Nguyên Tổng giám đốc Navibank và cấp dưới không nhận tội

Thứ Năm, 01/03/2018, 17:12

Quá trình xét hỏi tại toà, nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) Navibank Lê Quang Trí và 8 cán bộ cấp dưới không thừa nhận hành vi “Cố ý làm trái...”, chỉ duy nhất 1 bị cáo nhận tội.


Sáng 1-3, phiên toà xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.

Được toà xét hỏi đầu tiên, bị cáo Huỳnh Vĩnh Phát (44 tuổi, nguyên trưởng phòng kế toán, thành viên Hội đồng Alco (quản lý tài sản - nợ)) cho rằng mình bị oan, cáo trạng quy kết không đúng. Việc thực hiện cho vay không thuộc thẩm quyền của bị cáo, bị cáo làm việc vì ngân hàng chứ không tư lợi. Theo bị cáo Phát, việc cho nhân viên vay tiền để gửi sang cho Vietinbank có từ năm 2010. Bị cáo có tham gia họp hội đồng Alco thống nhất gửi tiền vào Vietinbank theo lãi suất thoả thuận (từ 16,5-22,5%/ năm).

Các bị cáo tại phiên xử 

Theo cáo trạng, trong tổng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng 24,5 tỷ đồng được Huỳnh Thị Huyền Như trả cho Navibank trong hợp đồng tiền gửi cho 14 nhân viên đứng tên 1.543 tỷ đồng, trong đó tiền được chuyển đến tài khoản của Huỳnh Vĩnh Phát mở tại Navibank là 15,1 tỷ đồng. Trong số tiền này có trên 8,7 tỷ đồng là tiền chênh lệch ngoài hợp đồng liên quan đến 6 hợp đồng Navibank cho vay, tổng giá trị 200 tỷ đồng đứng tên 4 cá nhân đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Tại toà, Phát thừa nhận có nhận tiền lãi ngoài qua tài khoản cá nhân như cáo trạng nêu. Tuy nhiên, Phát cho rằng tài khoản này mở ra để làm nhiệm vụ thu lãi về cho Navibank, chứ không thuộc quyền sở hữu của bị cáo. Về số tiền lãi ngoài đã chuyển vào tài khoản, bị cáo Phát nói không nhớ chính xác vì sau khi tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân, bị cáo đã ký lệnh chi để chuyển số tiền này trả lãi cho 6 hợp đồng đứng tên các nhân viên vay tiền tại Navibank. 

Từ đó, bị cáo Phát cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo là đồng phạm trong hành vi “Cố ý làm trái...” là không đúng.

Tương tự như bị cáo Phát, trong phần xét hỏi, bị cáo Đinh Thị Đoan Trang (nguyên Trưởng phòng dịch vụ khách hàng) liên tục kêu oan. Bị cáo Trang cho rằng cáo trạng quy buộc bị cáo chưa đúng. 

Theo cáo trạng, bị cáo Trang là người tổ chức thực hiện giải ngân theo các chứng từ do Phòng quan hệ khách hàng lập và thực hiện hạch toán các khoản vay; việc giám sát, việc sử dụng khoản vay thuộc trách nhiệm của Phòng quan hệ khách hàng. 

Tại toà, bị cáo Trang khai, vào thời điểm trên Navibank đang gặp khó khăn, mọi người làm việc đều không tư lợi. Khi hồ sơ trình lên thì bị cáo không biết rõ hợp đồng tiền gửi, tuy nhiên căn cứ vào lãi suất gửi lớn hơn lãi suất huy động vốn nên hội đồng tín dụng đồng ý cho vay. Về việc lãi suất ngoài thì Navibank thu vào ngân quỹ chứ nhân viên không được hưởng lợi. Khi có vay bản thân bị cáo không biết trước rủi ro vì có hợp đồng tiền gửi.

Có đến 13 luật sư tham gia bào chữa, tại toà bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng pháp chế, thành viên Hội đồng tín dụng) cũng cho rằng mình bị oan. Bị cáo không nằm trong nằm trong hội đồng Alco, cũng chưa bao giờ họp hội đồng Alco cũng như không biết, thực hiện chủ trương nào của hội đồng Alco. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới oan sai của bị cáo. 

Với tư cách thành viên hội đồng tín dụng, bị cáo Hiền thừa nhận đã ký tên vào biên bản họp hội đồng tín dụng, bản thân bị cáo là trưởng phòng pháp chế thì bị cáo kiểm tra tính đúng đắn của hồ sơ vay vốn. Còn tài sản đảm bảo thì tài sản đã được Navibank là tài sản đảm bảo nên bị cáo ký vào biên bản họp hội đồng tín dụng thể hiện hồ sơ vay vốn là hợp lệ. Khi đọc tờ trình thì bị cáo biết tài sản đảm bảo là hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Bị cáo xác định hợp đồng vay là hợp lệ.

Tương tự như các cấp dưới, bị thẩm vấn trước đó, bị cáo Lê Quang Trí (nguyên TGĐ Navibank) thừa nhận quá trình điều hành ngân hàng có thiếu sót, nhưng không cố ý làm trái các quy định nhà nước. Về chủ trương cho nhân viên vay tiền thì thông qua các hợp đồng tiền gửi rồi mang sang ngân hàng khác để lấy lãi suất chênh lệch, bị cáo Trí cho rằng Luật tín dụng không cấm việc cá nhân vay tiền ngân hàng đi gửi ngân hàng khác. 

Chủ tọa dẫn chứng, lãi suất tiền gửi tại Vietinbank ghi trên hợp đồng là 14%, cộng thêm lãi suất ngoài là 22,5% nhưng tiền lãi cho nhân viên vay cũng là 22,5%...  Theo toà, lãi suất tiền gửi bằng lãi suất đi vay, vậy vay để làm gì? Bản chất vấn đề ở đây là, các nhân viên vay tiền của Navibank gửi Vietinbank, sau đó mang lãi về cho Navibank...

Tại toà các bị cáo còn lại đều “kêu oan”, chỉ duy nhất bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng phòng quản lý rủi ro, thành viên Hội đồng Alco, thành viên Hội đồng tín dụng) nhận tội.

Tuy nhiên, Oanh cho rằng khung hình phạt truy tố là quá nặng vì khi cho vay bị cáo cho vay không biết việc cho vay là sai quy định vì số tiền vay này được đảm bảo bằng tiền gửi tại Vietinbank nhưng không ngờ số tiền này bị Huyền Như chiếm đoạt. Qua quá trình điều tra mới nhận được hành vi trênlà trái pháp luật. Việc làm của bị cáo cũng không hưởng được chút lợi nhuận cá nhân nào, chỉ vì mục đích lợi nhuận của Navibank. Cùng thời gian xảy ra khoản vay, mẹ bị cáo phát bệnh nan y, bị cáo dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ, đến tháng 12-2010, mẹ bị cáo mất, dẫn đến xao lãng công việc.

Về chủ trương mang tiền cho vay, Oanh khai không tham gia họp bàn với hội đồng Alco, chỉ đến khi bị cáo Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng kinh doanh tiền tệ) báo cáo lại cho hội đồng Alco thì bị cáo mới biết. Bị cáo cũng chỉ nghe Luật báo là gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất cao chứ bị cáo không biết lãi suất bao nhiêu %. Thực hiện chủ trương của cấp trên, các nhân hàng Navibank đứng tên vay tiền Navibank để mang gửi Vietinbank để mang lãi suất về cho ngân hàng.

Cũng trong buổi sáng, toà đã hỏi bị án Huyền Như xung quanh đến khoản vay 1.543 tỷ đồng của Navibank. Huyền Như khai, số tiền vay Như dùng để trả cho các cá nhân trước đó đã vay. Sau đó Như lấy tiền các khoản vay khác, từ các cá nhân và đơn vị khác để chuyển trả vào Navibank. 

Buổi chiều, HĐXX sẽ tiếp tục xét hỏi những người liên quan. 

A.Huy - Hồng Sơn
.
.
.