ba đồng chí Công an hy sinh, bị cáo Hiểu tự nhận thức được sai phạm của mình và mong muốn HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì khi bị cáo tham gia “Tổ đồng thuận” là do bị Lê Đình Kình lôi kéo, ép buộc nên không nhận thức được hết hậu quả mà tham gia vào việc làm sai phạm, dẫn đến gây ra hậu quả quá lớn.

Đề nghị điều tra thực nghiệm kinh hoàng

Quá trình xét hỏi, các bị cáo đã nhận tội. Vậy nhưng khi tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra đề nghị kinh hoàng là: Điều tra thực hiện hiện trường nhằm làm rõ nguyên nhân tử vong của ba đồng chí Công an? 

Trước cách đặt vấn đề của luật sư bào chữa tại phiên toà, luật sư Nguyễn Hồng Bách (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại- ba liệt sĩ Công an) trần tình: “Tôi thực sự cảm thấy thấy đau nhói trong tim khi nghe lời đề nghị của luật sư đồng nghiệp. Chúng ta có thể dựng lại hiện trường vụ án dã man như thế không? Ai dám nhảy từ tầng hai ngôi nhà xuống cái hố sâu đó để người khác đổ xăng lên và thiêu sống mình? Và ai sẽ là người dám thực hiện những điều tàn độc mà một số bị cáo đang đứng trước toà đã làm? 

Đến nay, gia đình các bị hại còn chưa nhận được chia sẻ nào từ phía các bị cáo và gia đình các bị cáo. Một lời thăm hỏi, động viên trước ngày phiên tòa diễn ra không có, cũng chưa một đồng tiền bồi thường, chưa một nén nhang thắp lên ban thờ ba liệt sĩ từ gia đình các bị cáo. Nỗi đau này các bị cáo có hiểu không? Lương tâm các bị cáo có day dứt không? 

Luật sư Nguyễn Phương Anh (bảo vệ quyền lợi cho các bị hại) trình bày đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Hồng Bách. Luật sư Phương Anh đặt câu hỏi: Trước hành động tàn bạo đã gây ra và nhìn thấy ngay trước mắt, các bị cáo có thức tỉnh không? Các luật sư đồng nghiệp nói, các bị cáo có trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, nhưng khi đấu tranh quyền lợi về đất đai không có cơ sở pháp lý mà các bị cáo lại dùng sự đấu tranh vô lý đó để dẫm đạp lên quyền con người có chấp nhận được không? 

Về nguyên nhân tử vong của ba đồng chí Công an, bị cáo Lê Đình Chức đã thừa nhận chọc tuýp sắt tấn công, sau đó ba đồng chí bị rơi từ tầng hai xuống hố sâu thì bị cáo Chức và đồng phạm đổ xăng thiêu chết ba đồng chí rất dã man, tàn độc.

Bị cáo Trần Thị Bét nói lời sau cùng.

Pháp luật nhân văn và lời kêu gọi thức tỉnh lương tâm

Trong số 29 bị cáo hầu toà, 25 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, 4 bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”. Quá trình xét hỏi tại phiên toà, số ít bị cáo bị truy tố về tội giết người lúc đầu khai báo quanh co, thậm chí đổ trách nhiệm cho bị cáo khác, nhưng về sau đã thành khẩn nhận tội. Các bị cáo khác nhận tội ngay từ khi xét hỏi. 

Chính sự thành khẩn của các bị cáo đã khiến đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố khi luận tội đã cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đề nghị HĐXX chuyển tội danh từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” đối với 19 bị cáo. Việc các bị cáo được đề nghị chuyển tội danh đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà chính và sách khoan hồng của pháp luật đối với các bị cáo.

Tại phiên toà, ông Phạm Công Lâm (cha liệt sĩ Phạm Công Huy) kêu gọi lương tâm các bị cáo hãy thức tỉnh để được thanh thản với chính mình. “Tôi trực tiếp đến nhận thi hài con mà không thể nhận ra con mình. Các bị cáo đã hành động quá tàn độc. Trong lương tâm của mình, các bị cáo hãy đặt địa vị là gia đình người bị hại như chúng tôi để cảm nhận hết nỗi đau mất mát quá lớn này”, ông Lâm nghẹn ngào trải lòng. 

Tại phiên toà, đại diện của liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh và liệt sĩ Dương Đức Hoàng Quân rơi nước mắt rất nhiều khi nói về sự hy sinh của liệt sĩ Thịnh và liệt sĩ Quân, về mất mát, đau thương và những khó khăn trong cuộc sống hiện tại của gia đình họ. Dù rất đau lòng về mất mát không thể bù đắp, nhưng gia đình ba liệt sĩ cảm thấy tự hào vì sự hi sinh của người thân họ vì nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cuộc sống. Ba gia đình liệt sĩ đề nghị HĐXX xử lý nghiêm các bị cáo theo quy định của pháp luật cả về hình sự lẫn trách nhiệm dân sự.

Bị cáo Trần Thị La nói lời sau cùng.

Những lời sám hối muộn màng

Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Lê Đình Công và bị cáo Lê Đình Chức (con đẻ Lê Đình Kình) bày tỏ sự hối hận về những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã gây ra trong thời gian qua ở xã Đồng Tâm. 

Bị cáo Công gửi lời xin lỗi đến gia đình ba liệt sĩ đã vì hành động của các bị cáo. “8 tháng trong trại tạm giam, bị cáo được cán bộ trại tạm giam thường xuyên thăm hỏi, động viên, cấp phát ăn uống đầy đủ. 

Bị cáo rất hối hận, ăn năn về những hành động đã gây ra đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở xã Đồng Tâm. Bị cáo mong được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Dù được trở về hay phải chết, bị cáo vẫn mong gia đình ba liệt sĩ tha thứ, để lương tâm của bị cáo được thanh thản phần nào”, bị cáo Công nói.

Bị cáo Lê Đình Chức cũng tự nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình và mong HĐXX xem xét, cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để hi vọng có cơ hội được trở về với gia đình, hoà nhập cộng đồng. “Bị cáo xin hứa sẽ trở thành công dân tốt, mẫu mực, giáo dục con em chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Bị cáo xin lỗi và chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình ba liệt sĩ vì hành động của các bị cáo mà hy sinh”, bị cáo Chức nói lời ân hận. Nói lời sau cùng, nhiều bị cáo khác đã khóc nghẹn ngào nói lời ân hận. Các bị cáo đều thể hiện sự ăn năn, hối hận, đồng thời gửi lời xin lỗi, lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ba đồng chí Công an đã hy sinh. Các bị cáo mong HĐXX xem xét, cho được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về với gia đình, sửa chữa tội lỗi đã gây ra, giúp sức cho địa phương làm những việc tốt, trở thành người có ích cho xã hội.

Nguyễn Hưng
.
.
.