Người đem bán 80.000 USD cho tiệm vàng bị bắt được lấy lại tiền

Thứ Tư, 24/09/2014, 00:30
Ngày 23/9, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị Hòa Lan (ngụ quận 3), người có liên quan trong vụ án kinh doanh ngoại tệ trái phép xảy ra tại tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh, tuyên trả lại cho người này số tiền 80.000 USD mà trước đó tòa án cấp sơ thẩm đã tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Tại tòa, HĐXX đã chấp nhận lời khai của bà Lan khi cho rằng không biết tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh không được phép mua bán ngoại tệ nên chấp nhận kháng cáo của bà này.

Đối với phần còn lại của bản án, tuy không có kháng cáo kháng nghị nhưng HĐXX nhận định có đủ căn cứ để xác định số tiền 100.000 USD tòa án cấp sơ thẩm tuyên trả lại cho Nguyễn Thị Vi Thoa (con gái bị cáo Nguyễn Thị Minh trong vụ này) là do bị cáo Nguyễn Thị Minh (SN 1959 ngụ quận Tân Bình) mua bán ngoại tệ bất chính mà có được nên sẽ kiến nghị giám đốc thẩm hủy vụ án này để xét xử lại cho đúng luật.

Theo cáo trạng, mặc dù không được ngân hàng nhà nước VN cấp giấy phép kinh doanh thu mua ngoại tệ nhưng từ tháng 9/2013, Nguyễn Thị Minh vẫn cho nhân viên của mình thua mua ngoại tệ của khách hàng với giá thấp hơn giá ngân hàng nhà nước niêm yết để hưởng tiền chênh lệch.

Đến ngày 19/11/2013, công an TP.HCM phối hợp với công an quận Tân Bình, phát hiện Nguyễn Thị Minh đang có hành vi thu mua trái phép ngoại tệ của Đỗ Thị Hà (nhân viên tiệm vàng Kim Hà do bà Nguyễn Thị Hòa Lan làm chủ) và Cao Xuân Dũng (nhân viên tiệm vàng Kim Phát Bảo) với tổng số tiền lên tới 83.3000 USD và 255 AUD (tương đương 1,77 tỷ đồng) cùng toàn bộ giấy tờ, chứng từ viết tay, ghi chép số liệu thể hiện hoạt động kinh doanh của tiệm vàng này.

Bị cáo đang nghe Hội đồng xét xử tuyên án.

Sau khi sự việc bị phát hiện, bà Minh còn tự nguyện giao nộp số ngoại tệ 100.000 USD, 500.000 Bath, 5.000 RM và toàn bộ giấy tờ, chứng từ viết tay, số liệu thể hiện hoạt động kinh doanh của tiệm vàng. Số ngoại tệ này, ban đầu bà Minh khai đó là số ngoại tệ mua bán trái phép trong ngày nhưng sau đó bị cáo đổi lời khai và cho rằng đó là tiền của con gái gửi.

Dù không có chứng cứ gì chứng minh gì ngoài lời khai của bị cáo và người liên quan (con gái bị cáo) nhưng xử sơ thẩm, TAND TP.HCM vẫn tuyên trả lại số tiền 100.000 USD, 500.000 Baht (tiền Thái), 5.000 RM (tiền Malaysia) cho Nguyễn Thị Vi Thoa. Đối với hành vi của bị cáo Minh, HĐXX chỉ áp dụng hình thức phạt tiền, phạt 30 triệu đồng về tội “kinh doanh trái phép”. Riêng số tiền giao dịch ngoại tệ trái phép vào thời điểm bắt quả tang, trong đó có 80.000 USD của bà Lan, HĐXX tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ban đầu bị cáo Minh kêu oan khi cho rằng mình không có hành vi mua bán ngoại tệ bất chính như bản án sơ thẩm đã nhận định.

Tuy nhiên, sau khi HĐXX và VKS đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng bản án sơ thẩm xét xử bị cáo quá “thô thiển” (nguyên văn lời HĐXX và VKS-pv) khi số tiền giao dịch bất chính lại đem trả cho con bị cáo và bị cáo bị truy tố ở khoản 2 điều 159 (với khung hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù) nhưng chỉ áp dụng hình thức phạt tiền…

Kết luận, HĐXX và cả VKS cho rằng bản án xử thế này thì không thể tồn tại được nên sẽ kiến nghị giám đốc thẩm hủy án. Ngay sau khi nghe ý kiến trên, bị cáo Minh đã rút lại toàn bộ nội dung kháng cáo

H.Anh
.
.
.