Ngày thứ ba xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Agribank (Chi nhánh Nam Hà Nội):

Nguyên Phó Chi cục trưởng Hải quan và cấp dưới chỉ nhận vi phạm hành chính

Thứ Tư, 23/12/2015, 16:49
Ngày 23- 12, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Agribank (Chi nhánh Nam Hà Nội) tiếp tục với phần thẩm vấn nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan Hà Tây bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Bị cáo Hoàng Tuấn Khanh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây) được xét hỏi đầu tiên. Theo cáo trạng, từ tháng 4- 2011 đến tháng 12- 2011, Khanh có nhiệm vụ phân công tiếp nhận mở tờ khai, kiểm tra hồ sơ hải quan, xác nhận thông quan đối với hàng hóa miễn kiểm tra thực tế.

Tháng 6- 2011, Khanh tiếp nhận 10 tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu nguyên phụ liệu của Công ty Lifepro. Tất cả 10 tờ khai điện tử đều được hệ thống chọn luồng vàng (kiểm tra chứng từ điện tử, không kiểm hoá). Khi kiểm tra hệ thống kế toán thuế KT559 (là mạng nghiệp vụ quản lý thuế của ngành Hải quan), Khanh phát hiện Công ty Lifepro đang nợ thuế quá hạn hơn 10 triệu đồng. Mặc dù công ty này không đủ điều kiện cho thông quan theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhưng do nhận thức chủ quan đây là doanh nghiệp lớn, tiền nợ thuế không đáng kể nên Khanh vẫn cho phép thông quan. Từ đó, công ty này được hưởng ân hạn thuế 275 ngày, dẫn đến hậu quả là không thu được số tiền thuế nhập khẩu cho ân hạn không đúng quy định hơn 62 tỷ đồng.

HĐXX hỏi bị cáo Khanh “Hành vi thông quan có được coi là vi phạm pháp luật hay không?”. Bị cáo Khanh trả lời, việc làm thủ tục thông quan chỉ có “giá trị đi đường” cho các doanh nghiệp. Trả lời câu hỏi của HĐXX về nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Khanh cho rằng, bị cáo tạo điều kiện cho doanh nghiệp là thực hiện theo chủ trương của ngành.

Bị cáo Đỗ Thị Liên Hương (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây) được xét hỏi tiếp theo. Theo cáo trạng, ngày 12- 11- 2010, Hương tiếp nhận ba tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc của Công ty cổ phần Enzo Việt. Quá trình kiểm tra hồ sơ hải quan, Hương phát hiện công ty này đang nợ thuế VAT quá hạn gần 60 triệu đồng. Hệ thống tự động xác định công ty này không được ân hạn thuế trên các lệnh hình thức, nhưng Hương vẫn “đề xuất thông quan hàng hoá”. 

Từ hành vi sai phạm của Hương đã tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Enzo Việt nợ gần 7,3 tỷ đồng thuế nhập khẩu không thu hồi được. Khi HĐXX thẩm vấn về lý do thực hiện hành vi sai phạm, bị cáo Hương cho rằng “Việc thông quan gồm nhiều quy trình, bị cáo thừa nhận có sai nhưng chỉ ở mức độ sai phạm hành chính.

Liên quan đến việc “đề xuất thông quan hàng hoá” cho doanh nghiệp không đủ điều kiện, bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây) cũng bị cáo buộc đã thực hiện hành vi phạm tội tương tự như bị cáo Hương, nhưng trong quá trình điều tra và xét hỏi công khai tại tòa, bị cáo Hằng đều không thừa nhận phạm tội. Bị cáo Hằng cho rằng, mình đã thực hiện đúng quy trình, nghiệp vụ hải quan, cũng như không liên quan đến cho doanh nghiệp hưởng ân hạn thuế để thông quan. 

Theo cáo trạng, sau khi tiếp nhận xử lý ba tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc của Công ty cổ phần Enzo Việt, quá trình kiểm tra hồ sơ hải quan, Hằng phát hiện công ty này đang nợ thuế quá hạn gần 60 triệu đồng. Hệ thống quản lý rủi ro tự động xác định công ty này không được ân hạn thuế trên các lệnh hình thức. Nhưng trước đó, tại tờ khai hải quan, Hằng đã điền thông tin (viết tay) nội dung: “Doanh nghiệp nợ thuế quá hạn 57.990.000 đồng, trình lãnh đạo quyết định”. Và tại mục “đề xuất”, Hằng đã đánh máy đề xuất “thông quan hàng hoá”.

Bị cáo Lương Thị Yên (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây) được xét hỏi cuối cùng. Theo cáo trạng, ngày 12- 11- 2010, chi cục tiếp nhận sáu tờ khai nhập khẩu nguyên phụ liệu của Công ty cổ phần Enzo Việt do Hương và Hằng thực hiện. Trên lệnh ghi rõ không được ân hạn thuế, nhưng Yên vẫn duyệt thông quan sáu tờ khai hải quan để công ty này tiếp tục được hưởng ân hạn thuế nhập khẩu không đúng quy định số tiền gần 13,8 tỷ đồng. Khi HĐXX thẩm vấn về hành vi này, bị cáo Yên cho rằng “nếu đối chiếu các quy trình hải quan thì bị cáo thấy không phạm tội". 

Tuy nhiên, bị cáo Yên cũng thừa nhận, đã không làm đầy đủ trách nhiệm khi được phân công trực nghiệp vụ, không kiểm tra, đôn đốc cán bộ tiếp nhận, kiểm tra thuế để xác định tình hình nợ đọng thuế của doanh nghiệp, thực hiện không hết nhiệm vụ được giao dẫn đến hậu quả là không thu được số tiền gần 13,8 tỷ đồng thuế nhập khẩu. Cũng giống như các bị cáo từng là thuộc cấp của mình, bị cáo Yên chỉ nhận, sai phạm của mình chỉ ở mức độ xử lý hành chính. Về số tiền 50 triệu đồng đã nhận từ Công ty cổ phần Enzo Việt đã “gửi cho”, bị cáo Yên khai đã nộp lại cho cơ quan điều tra.

Trả lời HĐXX về yêu cầu gì đối với số tiền đã cho bốn công ty vay đến nay chưa thu hồi được, đại diện Agribank với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án này trình quan điểm: Agribank đã giải ngân tín dụng cho bốn doanh nghiệp vay. Theo đại diện của Agribank, hiện khoản dư nợ trên hệ thống của ngân hàng tính cả gốc và lãi là hơn 4.103 tỷ đồng (chưa trừ giá trị tài sản bảo đảm là 932 tỷ đồng). Tổng thiệt hại hiện nay của Agribank gần 3.200 tỷ đồng. Đại diện Agribank đề nghị HĐXX thu hồi lại tài sản cho Agribank, đồng thời tịch thu chiếc xe Benltey trị giá 3,5 tỷ đồng của nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội- Phạm Thị Bích Lương, được xác định là đã hưởng lợi trái phép từ việc giải ngân trái quy định cho doanh nghiệp để đảm bảo cho công tác thi hành án. Đại diện Agribank cũng đề nghị HĐXX buộc đại diện theo pháp luật của bốn doanh nghiệp đã vay tiền của Agribank phải thanh toán cả nợ gốc và lãi cho Agribank. 

Ngoài ra, Agribank cũng đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục truy bắt các đối tượng lừa đảo còn lại trong vụ án này để xử lý trước pháp luật và khắc phục hậu quả của vụ án. Sau khi xét hỏi nhóm bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, HĐXX dành thời gian để đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và các luật sư xét hỏi các bị cáo.

Ngày 24- 12, phiên toà tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.