Mối lo mất tiền tỷ từ Hậu Giang Food

Thứ Hai, 12/01/2015, 09:55
Công ty CP Lương thực Hậu Giang (Hậu Giang Food) là “con chung” và thuộc dạng “con cưng” của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với UBND tỉnh Hậu Giang. Sau một thời ăn nên làm ra, giờ doanh nghiệp (DN) này đang mấp mé bên bờ vực phá sản khi vừa làm ăn thua lỗ và nợ… “ngập mặt” do một số nguyên nhân chủ quan.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, Hậu Giang Food có ba cổ đông, trong đó Vinafood 2 chiếm 53,27% vốn, còn lại là của UBND tỉnh Hậu Giang và HTX dịch vụ nông nghiệp Vị Nông I.

Liên quan đến tài chính của Hậu Giang Food, điều mà cả Vinafood 2 và UBND tỉnh Hậu Giang quan tâm nhiều nhất vẫn là khoản nợ gần 160 tỷ đồng mà Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà (TP Hồ Chí Minh) đang còn nợ Hậu Giang Food.

Qua làm việc với PV Báo CAND, đại diện Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang – bà La Thụy Phiểng – Phó trưởng Phòng Tài chính doanh nghiệp, cho biết, Tổng Giám đốc Hậu Giang Food vừa có báo cáo cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Vinafood 2 và Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đến nay Hậu Giang Food mới thu hồi 9 thửa đất của “con nợ” – Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà tại Đồng Tháp và Bình Dương vơi tổng giá trị khoảng 42,280 tỷ đồng.

Trụ sở Hậu Giang Food.

Khoản tài sản còn lại mà “con nợ” này từng thế chấp để cấn trừ nợ cho Hậu Giang Food trị giá trên 191 tỷ đồng. Hậu Giang Food đang tập trung thu hồi khoản nợ “khủng” còn lại trong điều kiện “con nợ” (cùng 2 công ty con) đang cùng lúc nợ “ngập mặt” nhiều “chủ nợ” khác (đều thuộc Vinafood 2) cũng với số tiền lớn đến đáng ngại, cụ thể: Công ty Lương thực Vĩnh Long 174,3 tỷ đồng, Công ty Lương thực Đồng Tháp 47 tỷ đồng, Công ty Lương thực Sóc Trăng 26 tỷ đồng, Công ty Lương thực Bạc Liêu 9,7 tỷ đồng và Công ty Lương thực thực phẩm An Giang 3 tỷ đồng.

Liên quan đến sự tồn tại của Hậu Giang Food, Thường trực UBND tỉnh Hậu Giag cho biết, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và Vinafood 2 vào tháng 8/2014 cũng đã có cuộc họp thống nhất chưa triển khai thực hiện phá sản đối với DN này với điều kiện một số điều kiện sau buộc phải xảy ra:

Việc đầu tiên là thành lập Ban thu hồi công nợ, khẩn trương tiến hành hàng loạt công việc cần thiết, trong đó có khởi kiện đối với “con nợ” – Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà, thống nhất với các ngân hàng có liên quan quanh việc xử lý tài sản của “con nợ” này. Tiếp đó, Vinadood 2 và UBND tỉnh Hậu Giang sẽ gấp rút thực hiện việc tái cơ cấu tổ chức bộ máy của Hậu Giang Food.

Nếu ngân hàng đồng ý khoanh nợ, tái cơ cấu lại nợ và thu hồi được phần lớn số nợ phải thu, Vinafood 2 sẽ giao chỉ tiêu kinh doanh (mua bán, xuất khẩu ủy thác,…) cho Hậu Giang Food cùng các hình thức hỗ trợ tài chính khác để đảm bảo phát huy cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị và giải quyết việc làm cho người lao động tại Công ty; tiếp tục bổ sung kinh phí để thực hiện dự án xây dựng kho tạm trữ lúa gạo trên địa bàn Hậu Giang,..

Bên cạnh khoản nợ kếch xù vừa kể, ông Võ Trường Hùng - Tổng Giám đốc Hậu Giang Food từng có văn bản xác nhận, năm 2013, Hậu Giang Food đã bị lỗ 98,5 tỉ đồng; Công ty còn nợ các công ty con của Vinafood 2 khoảng 100 tỉ đồng nữa. Do thua lỗ quá lớn và nợ quá nhiều nên vào cuối năm 2013, lãnh đạo Viafood 2 từng kiến nghị cho phá sản công ty này.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu Viafood 2 chấp nhận cho Hậu Giang Food phá sản thì Vinafood 2 sẽ “mất trắng” hơn 100 tỉ đồng, bao gồm khoản tiền 24 tỉ đồng góp ban đầu với tỉnh Hậu Giang để lập công ty và hơn 100 tỉ đồng mà Hậu Giang Foood đang nợ những “anh em” thuộc hệ thống Vinafood 2; đó là chưa kể các khoản nợ vay ngân hàng của công ty này được Vinafood 2 bảo lãnh.

Bình Nguyễn
.
.
.