Phúc thẩm vụ án “siêu lừa” gần 4.000 tỷ đồng Huỳnh Thị Huyền Như:

Navibank và ACB không có tư cách đòi bồi thường?

Thứ Sáu, 19/12/2014, 10:05
Ngày 18/12, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi Huỳnh Thị Huyền Như về hành vi chiếm đoạt 200 tỷ đồng của hai ngân hàng Navibank và ACB.
>> Triệu tập mẹ ‘siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như’ đến tòa phúc thẩm

Như khai: cuối năm 2010, thông qua Đoàn Đăng Luật (Trưởng phòng nguồn vốn Navibank), Võ Anh Tuấn đã huy động của Navibank thông qua 14 cá nhân là nhân viên Ngân hàng này đứng tên để gửi 1.543 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất từ 16,5% đến 22,5%/năm. Đến ngày 14/7/2011, Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã quyết toán cho Navibank tiền gốc 1.043 tỷ đồng, còn lại 500 tỷ đồng chưa đến hạn quyết toán. Lúc này Võ Anh Tuấn chuẩn bị chuyển công tác nên nói Luật gặp Huyền Như để chuyển số tiền này gửi vào Vietinbank Chi nhánh TP.HCM. Để Navibank tin tưởng chuyển tiền, Như đã đề xuất lãnh đạo Vietinbank Chi nhánh TP.HCM ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên Navibank để nhận gửi 500 tỷ đồng, lãi suất 14/%/năm mà không báo cáo với lãnh đạo về phần chênh lệch ngoài hợp đồng phải trả cho Luật. Đến ngày 7/9/2011, Như đã tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỷ, còn lại 200 tỷ đồng đứng tên 4 nhân viên Navibank Huỳnh Linh Chi, Cao Thị Thùy Anh, Lương Thị Thủy Tiên, Lê Thị Thu Hương, Như tự trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của các cá nhân này trả nợ cho các cá nhân, tổ chức đã vay trước đó, trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng cho Luật trên 30 tỷ đồng (nhưng Luật chỉ thừa nhận chỉ nhận hơn 9, 4 tỷ đồng).

Tại tòa, đại diện Navibank và đại diện 4 nhân viên đều có yêu cầu buộc Vietinbank phải bồi thường cho Navibank hoặc 4 nhân viên số tiền đã chiếm đoạt cùng với lãi suất phát sinh. Không chấp nhận yêu cầu “nước đôi” này của hai đại diện nói trên, HĐXX yêu cầu cả hai phải xác định cụ thể tiền phải trả cho chủ thể nào? Hai đại diện Navibank và 4 nhân viên thì đều nhận được câu trả lời: “Đây là tiền của các nhân viên Navibank”. HĐXX tiếp tục: “Nếu là tiền cá nhân vì sao họ kháng cáo không đòi tiền cho mình mà lại yêu cầu trả lại cho Navibank?”. Câu hỏi này, HĐXX liên tục buộc hai đại diện phải có câu trả lời nhưng cả hai đều trả lời vòng vo, không đi vào trọng tâm câu hỏi. “Chốt” lại, HĐXX cho rằng “Nếu đã là tiền của các nhân viên thì tại tòa hôm nay Navibank không có tư cách gì đòi tiền Vietinbank vì cả hai không có giao dịch gì cả?”. Cuối cùng, đại diện Navibank cho biết “Đây là tiền của các nhân viên vay của Navibank”. “Nếu họ vay thì đề nghị đại diện Navibank cung cấp hồ sơ vay cho HĐXX”, HĐXX yêu cầu. Đại diện Navibank hứa sẽ cung cấp cho HĐXX sau.

Bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại tòa.

Tiếp tục “truy”, VKS đề nghị đại diện Navibank trả lời: “Lý do Navibank ký hợp đồng cho các nhân viên mình vay tiền và lại thế chấp bằng chính hợp đồng đó để gửi vào Vietibank? Việc ký hợp đồng cho nhân viên vay theo chủ trương của ai? Việc cho các nhân viên vay tiền có thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về cho vay không? Các hợp đồng trên có phải là giả tạo hay không?...”. Tuy nhiên, tất cả các câu hỏi trên phía Navibank đều “Xin không trả lời” hoặc chỉ “xin phép không đánh giá”. Bức xúc trước cách trả lời của đại diện Navibank, đại diện VKS đã phải thốt lên: “Tôi rất ngạc nhiên về những câu trả lời của ông. Với tư cách là đại diện của Navibank, ông phải trả lời hết tất cả những câu hỏi trên”.

Tương tự Navibank, với kháng cáo yêu cầu Vietinbank có nhiệm vụ trả số tiền trên 718 tỷ đồng Huyền Như đã chiếm đoạt thông qua hợp đồng ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào Vietinbank tại hai chi nhánh TP HCM và Nhà Bè, tại tòa, đại diện ACB thừa nhận, đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền theo hình thức tiết kiệm nhưng thực tế các nhân viên này ký hợp đồng với Vietinbank là hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn. “Vì sao ACB không trực tiếp đi gửi tiền mà phải ủy thác các nhân viên? Có phải do pháp luật ngân hàng quy định tiền gửi tiết kiệm là chỉ dành cho cá nhân chứ không phải pháp nhân, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn lãi suất tiền gửi tại tài khoản thanh toán nên ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền của mình vào Vietinbank theo hình thức tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn không?”, HĐXX đặt câu hỏi nhưng đại diện ACB không có câu trả lời.

Để làm rõ tính hợp pháp của các hợp đồng ủy thác, HĐXX tiếp tục hỏi: Hợp đồng ủy thác với các nhân viên có hiệu lực từ thời gian nào đến thời gian nào, có hợp đồng nào ACB ký ủy thác vào buổi sáng xong hủy luôn hợp đồng ngay trong ngày không? Đại diện ACB trả lời: “Hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký”, và: “Không có hợp đồng nào hủy luôn trong ngày như HĐXX đã chất vấn”. Tuy nhiên, HĐXX đã trưng ra nhiều bằng chứng là các hợp đồng “ký buổi sáng, buổi chiều hủy”.

Tiếp tục làm rõ vì sao ACB kháng cáo đòi tiền Vietinbank trong khi người gửi tiền là nhân viên ACB chứ không phải đơn vị này, HĐXX hỏi: “Có điều khoản nào của hợp đồng ủy thác tiền có thể hiện mối quan hệ giữa ACB và Vietinbank không?”, ACB thừa nhận là “không”. “Vậy hà cớ gì ACB đòi Vietinbank phải trả?”. “Vì tiền là ACB ủy thác cho nhân viên gửi”, đại diện ACB trả lời. “Khi đi anh bắc cầu, còn đi về đi thẳng?”, HĐXX nhận định: Hợp đồng trên chỉ có hai quan hệ phát sinh là quan hệ giữa ACB với các nhân viên và quan hệ giữa các nhân viên và Vietinbank, chứ không có quan hệ “ACB và Vietinbank”. Vì vậy nếu mất tiền, ACB phải kiện bên nhận ủy thác, tức là các nhân viên của mình để đòi tiền chứ không thể bắt Vietinbank phải trả tiền…

Vào cuối ngày, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi về hành vi giúp sức của bị cáo Võ Anh Tuấn trong việc giúp Huyền Như lừa đảo 4 công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên với số tiền lên tới 1.678 tỷ đồng. Thừa nhận tội danh lừa đảo mà tòa sơ thẩm khẳng định là đúng, Tuấn chỉ xin HĐXX xem xét lại một phần trong việc giúp Như lừa đảo 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên vì vai trò có phần hạn chế.

Bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại tòa.
Bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại tòa.
A.Huy
.
.
.