Nguyên Phó Tổng giám đốc cùng 5 đồng phạm chờ ngày ra tòa
Đồng thời, tống đạt kết luận này đến 6 bị can, gồm: Phạm Hải Bằng, trú tại phường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc RPMU; Phạm Quang Duy, trú tại phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc RPMU, nguyên Trưởng Dự án 3 RPMU; Nguyễn Nam Thái, trú tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 RPMU; Trần Văn Lục, trú tại phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội), nguyên Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông, trú tại phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU và Nguyễn Văn Hiếu, trú tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), nguyên Giám đốc RPMU.
Vụ án "lót tay" gần 70 triệu yên Nhật cho một số quan chức Đường sắt Việt Nam đã dần sáng tỏ. |
Kết luận điều tra nêu rõ, cuối tháng 3/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận được thông tin từ Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) cho biết, từ năm 2008 đến năm 2012, Công ty này đã chi khoảng 100 triệu JPY (yên Nhật) cho các đối tượng có liên quan ở nước thứ ba trong đó có Việt Nam (Indonesia, Uzbekistan) để được tham gia thực hiện Dự án ODA của Nhật Bản, thông tin này do hai quan chức ở Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cung cấp.
Tiếp đó, đến cuối tháng 4/2014, Bộ Ngoại giao đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu thông tin về 3 đối tượng đã nhận 69,9 triệu yên Nhật (tương đương 11 tỷ đồng Việt Nam) của JTC để thực hiện gói thầu tư vấn kỹ thuật của Dự án "Đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 01) giai đoạn I".
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, khoảng tháng 9/2009, bị can Phạm Hải Bằng, với vai trò là Chủ nhiệm Dự án khi thống nhất các điều khoản của hợp đồng tư vấn thiết kế, kĩ thuật với nhà thầu JTC (đứng đầu liên danh JKT), Bằng có nêu một số khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện Dự án và được đại diện JTC là ông Sakine, Phó Ban Đối ngoại; ông Kiuchi, Giám đốc Dự án đồng ý hỗ trợ khoản chi phí trong quá trình thực hiện Dự án. Bằng đã tiếp nhận số tiền và đồng ý sử dụng các khoản hỗ trợ chi phí từ phía JTC. Sau đó, Bằng thông báo cho Phạm Quang Duy, Trưởng phòng Dự án 3, Điều phối viên dự án và Nguyễn Nam Thái, Phó Trưởng phòng Dự án 3, thành viên tổ Dự án biết để thực hiện.
Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Bằng đã trực tiếp chỉ đạo Duy và Thái đi nhận số tiền 11 tỷ đồng (69,9 triệu yên Nhật) nêu trên. Trong khoản tiền này, Bằng tiếp nhận và quản lý 4,8 tỷ đồng (đến khi bị bắt, Bằng đã nộp lại cho cơ quan Cảnh sát điều tra số tiền gồm: 970 triệu đồng, 7.000 USD, 2 sổ tiết kiệm có số dư khoảng 916 triệu đồng, mang tên mẹ của Bằng để khắc phục hậu quả); Thái tiếp nhận 3,4 tỷ đồng; còn 2,8 tỷ đồng, Bằng giao cho Duy quản lý, sử dụng. Các khoản tiền này được Bằng, Duy, Thái sử dụng hết vào các hoạt động liên quan đến Dự án như chi phí tổ chức lễ ký hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại... và chi chung cho Tổ dự án và PRMU như đi nghỉ mát, thưởng ngày lễ tết, hỗ trợ công đoàn, đoàn thanh niên...
Riêng số tiền 4,8 tỷ đồng, Bằng quản lý, sử dụng hết vào các chi phí tiếp khách, đối ngoại, không có sổ sách, giấy tờ... Tại cơ quan Công an, Bằng khai nguồn tiền của JTC đã đưa cho Trần Văn Lục, Giám đốc RPMU số tiền 100 triệu đồng; đưa cho Trần Quốc Đông, số tiền 30 triệu đồng; đưa cho Nguyễn Văn Hiếu 50 triệu đồng vào các dịp tết âm lịch năm 2009, 2010, 2011, 2014...
Quá trình sử dụng các khoản tiền từ JTC, không được theo dõi trên hệ thống sổ sách, chứng từ RPMU hay Tổ dự án. Tuy nhiên, Bằng khai nhận khi chi khoản tiền nào đều có báo cáo cho các ông Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu (các Giám đốc RPMU từ năm 2009 đến 2014) nhưng các ông Giám đốc này không có chỉ đạo gì về việc tiếp nhận, sử dụng khoản tiền 11 tỷ từ JTC. Phạm Hải Bằng cũng khai nhận đã không báo cáo với ai tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, về việc nhận tiền của JTC.
Tại một diễn biến khác, kết quả tương trợ tư pháp của Tòa Hình sự - Tòa án thành phố Tokyo Nhật Bản thể hiện rõ "Lời khai của các bị cáo và người liên quan phía Nhật Bản thể hiện trước, trong và sau khi ký kết, thực hiện hợp đồng tư vấn kỹ thuật tại Dự án Tuyến số 01, các cán bộ RPMU đã yêu cầu các khoản tiền để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Công ty JTC Nhật Bản khi ký kết hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng và thanh toán khối lượng thực hiện".
Hành vi của các cán bộ RPMU theo lời khai từ phía Nhật Bản là có dấu hiệu phạm tội "Nhận hối lộ" theo Điều 279 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, do pháp luật Nhật Bản và Việt Nam có sự khác nhau, các chứng cứ của Nhật Bản không được áp dụng làm chứng cứ cho các vụ án của Việt Nam, nên chỉ là tài liệu tham khảo...
Trước đó, ngày 4/2/2015, Tòa án thành phố Tokyo Nhật Bản đã xét xử vụ án "vi phạm Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh" xảy ra tại Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (Công ty JTC). Cùng thủ đoạn nêu trên, ngoài vụ án "lót tay" các quan chức Đường sắt Việt Nam, các bị cáo thuộc Công ty JTC Nhật Bản còn đưa số tiền 30 triệu yên Nhật khác cho một số cá nhân trong Dự án đường sắt đôi tuyến phía Nam đảo Java thuộc Dự án vốn vay ODA của Nhật Bản, do Tổng cục Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải Indonesia mời thầu và Dự án đường sắt điện do Tổng Công ty Đường sắt Uzbekistan mời thầu. Kết quả xét xử: phạt Công ty JTC 90 triệu yên Nhật, cấm tham gia các dự án nước ngoài 3 năm; bị cáo KAKINUMA Tamio, nguyên Chủ tịch HĐQT chịu án 2 năm tù treo, thử thách 3 năm; bị cáo WADA Tatsuro, nguyên thành viên HĐQT, cố vấn JTC, Trưởng phòng quốc tế Công ty JTC chịu án 2 năm 6 tháng tù treo, thử thách 4 năm; bị cáo IKEDA Koji, nguyên thành viên HĐQT, nguyên Trưởng phòng Kế toán JTC chịu án 2 năm 6 tháng tù treo, thử thách 3 năm... |