Nhờ thế chấp vay ngân hàng, mất cả tiền lẫn “sổ đỏ”

Thứ Năm, 13/02/2014, 11:26

“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, lời cổ nhân dạy thật chí tình. Thế nhưng, vẫn có những người vì một lí do nào đó như ma xui, quỷ khiến bỗng giao giấy tờ nhà, đất hoặc tài sản của mình cho người khác để nhờ thế chấp vay mượn. Kết cục là họ phải nhận “trái đắng”, tiền vay chẳng thấy đâu mà tài sản thì đã bị ngân hàng hoặc đơn vị, tổ chức cho vay phong tỏa; có nguy cơ trắng tay, phải ở nhờ trên chính mảnh đất hợp pháp của mình. Nêu sự việc dưới đây lại thêm một lời cảnh báo với những ai nhẹ dạ, thiếu hiểu biết trong các giao dịch liên quan đến tài sản của mình…

Anh T.V.Đ., SN 1983, hiện trú tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Vài năm trước, gia đình anh dồn hết tài sản và vay mượn thêm để mua mảnh đất rộng 287,3m2 ven quốc lộ 21B trên địa bàn xã Cổ Đông. Vợ chồng anh bàn nhau xây ngôi nhà 5 tầng trên mảnh đất này để tính kế sinh nhai. Đầu năm 2012, gia đình anh Đ. muốn vay khoảng 2 tỷ đồng nhằm thanh toán các khoản nợ lãi suất cao và hoàn thiện ngôi nhà để kinh doanh nhà nghỉ nhưng các ngân hàng trên địa bàn đều không cho vay. Đúng lúc đó, một người quen của họ giới thiệu gặp ông L. và ông T. (trú tại xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội). Hai ông này nói họ sẽ nhờ người vay giúp gia đình anh Đ. 2 tỷ đồng với điều kiện sau khi vay được tiền, phải “lại quả” 50 triệu đồng.

Sau khi đạt được thỏa thuận ban đầu, hai ông T. và L. giới thiệu hai người thuộc một doanh nghiệp thép có tên là Công ty cổ phần Thép H.T. (địa chỉ: Cụm Công nghiệp Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đến gặp gia đình anh Đ. Những người này thống nhất với gia đình anh Đ. sẽ vay hộ 2 tỷ đồng với điều kiện trả cho họ 50 triệu đồng và phải đưa sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mảnh đất và ngôi nhà của gia đình anh Đ. tại xã Cổ Đông để Công ty cổ phần Thép H.T. thế chấp vào ngân hàng… Nghĩ đến những khoản vay nóng cần trả gấp, hơn nữa khi hoàn thành ngôi nhà thì việc kinh doanh sẽ thuận lợi nên vợ chồng anh Đ. đồng ý và họ không mảy may biết đang mắc phải một sai lầm sẽ khiến họ lâm vào cảnh khốn đốn.

Ngày 15/6/2012, anh Đ. cầm sổ đỏ mảnh đất và tài sản trên đất (số AL656475) mang tên anh đến Phòng Công chứng huyện Từ Liêm, Hà Nội và ký hợp đồng thế chấp bất động sản với Công ty cổ phần Thép H.T. và một ngân hàng có chi nhánh tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Định giá tài sản toàn bộ 287,3m2 đất của gia đình anh Đ. và tài sản gắn liền trên đất (ngôi nhà 5 tầng đang xây dở) là 8 tỷ 619 triệu đồng. Lãnh đạo Công ty cổ phần Thép H.T. đã làm bản cam kết vay hộ gia đình anh Đ 2 tỷ đồng, hẹn 15 ngày sau (cụ thể là ngày 30/6/2012) sẽ giao tiền.

Tin tưởng vào bản cam kết này, anh Đ. đã đặt bút ký vào hợp đồng thế chấp bất động sản và đang có nguy cơ mất trắng gần 300m2 đất cùng ngôi nhà của mình.

Sau khi ký kết hợp đồng, anh Đ. thở phào vì sắp có một khoản tiền lớn để trang trải công nợ, yên tâm làm ăn. Thế nhưng, sau 15 ngày gia đình anh vẫn không nhận được tiền. Anh tìm đến Công ty cổ phần Thép H.T. để hỏi thì mới biết công ty này đã dừng hoạt động?! Sau nhiều ngày tìm kiếm, đến cuối tháng 8/2012, anh Đ. mới gặp được ông H. là Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông L., Giám đốc Công ty cổ phần Thép H.T. nhưng chỉ được hai vị này viết cho một bản cam kết đến ngày 10/10/2012 sẽ rút sổ đỏ từ ngân hàng trả lại khổ chủ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hai vị lãnh đạo Công ty cổ phần Thép H.T. vẫn chưa trả sổ đỏ và họ luôn “sẵn sàng” viết giấy cam kết hẹn trả sổ đỏ cho anh Đ.

Vì quá khó khăn và bức xúc, gia đình anh Đ. nhiều lần liên hệ với vị giám đốc ngân hàng liên quan đề nghị làm rõ sự việc thì được ông ta trả lời: “Hiện Công ty cổ phần Thép H.T. đang rất khó khăn, ngân hàng sẽ cố gắng thúc giục công ty sớm có tài sản khác thế chấp để rút sổ đỏ trả cho gia đình”. Vị này còn động viên gia đình anh Đ.: “Cứ cố gắng chờ đợi” (?!).

Sau nhiều lần anh Đ. tìm gặp, làm việc, thậm chí kiện ra Tòa án, lãnh đạo Công ty cổ phần Thép H.T. tiếp tục viết giấy cam kết đến ngày 30/9/2013 sẽ tìm tài sản khác thế chấp ngân hàng để rút sổ đỏ trả cho gia đình anh Đ.. Vị giám đốc ngân hàng ở Bắc Giang thì tiếp tục động viên gia đình anh thông cảm với khó khăn của Công ty cổ phần Thép H.T. Thế nhưng, đến những ngày đầu tháng 2/2014, những cam kết và lời hứa đó vẫn chỉ là hứa suông và gia đình anh Đ. luôn sống trong trạng thái nơm nớp bởi nhiều món nợ lớn cứ lãi mẹ đẻ lãi con, trong lúc thứ tài sản giá trị nhất của gia đình đang bị thế chấp trong ngân hàng…

Theo anh Đ., việc Công ty cổ phần Thép H.T. lừa lấy sổ đỏ của gia đình anh thế chấp vào một ngân hàng ở Bắc Giang chắc chắn có sự phối hợp, tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng này. Anh Đ. còn cất công tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến việc Công ty cổ phần Thép H.T. lừa lấy sổ đỏ của gia đình anh thế chấp vào ngân hàng là do trước đó ngân hàng này đã cho Công ty cổ phần Thép H.T. vay nhiều tiền mà không có tài sản đảm bảo thế chấp thực sự tương xứng (tài sản thế chấp ảo). Đến khi Công ty cổ phần Thép H.T. đứng trước nguy cơ vỡ nợ, thì một số cán bộ ngân hàng này đã chấp thuận để Công ty cổ phần Thép H.T. dùng sổ đỏ của gia đình anh Đ thế chấp vào, nhằm bảo đảm cho khoản vay xấu trước đây.

Sự suy đoán này là ý kiến của riêng anh Đ.. Dù gì, với sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết, anh Đ và gia đình đã và sẽ phải chịu nhiều hệ lụy từ việc xa rời nguyên tắc “đồng tiền đi liền khúc ruột”.

Theo luật sư Đặng Văn Luân, Văn phòng Luật sư miền Bắc, Chi nhánh Hà Nội: Trong trường hợp cụ thể này, hợp đồng thế chấp bất động sản ngày 15/6/2012 giữa anh Đ. và một ngân hàng có chi nhánh ở Bắc Giang để bảo lãnh cho Công ty cổ phần Thép H.T vay tiền là vô hiệu. Bởi lẽ, vợ anh Đ. là chị N.T.H. (người cũng có quyền và nghĩa vụ với tài sản thế chấp gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất) đã không ký vào hợp đồng thế chấp…

Duy Hiển
.
.
.