Cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn cơn bão "tín dụng đen"

“Nghệ thuật huy động tiền” hay lòng tham bị lợi dụng?

Thứ Sáu, 06/09/2013, 09:40
Đi sâu tìm hiểu các vụ vỡ nợ tín dụng đen, chúng tôi nhận thấy nạn nhân của các vụ án này, hầu hết là những người dân nhẹ dạ, số tiền đó đối với họ là một gia sản cả đời mới dành dụm được… Vậy “nghệ thuật huy động tiền” của các con nợ ra sao và vì sao những người bị hại có thể dễ dàng rơi vào cái bẫy của tín dụng đen?
>> “Tín dụng đen”: Nơi khởi tố hình sự, nơi nói dân sự

Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen. Tại Hà Nội, với những cái tên từng gây “sốt” trên dư luận như vợ chồng Hùng - Cúc, ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên; Nguyễn Thị Dậu, trú ở phường Quang Trung, quận Hà Đông; chủ hiệu vàng Quang - Quyên, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội)… thời gian gần đây là vụ đổ bể tại Trường THPT Phương Nam (Hà Nội); vụ vỡ nợ tại Công ty TNHH Hanh Thúy (gọi tắt là Công ty Hanh Thúy) do bà Lê Thị Thúy (50 tuổi) làm Giám đốc… với số tiền lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng khiến dư luận hoang mang.

Đi sâu tìm hiểu các vụ vỡ nợ tín dụng đen, chúng tôi nhận thấy nạn nhân của các vụ án này, hầu hết là những người dân nhẹ dạ, số tiền đó đối với họ là một gia sản cả đời mới dành dụm được… Vậy “nghệ thuật huy động tiền” của các con nợ ra sao và vì sao những người bị hại có thể dễ dàng rơi vào cái bẫy của tín dụng đen?

Người trong cuộc nói gì?

Một trong những trường hợp đó là bà Đoàn Thị Xuân (55 tuổi, trú tại phường Bình Hàn, TP Hải Dương). Bà Xuân là một trong nhiều chủ nợ đã đầu tư vào Công ty TNHH Hanh Thúy do bà Lê Thị Thúy làm giám đốc với số tiền lên đến trên 11 tỷ đồng, cùng nhiều tài sản khác. Theo lời bà Xuân thì bà rơi vào “dở khóc dở cười” là do tin tưởng vào tấm giấy chứng nhận đầu tư “Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp Hải Dương" của bà Lê Thị Thúy. Trong khoảng hai năm đầu (từ năm 2009 – 2010), bà Xuân đã giao cho bà Thúy 950 triệu đồng tiền mặt cùng 1 cây vàng 9999. Thời gian sau này, thấy bà Thúy chây ỳ không trả tiền, bà Xuân đòi gắt thì bà Thúy trả được 180 triệu đồng.

Khoảng cuối năm 2010, bà Thúy thẽ thọt nói với  bà Xuân rằng, bà Thúy xin được dự án thành lập trường dạy nghề…Với dự án này, nếu có vốn đối ứng, Công ty TNHH Hanh Thúy sẽ được Nhà nước cấp 40 tỷ đồng.

Theo lời của bà Thúy thì dự án này vào ngày 21/4/2011 đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 04121000535 cho phép Công ty Hanh Thúy triển khai dự án,  với nhiệm vụ đào tạo nghề cho các đối tượng tại khu vực nông thôn (chủ yếu đào tạo các nghề chế biến rau quả, chế biến và bảo quản thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ thú y...); quy mô đào tạo ổn định 1.715 học viên/năm; thời gian đưa dự án vào hoạt động chậm nhất đến ngày 21/4/2013. Để có thể huy động được tiền của bà Xuân, bà Thúy hứa hẹn sẽ thanh toán toàn bộ số tiền cho bà Xuân khi dự án hoàn tất. Phần vì bà Thúy đang là đại biểu HĐND huyện Nam Sách và đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương, phần khác vì tin tưởng vào lời hứa hẹn của bà Thúy, bà Xuân đã huy động tiền của bạn bè và những người thân trong gia đình để chuyển cho bà Thúy 10 tỷ đồng.

Người dân tụ tập trước cửa nhà bà Thúy đòi nợ.

Cũng là nạn nhân của việc lừa đảo chạy dự án còn có chị Nguyễn Thị Hương ở Đồng Lạc (Nam Sách). Chị Hương đã cho bà Thúy vay 2 tỷ 772 triệu đồng để đầu tư vào dự án. Khi thấy bà Thúy có biểu hiện bất thường, chị Hương đòi nợ thì bà Thúy đã dùng căn nhà của mình để gán nợ cho chị Hương. Trên thực tế thì căn nhà này, trước đó bà Thúy đã chuyển nhượng cho anh chồng bà Thúy là ông Nguyễn Biên Giới (ở xã Nam Trung) với giá 300 triệu đồng… Và theo nội dung đơn tố cáo của những trường hợp đã gửi đến Công an huyện Nam Sách thì những ai có thể huy động được vốn, bà Thúy đều triệt để lợi dụng.

Ngoài các doanh nghiệp, bạn bè, người thân còn có cả những người lao động tự do, số tiền đó là gia sản của cả đời họ dành dụm được. Sau khi vụ vỡ nợ của bà Thúy đổ bể, họ như tỉnh cơn mê và vô cùng ân hận…

Trường hợp của ông Nguyễn Quang Khởi (cùng ở thôn Mạn Đê, Nam Sách) là một ví dụ. Xét về mặt quan hệ thì bà Thúy và ông Khởi cũng có họ hàng với nhau. Khoảng giữa năm 2007, ông Khởi cho bà Thúy vay 1,5 tỷ đồng với lãi suất 1,7%/tháng (vào thời điểm đó, mức lãi suất này cao hơn so với lãi suất huy động vốn của ngân hàng). Cũng vì thế mà ông Khởi đã đồng ý cho bà Thúy vay tiền. Ông Khởi chưa nhận được một đồng tiền lãi nào cũng bởi do chưa có nhu cầu sử dụng tiền nên hàng tháng chỉ cộng sổ và chốt nợ với bà Thúy… Và đến thời điểm này, số tiền gồm cả gốc và lãi ông Khởi cho Thúy vay đã lên tới hơn 3 tỷ đồng. Tiền lãi đâu chẳng thấy, chỉ biết rằng số tiền gốc hiện giờ ông Khởi cũng chẳng hy vọng lấy lại được…

Các chủ nợ mong muốn điều gì?        

Bà Trần Nam Dung (39 tuổi, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội), một trong những chủ nợ của bà Yến với khoản vay gồm cả gốc và lãi lên tới 80 tỷ đồng, bức xúc: Hiện tại, gia đình tôi vô cùng bi đát vì hàng tháng vẫn phải gồng mình để trả khoản tiền vay lãi bên ngoài trước đó đã chuyển cho bà Yến. Mong muốn của bà Dung cũng như hàng chục chủ nợ khác đã cho bà Yến vay tiền là thu hồi được tiền về. Trong trường hợp bà Yến và Nhà trường không có khả năng thanh khoản thì bà Trần Nam Dung muốn trở thành thành viên chính thức trong HĐQT của Trường mầm non Bình Minh…

Phóng viên Báo CAND tiếp xúc với một số nạn nhân cho bà Yến mượn sổ đỏ vay tiền.

Tiếp xúc với chủ nợ trong các vụ án này, một câu hỏi đặt ra cho chúng tôi là “nghệ thuật huy động tiền” của các con nợ như thế nào mà khiến nhiều chủ nợ lao đao? Có thể khẳng định rằng phần lớn các vụ vỡ nợ tín dụng đen đều bắt nguồn từ lòng tham của các chủ nợ. Ban đầu là lợi dụng mối quan hệ quen biết, tạo dựng lòng tin đối với các nạn nhân bằng việc hứa hẹn các dự án kinh doanh, trả tiền lãi cao hơn so với mức lãi suất của ngân hàng... Tiếp đó, các đối tượng phô trương thanh thế,  bằng việc dùng xe ôtô đẹp hay vẽ ra các viễn cảnh làm ăn rồi trả tiền lãi theo đúng hẹn. Các chủ nợ khi đã cho vay thì càng lúc càng dấn sâu, chẳng thể gỡ ra được.

Trở lại trường hợp của bà Dung và bà Thư như đã kể trên, để khiến hai nạn nhân này tin tưởng, bà Yến đã thống nhất với hai “chủ nợ khủng” này là chuyển số tiền vay 60 tỷ của bà Thư vào hợp đồng góp vốn đầu tư trường Mầm non tư thục Bình Minh, tổng giá trị tài sản góp vốn là 350 tỷ đồng, trong đó bà Yến có tỷ lệ góp vốn 50%, bà Thư là 22%; bà Trần Nam Dung 10% (do bà Dung cho bà Yến vay 35 tỷ đồng). Trong hợp đồng góp vốn và hợp đồng nguyên tắc ký khi đó đã ghi rõ, khi trường mầm non tư thục Bình Minh có quyết định chính thức đi vào hoạt động, bà Trương Thị Hải Yến chịu trách nhiệm bổ sung bà Ngô Thị Anh Thư và bà Trần Nam Dung trở thành thành viên chính thức trong HĐQT của trường Bình Minh để cùng hoạch định các phương án kinh doanh giảng dạy và phương hướng phát triển của trường. Chính điều này đã khiến hai chủ nợ tin tưởng hoàn toàn vào lời hứa của bà Yến…

Tín dụng đen là một hình thức cho vay tồn tại từ nhiều năm nay. Sự rủi ro của hình thức cho vay tiền trên chính là cái được và mất… đúng như tên gọi của nó. Ngoài việc đánh trúng tâm lý của các chủ nợ là ham lợi, kiếm tiền nhanh, các đối tượng còn nắm bắt được sơ hở của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tại địa phương để dễ dàng huy động vốn.

Bà Đoàn Thị Xuân tức tưởi: "Tôi là người cùng quê lại học với anh trai bà Thúy. Thời gian đầu, bà Thúy liên tục lừa dối tôi buôn chung hành tỏi để vay tiền. Sau đó, bà Thúy lại đem dự án dạy nghề ra lừa tôi để vay hơn chục tỷ đồng. Trước kia, gia đình tôi khá sung túc, nay phải bán nhà ra ở thuê, nợ nần chồng chất".

Một trong số các chủ nợ lớn nhất của bà Trương Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT, Phó Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phương Nam đến thời điểm này là bà Ngô Thị Anh Thư (ở  B29, lô 20, khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Suốt một thời gian dài đòi nợ, bà Thư đã quá mệt mỏi, tâm sự với chúng tôi, bà Thư cho biết: Hiện tại bà chỉ có một nguyện vọng là đòi được khoản tiền hơn 140 tỷ đồng đã đưa cho bà Yến vay. Trong trường hợp không thể đòi được nợ, bà Thư muốn trở thành cổ đông trong Hội đồng quản trị Trường để có thể lấy lại được khoản tiền đã cho bà Yến vay trước đó. Bà Thư giãi bày: Bà Yến có tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…

T. Hòa - X. Mai
.
.
.