Lời khai của nguyên chủ tịch ngân hàng Đại Tín Hoàng Văn Toàn

Thứ Tư, 02/05/2018, 16:58

Quá trình xét hỏi tại toà, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín - Hoàng Văn Toàn không thừa nhận sai phạm. Bị cáo Toàn cho rằng hành vi của mình là không vi phạm pháp luật.


Cuối giờ sáng 2-5, phiên toà xét xử vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đại Tín bắt đầu bước vào phần xét hỏi.

Bị cáo Hoàng Văn Toàn
Bị cáo Trần Sơn Nam

Quá trình xét hỏi tại toà, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín - Hoàng Văn Toàn không thừa nhận sai phạm. Bị cáo Toàn cho rằng hành vi của mình là không vi phạm pháp luật.

Quá trình xét duyệt cho hai công ty trên vay, dựa vào chứng thư thẩm định giá số 1063 ngày 24-12-2012 của Công ty cổ phần tư vấn, dịch vụ về tài sản, bất động sản DATC - Bộ tài chính để xác định giá trị quyền sử dụng đất sử dụng làm tài sản đảm bảo cho vay là đúng quy định pháp luật. Theo kết quả định giá tại chứng thư thẩm định giá trên thì lô đất số 3 Sân vận động Chi Lăng có giá trị 913 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện, chứng thư thẩm định giá này sử dụng phương pháp so sánh và phương pháp thặng dư để định giá. Mức giá đưa ra dựa trên quy hoạch xây dựng giả định của khu đất. Chứng thư này cũng ghi rõ điều kiện ràng buộc của mức giá trên theo đúng thông số chỉ tiêu quy hoạch giả định và kết quả này được sử dụng làm cơ sở tham khảo cho mục đích thế chấp vay vốn ngân hàng.

Thực tế, khu đất Sân vận động Chi Lăng vào thời điểm định giá vẫn chưa giải toả xong, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, dự án chưa có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không có bất kỳ hoạt động đầu tư dự án nào trên lô đất này.

Tại tờ trình thẩm định giá tài sản thế chấp số 22 ngày 24-12-2012 của chi nhánh Sài Gòn cũng yêu cầu khách hàng phải cung cấp toàn bộ bản chính giấy tờ pháp lý liên quan đến lô đất và tờ trình thẩm định khách hàng ngày 25-12-2012 của chi nhánh Sài Gòn cũng có kiến nghị “có rủi ro về tài sản đảm bảo” nhưng các bị can vẫn phê duyệt cấp tín dụng cho công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng và công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng.

Theo HĐXX, thực tế dự án trên không hề có thật, tự vẽ ra để các công ty Phạm Công Danh vay tiền.

Tương tự như ông Toàn, tại toà, ông Trần Sơn Nam khai, có xem phương án vay vốn của hai công ty trên cơ sở đó mới cho họ vay tiền. Dựa vào chứng thư thẩm định giá của DATC và phương án có tài sản đảm bảo nên mới quyết định cho vay.

Khi được hỏi, bị cáo có đi thực tế để kiểm tra hay không, bị cáo Nam khai “Theo bị cáo nghĩ có chứng thư thẩm định giá, cán bộ ngân hàng không cần phải ra Đà Nẵng để kiểm tra khu đất Sân vận động Chi Lăng cũng như khả năng tài chính của công ty này”.

Với các quyết định đã ký, theo toà, bị cáo Nam đã lợi dụng lòng tin của cổ đông ký các quyết định này ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.

Phản kháng lại câu nói của toà, bị cáo Nam nói, bị cáo có góp vốn vào ngân hàng 30 tỷ nên cũng là cổ đông của ngân hàng. Thời điểm cho hai công ty trên vay, ngân hàng lợi nhuận rất thấp nên muốn làm lợi cho ngân hàng nên mới ký cho vay chứ không nghĩ sẽ gây thiệt hại cho ngân hàng.

Trước khi ký quyết định cho vay, bị cáo có trình lên Tổ giám sát của ngân hàng Nhà nước đề nghị cho giải ngân. Trên cơ sở được tổ giám sát đồng ý thì chi nhánh Sài Gòn mới cho hai công ty vay vốn. Hồ sơ họp HĐTD cũng được thông qua tổ giám sát vào ngày 28-12-2012.

Xác nhận lời khai của ông Nam, ông Toàn cũng có lời khai, có trình hồ sơ cho vay cho Tổ giám sát ngân hàng Nhà nước.

Trả lời tiếp câu hỏi của toà, vì sao hồ sơ ký duyệt cho vay chưa ráo mực (ký duyệt cho vay và giải ngân đều diễn ra trong 1 ngày) nhưng đã giải ngân, ông Nam lý giải “nếu hợp đồng đã có đầy đủ thì có quyền giải ngân”. Theo toà, đó là khi hồ sơ hợp lệ nhưng hồ sơ này chưa hợp lệ.

Nằm trong HĐTD trong việc xét duyệt cho vay hai khoản vay trên nhưng tại toà bị cáo Ngô Trí Đức (nguyên Phó Tổng giám đốc) khai, thời điểm đó vai trò, trách nhiệm của bị cáo đã hết nhưng vì nễ anh Nam nên bị cáo ký. Bị cáo thừa nhận hành vi sai nhưng không có vai trò trách nhiệm gì, chữ ký của bị cáo không quan trọng vào thời điểm đó.

Còn các bị cáo Hồ Trọng Thắng (nguyên trưởng phòng quản lý tín dụng), Trần Thị Hồng Phương (nguyên giám đốc khối kế toán)... đều có lời khai không nhớ ký hồ sơ giải ngân vào ngày nào.

Từ đó toà cho rằng đây là hồ sơ dùng để hợp thức hoá việc cho vay chứ thực tế không có cuộc họp nào.

Phiên toà vẫn đang tiếp tục.

A.Huy - Hồng Sơn
.
.
.